Trong tuần giao dịch từ 4 - 8/7/2022, dòng tiền nội đồng loạt phát các động thái tích cực trong bối cảnh khối ngoại rời đi.
Kết tuần giao dịch từ 4 - 8/7, VN-Index đứng ở mức 1.171,31 điểm - giảm 27,59 điểm (-2,3%) so với tuần trước; HNX-Index giảm 1,08 điểm (-0,39%) xuống 277,8 điểm; UPCoM-Index giảm 1,22 điểm (-1,38%) xuống 86,96 điểm.
Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 12.974 tỷ đồng/phiên - giảm 10,9% trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HOSE giảm 9,5% và đạt 11.504 tỷ đồng/phiên.
Điểm tích cực của thị trường trong tuần giao dịch từ 4 - 8/7 là việc khối tự doanh chứng khoán tiếp tục mua ròng tuần thứ 3 liên tiếp với giá trị hơn 506 tỷ đồng. Lực mua lớn tiếp tục tập trung trên HOSE.
Chứng chỉ quỹ ETF FUEVFVND được mua ròng mạnh nhất với 225 tỷ đồng; EIB, TCB và STB cũng được mua ròng lần lượt 169 tỷ đồng, 88 tỷ đồng và 44 tỷ đồng. Ngược lại, chứng chỉ quỹ FUESSVFL bị bán ròng mạnh nhất với 70 tỷ đồng; GAS và VHM bị bán ròng lần lượt 60 tỷ và 39 tỷ đồng.
Đồng pha, nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng 484 tỷ đồng trên sàn HOSE trong đó mua mạnh nhất mã VHM với 211 tỷ đồng; GAS và EIB được mua ròng lần lượt 179 tỷ đồng và 162 tỷ đồng. Ngược lại, VNM bị bán ròng mạnh nhất với 311 tỷ đồng; STB và TCB bị bán lần lượt 219 tỷ đồng và 121 tỷ đồng.
Tương tự, tổ chức trong nước giao dịch tích cực trở lại khi mua ròng 437 tỷ đồng với tâm điểm tại FUEVFVND (225 tỷ đồng); TCB và FPT đều được mua ròng 121 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, SHB bị bán ròng mạnh nhất với 162 tỷ đồng; EIB và VSC đều bị bán ròng trên 100 tỷ đồng.
Khối ngoại chấm dứt chuỗi 5 tuần mua ròng liên tiếp khi bán ròng ở mức 36,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 1.229 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng mạnh nhất chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị 170 tỷ đồng; VHM và DXG đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 164 tỷ đồng và 137 tỷ đồng. Trong khi đó, VNM đứng đầu danh sách mua ròng với 237 tỷ đồng; STB cũng được mua 109 tỷ đồng.
Tổng thể, thanh khoản chung toàn thị trường thời gian này đang sụt giảm nghiêm trong trong đó phiên 7/7/2022, thanh khoản trên HOSE chỉ chưa đến 9.100 tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2020.
Theo nhận định của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đang lấy ý kiến về dự thảo rút ngắn chu kỳ thanh toán giao dịch chứng khoán (từ T+2 thay vì đợi đến T+3 như hiện nay) cho thấy nỗ lực cải thiện thanh khoản của các cơ quan điều hành. Tuy nhiên, VDSC cho rằng, trong ngắn hạn khó có thể đánh giá được hiệu quả của dự thảo này, đặc biệt trong bối cảnh thị trường vừa trải qua đợt điều chỉnh mạnh và tâm lý nhà đầu tư cá nhân còn nhiều e ngại.
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm
Kéo trụ ngân hàng, VN-Index bật tăng 12 điểm trong phiên đáo hạn phái sinh