Tỉ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô ngày càng cao

28-06-2023 17:12|Nhật Thy

Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trị đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Nhờ đó, tỉ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô ngày càng cao.

Tỉ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô ngày càng cao - Ảnh 1.

Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu trong đó có Thaco

Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam bắt đầu được hình thành và chú trọng phát triển cách đây hơn 20 năm (năm 1991), muộn hơn so với các nước trong khu vực khoảng 30 năm, nhưng trong 3 năm trở lại đây ngành này đã phát triển khá nhanh.

Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bao gồm cả loại hình xe được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời và loại hình xe được sản xuất, lắp ráp từ xe sát xi cơ sở hoặc xe mới khác đã tăng thấy rõ.

Năm 2018, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 287.586 xe. Năm 2019, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước là 339.151 xe và năm 2020, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước là 323.892 xe.

Năm 2022, sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước là 439.600 xe, tăng 14,9% so với năm 2021.

Bộ Công Thương nhận định, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trị đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có khoảng trên 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô bao gồm ô tô con, ô tải, ô tô khách, ô tô chuyên dùng và ô tô sát xi. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu trong đó có Thaco…

Hiện trên thị trường Việt Nam đã có mặt hầu hết các hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Toyota, Honda, Ford...; kéo theo một số nhà sản xuất vệ tinh và hệ thống các nhà cung ứng linh kiện phụ tùng nước ngoài thân thiết vào đầu tư tại Việt Nam.

Tỉ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô ngày càng cao - Ảnh 2.

Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Thaco

Bên cạnh đó, tỉ lệ nội địa hóa một số dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước khá cao do khả năng cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nội địa được cải thiện trong thời gian qua. Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỉ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỉ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỉ lệ nội địa hóa đạt từ 20% đến 50%).

Có thể nhìn nhận công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô nói riêng đã có sự chuyển dịch theo hướng gia tăng dần tỉ trọng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị, linh kiện, phụ tùng và giảm dần tỉ trọng doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực lắp ráp, sản xuất thân và thùng xe ô tô.

Đến cuối 2022, các doanh nghiệp cung ứng linh kiện đạt tiêu chuẩn nhà cung ứng cấp 1 của Việt Nam cho các hãng ô tô lớn bình quân lên tới hơn 400 doanh nghiệp, tăng hơn 200% so với năm 2016, với sản lượng tăng từ 120.000 xe lên thành 500.000 xe. Điều này đã khẳng định sức hút của thị trường ô tô đầy tiềm năng và dự kiến đạt hơn 1 triệu xe vào năm 2025.

Dựa trên thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu công nghiệp hỗ trợ và tham vấn các chuyên gia, danh sách các nhà cung cấp của Toyota đã ghi nhận con số 58, trong đó có 12 nhà cung cấp thuần Việt với tổng số sản phẩm, linh kiện đạt tỉ lệ 30-40% (tập trung chủ yếu trong nhóm hơn 1000 mã linh kiện, sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị kinh tế cao như linh kiện ngoại thất, nội thất, sắt xi, hệ thống điện… theo cách tính công thức giá trị gia tăng của ASEAN).

Ghi nhận từ Thaco Trường Hải, tỉ lệ nội địa hoá của doanh nghiệp này còn cao hơn, có những dòng xe lên tới 70%. Các doanh nghiệp và đơn vị vệ tinh cho Trường Hải bao gồm: Trung tâm R&D; Trung tâm Cơ khí chế tạo và 17 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng.

Nhờ vậy, THACO đã chủ động nhiều loại linh kiện, phụ tùng ô tô, như ghế ô tô, linh kiện nội thất, kính, dây điện, nhíp; sản xuất khuôn, máy lạnh xe du lịch, máy lạnh xe tải, bus; linh kiện nhựa; thân vỏ ô tô, sơ mi rơ moóc, cản xe, dây, áo ghế, khung xương ghế, linh kiện cơ khí, linh kiện nhựa – composite và nhóm các thiết bị công nghiệp khác.

Năng lực nội sinh của Trường Hải còn được minh chứng thông qua cung ứng linh kiện OEM cho nhiều hãng ô tô, xe máy tại Việt Nam như: Hyundai, Toyota, Isuzu, Piaggio và các doanh nghiệp FDI như: General Electric, Doosan Vina, Makitech, Amann và xuất khẩu đi các thị trường trọng điểm như: Mỹ, Australia, Anh, Italy, Nga, Canada, Thụy Điển, Phần Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… doanh thu đạt 160 triệu USD, với mục tiêu đạt 1 tỷ USD vào năm 2025.

Những điều này chứng minh năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam là hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu khắt khe từ các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, vấn đề khó khăn chủ yếu do sản lượng đơn hàng và tính cam kết trong việc duy trì khiến cho doanh nghiệp Việt chưa mạnh dạn đầu tư dây chuyền, máy móc và nguồn lực kỹ thuật để đảm bảo sản xuất và duy trì hoạt động ổn định.

Dựa trên nguồn lực và kinh nghiệm đã tích lũy của Khối Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ, cùng với xu hướng dịch chuyển đầu tư chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh hội nhập, THACO đã tái cấu trúc và thành lập Tổng công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ - THACO Industries gồm tổ hợp 19 nhà máy sản xuất cơ khí và linh kiện phụ tùng, Trung tâm R&D và Trung tâm Thử nghiệm tại Chu Lai cung cấp các sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu riêng biệt của khách hàng trong và ngoài nước.

Thời gian qua, THACO INDUSTRIES không ngừng nâng cao năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm với chất lượng cao, phục vụ yêu cầu riêng biệt của khách hàng trong và ngoài nước. Tập đoàn đầu tư và nâng cấp nhiều dây chuyền, máy móc như: Dây chuyền ép phun nhựa với hệ thống 19 máy ép từ 110 tấn đến 3.200 tấn nhập khẩu từ Áo và Hàn Quốc; dây chuyền sơn linh kiện nhựa bằng robot và hệ thống cấp sơn tự động, đáp ứng yêu cầu màu sơn cao cấp của nhiều hãng xe lớn; các dây chuyền đùn, thổi nhựa với công suất lên đến 14.000 tấn nhựa/năm.

Sở hữu ‘kho báu’ quý hiếm, PC1 nhắm tới ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Việt Nam chỉ còn 18 tháng để gia nhập chuỗi bán dẫn toàn cầu

Nhân lực là 'lõi' để xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/ti-le-noi-dia-hoa-cua-nganh-cong-nghiep-o-to-ngay-cang-cao-102230628152722079.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tỉ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp ô tô ngày càng cao
POWERED BY ONECMS & INTECH