Cùng với việc thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc-xin, Chính phủ đặt mục tiêu tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kịp thời, an toàn, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022.
Tuyệt đối không để dân thiếu ăn, thiếu mặc
Sáng 22/7, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đại diện Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp cho 6 tháng cuối năm.
Chính phủ cho rằng, từ đầu năm, đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, đợt dịch thứ 4 với sự xuất hiện của chủng mới Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn, đã tác động mạnh đến một số tỉnh, thành. Trong điều kiện khan hiếm vắc-xin toàn cầu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã vận động các quốc gia, tổ chức quốc tế bằng nhiều hình thức để tiếp cận, mua vắc-xin cho nhân dân.
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, mức khá cao so với các nước trên thế giới. Đáng lưu ý, nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng khá, như Vĩnh Phúc tăng 14,21%, Hải Phòng tăng 13,52%, Hà Nam tăng 10,41%, Bắc Giang 10,20%, Quảng Ninh 8,02%...
Bên cạnh các kết quả đạt được là cơ bản, Chính phủ cho rằng, vẫn còn những hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trên các lĩnh vực, trong đó có những vấn đề cần giải quyết trong trung và dài hạn. Trong đó, đất nước ta tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 với biến chủng mới gây ra, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu cần được nhanh chóng khắc phục.
“Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp do biến chủng vi-rút mới lây nhiễm nhanh hơn, nguy hiểm hơn; các quy định, hướng dẫn trong phòng, chống dịch chưa được hoàn thiện, bổ sung kịp thời; sự quản lý, giám sát của một số cấp chính quyền có lúc, có nơi còn sơ hở, thiếu chặt chẽ, chưa thực sự chủ động”, ông Phạm Bình Minh nêu.
Nhiệm vụ trong những tháng còn lại của năm 2021, với tinh thần "chống dịch như chống giặc", “bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết, trước hết”, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhiệm vụ, giải pháp cơ bản.
Trước tiên là quyết tâm kiềm chế, không để dịch tiếp tục bùng phát và lây lan rộng, nhanh chóng ổn định tình hình. Tập trung thực hiện nghiêm các biện pháp chủ động phòng ngừa, triển khai hiệu quả chiến lược vắc-xin và nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, có tính chất quyết định.
“Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; tiếp tục thực hiện chủ trương “5K + vắc-xin” và tăng cường ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi; chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống, nhất là khi dịch đang xâm nhập vào khu công nghiệp, khu đô thị có mật độ dân số cao, khu đông dân cư. Trước mắt, tập trung lực lượng để dập dịch nhanh nhất, sớm nhất tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh đang bùng phát mạnh”, phó thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời thực hiện chủ động, hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, đánh giá đúng tình hình để có giải pháp kịp thời, phù hợp, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả đối với từng địa phương, từng thời điểm; triển khai giãn cách, phong tỏa, cách ly linh hoạt, phù hợp, nhưng phải triệt để, hiệu quả, khi cần có thể áp dụng các biện pháp mạnh mẽ hơn. Tập trung điều trị các ca bệnh nặng, giảm tối đa các ca tử vong.
Cùng với việc thực hiện có hiệu quả chiến lược vắc-xin, phân bổ linh hoạt, khoa học, hợp lý cho các đối tượng ưu tiên; đồng thời chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất cần thiết và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng toàn quốc kịp thời, an toàn, khoa học, hiệu quả, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chậm nhất vào nửa đầu năm 2022.
Chính phủ cũng huy động rộng rãi các nguồn lực hợp pháp, nhất là hợp tác công tư trong phòng, chống dịch; đẩy nhanh nhập khẩu vắc-xin; chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước, tiến tới tự chủ vắc-xin nhanh nhất, sớm nhất có thể nhưng bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nhấn mạnh giải pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh; tăng cường truy vết, quản lý cách ly, sau cách ly; có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu về kiểm soát các tuyến biên giới. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời khen thưởng, biểu dương kịp thời những cơ quan, đơn vị, địa phương và cá nhân làm tốt trong công tác phòng, chống dịch.
Trong tình hình mới, Chính phủ kiên định “mục tiêu kép”, thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không để người dân nào thuộc đối tượng mà không nhận được hỗ trợ; tuyệt đối không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm tối thiểu…
“Cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh”
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với nhận định trong báo cáo của Chính phủ, theo đó, GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn.
Trong những tháng còn lại của năm, cơ quan thẩm tra cho rằng, cần xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể. Đồng thời thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “quỹ vắc-xin”
Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19.
Cùng với đó, phát huy vai trò các quỹ về hỗ trợ, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghiên cứu chính sách phù hợp cho mô hình hộ kinh doanh; thúc đẩy sự phát triển, nâng cao năng lực, hiệu quả của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Chú trọng các giải pháp để tiếp tục giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
“Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch bệnh; tiếp cận bình đẳng và đa dạng trong cung cấp vắc-xin, nhất là với đối tác, bạn bè truyền thống có tiềm lực; chú trọng bảo hộ công dân, tài sản và lợi ích kinh tế của Việt Nam tại nước ngoài” - ông Vũ Hồng Thanh.