Thương hiệu "vang bóng một thời" Cao Sao Vàng hồi sinh trở lại, báo doanh thu lợi nhuận tăng kỷ lục
Cao Sao Vàng - là một nhãn hiệu "vang bóng một thời" - gắn liên với thế hệ người Việt Nam suốt giai đoạn 1955 cho tới gần những năm 2000.
Cao sao vàng - thương hiệu vang bóng một thời |
Gắn bó với nhiều thế hệ gia đình Việt nhưng năm 80-90, Cao Sao Vàng vốn chỉ là một chiếc hộp bằng nhôm nhỏ, hình tròn, có hình ngôi sao màu vàng in chính giữa nắp hộp và thân hộp được bao phủ bởi màu đỏ tươi. Món đồ này sẽ được đem ra sử dụng khi có người trong nhà bị nhức đầu, sổ mũi, hắt hơi, đau bụng, bong gân, hay say tàu xe, côn trùng cắn. Ở một số địa phương, Cao Sao Vàng còn được gọi là "dầu cù là".
Theo thông tin từ báo Nghệ An, cha đẻ của loại "thần dược nhỏ nhưng có võ" này là lương y Phó Đức Thành - một nhân vật xuất sắc và đặc sắc của thành phố Vinh nửa đầu thế kỷ 20. Ông được biết đến là một lương y, một nhà doanh nghiệp, nhà báo và người hoạt động xã hội sôi nổi, nhiệt thành. Ông là đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Vinh (1945 - 1947). Năm 2021, tên ông đã được HĐND tỉnh quyết nghị đặt cho một con đường ở thành phố Vinh.
Lương y Phó Đức Thành, tên húy là Duy Khẩn sinh năm 1880 tại Ninh Bình, quê gốc ở tỉnh Hưng Yên. Ông sinh ra trong một gia đình nho nghèo nhưng thuộc một dòng họ có truyền thống về đông y. Ban đầu, ông bôn ba khắp nơi, vào Đà Nẵng làm Thư ký Sở Lục Lộ, sau đó lại ra Huế làm việc và kinh doanh nhỏ cùng vợ.
Năm 1926, vì muốn giúp đỡ người anh họ thân thiết Phó Đức Chu nên ông ra Vinh, thành lập và làm quản lý hiệu thuốc đông y Vĩnh Hưng Tường. Do ông Chu mở cửa hiệu buôn bán thuốc bắc ở Hà Nội nhưng không chịu được sự cạnh tranh, chèn ép của người Hoa ở ngay lãnh địa của họ là phố Phúc Kiến, Hà Nội (sau này đổi tên là phố Lãn Ông). Vì vậy, ông Thành tính toán chọn Trung Kỳ - nơi hoạt động đông nam dược của người Hoa không mạnh bằng Bắc Kỳ và Nam Kỳ.
Phương châm kinh doanh của Phó Đức Thành là “mua tận gốc, bán tận ngọn”, tức là ông trực tiếp nhập khẩu thuốc bắc từ Hong Kong sau đó chuyển đến một cơ sở ở Hải Phòng để giải quyết các khâu, đồng thời mở đại lý ở nhiều vùng khắp Bắc, Trung, Nam. Ngoài ra, ông Thành cũng là một người luôn giữ chữ tín với khách hàng cũng như quan tâm đến chất lượng thuốc.
Từ sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Việt Nam và Liên Xô đẩy mạnh trao đổi hàng hóa. Cao Sao Vàng là một trong những mặt hàng xuất khẩu sang Liên Xô.
Để đảm bảo chỉ tiêu cam kết về số lượng xuất khẩu lớn, Tổng công ty Dược đã giao cho 5 xí nghiệp dược phẩm cùng sản xuất mặt hàng này. Riêng xí nghiệp dược ở Đà Nẵng được giao chỉ tiêu sản xuất mỗi năm trung bình 10 đến 15 triệu hộp. Đỉnh cao là năm 1983 với sản lượng được giao 20 triệu hộp.
Bắt đầu những năm 2000, khi kinh tế mở cửa và hội nhập, sản phẩm Cao Sao Vàng dần bị lấn át bởi vô số các loại dầu như dầu gió, dầu khuynh diệp, dầu tràm... trong nước và nhập ngoại.
Hộp cao nhỏ có thiết kế đặc biệt đã không còn là "thần dược" đem theo bên người và lớp thanh niên ngày nay sẽ không còn biết tới trải nghiệm mở nắp hộp Cao Sao Vàng bằng cách... vứt hoặc đập nó xuống đất.
Mặc dù không còn được ưa chuộng và đã vắng bóng trong thị trường nội địa nhưng Cao Sao Vàng lại xuất hiện ở nhiều trang thương mại điện tử trên thế giới, trong đó có Amazon.
Theo Russia Beyond, cao Sao Vàng của Việt Nam có thể được tìm thấy trong mọi hộ gia đình ở Nga và được bán rộng rãi ở các hiệu thuốc. Người Nga sử dụng cao Sao Vàng để điều trị mọi thứ, từ nhức đầu đến cảm lạnh, từ chảy nước mũi đến trị vết muỗi đốt.
Ngoài ra, người Nga còn dùng vào nhiều mục đích khác, như khử mùi không khí trong phòng, chữa nhiễm trùng nấm trên móng tay, làm cho mèo không cào đồ đạc trong nhà... Cao Sao Vàng từ lâu đã trở thành đồ dùng hàng ngày, thân thuộc với nhiều thế hệ người Nga.
Một cách lý giải về việc tại sao cao Sao Vàng của Việt Nam lại phổ biến ở Nga và một số nước Đông Âu là bởi các thế hệ người Việt Nam được học tập, làm việc và sinh sống ở Liên Xô trước đây và Đông Âu đã mang theo loại cao này bên mình như một “thần dược” giúp chữa cảm những lúc trái gió trở trời.
Hiện nay, doanh nghiệp đang sản xuất và xuất khẩu Cao Sao Vàng là công ty Cổ phần Dược phẩm Trung Ương 3 có trụ sở tại số 16 Lê Đại Hành, Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng.
Công ty hiện có 2 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP - WHO đặt tại số 28 đường 351, Quỳnh Hoàng, An Dương, Hải Phòng và Lô N1-2 khu Công nghiệp Tràng Duệ, An Dương, Hải Phòng.
Lĩnh vực kinh doanh của DP3 là sản xuất và gia công các loại thuốc tân dược dạng viên nén, viên nang, kháng sinh nhóm không Betalactam... Đặc biệt, xuất khẩu mặt hàng cao sao vàng và một số thuốc đông y sang các nước Nga, Ukraina, Kazastan,...
Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung Ương 3 tiền thân là Xí nghiệp Dược phẩm Trung Ương 3 thuộc Tổng công ty Dược Việt Nam. Ngày 01/12/2003, Xí nghiệp Dược phẩm Trung Ương 3 chuyển thành công ty Cổ phần Dược phẩm Trung Ương Foripharm.
Đến tháng 09/2006, Công ty đổi thành Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung Ương 3.
Công ty đã niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội với mã cổ phiếu là DP3 vào ngày 17/7/2015 với 5,25 triệu cổ phiếu.
Về tình hình kinh doanh, năm 2022 công ty ghi nhận doanh thu 504 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận gần 109 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ và đã vượt 45% kế hoạch đề ra.
Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, doanh thu DP3 đạt 226 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ; nhờ tiết giảm các khoản chi phí và doanh thu tài chính tăng cao nên lợi nhuận trước thuế tăng gần 8% ghi nhận ở mức 70 tỷ đồng.
So với kế hoạch lợi nhuận đề ra năm 2023 khá khiêm tốn là 86 tỷ đồng, công ty đã hoàn thành 81% kế hoạch chỉ sau 6 tháng đầu năm.
Về quy mô tài sản, kết thúc quý 2/2023, tổng tài sản của Dương phẩm Trung ương 3 đạt 581 tỷ đồng, tăng hơn 14,5% so với thời điểm đầu năm. Cơ cấu tài sản của công ty, tài sản ngắn hạn chiếm 66,6% tổng tài sản. Trong đó, công ty có 292 tỷ tiền các loại, phần còn lại là hàng tồn kho và khoản phải thu.
Tương tự, trong tài sản dài hạn của công ty cũng chủ yếu là tài sản cố định, bao gồm giá trị nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị, ... phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhìn vào bảng cân đối kế toán, có thể thấy hoạt động kinh doanh của công ty khá "thuần", chỉ tập trung xoay quanh hoạt động chính về sản xuất thuốc, không có các hoạt động đầu tư tài chính, đầu tư ngoài ngành, góp vốn, liên doanh, liên kết, ... hay các khoản cho vay, đầu tư dài hạn, ...
Công ty hoạt động chủ yếu bằng nguồn vốn chủ sở hữu. Mới đây, hồi tháng 7 vừa qua, Công ty đã thực hiện thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 150%, tương ứng phát hành 12,9 triệu cổ phiếu thưởng. Vốn điều lệ của công ty từ 86 tỷ đồng nâng lên 215 tỷ đồng.
Là công ty cổ phần, tỷ lệ trả cổ tức của Dược phẩm Trung ương 3 những năm gần đây khá cao, như năm 2020 chi trả tỷ lệ 80%, năm 2021 là 60%, năm 2022 là 80%. Kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 được thông qua chỉ là 40%, giảm so với các năm trước.