Doanh thu năm 2022 của Tiki giảm 7%, chi phí tăng nhẹ 4% góp phần tăng khoản lỗ vận hành lên 39%, theo Tech In Asia.
CEO, nhà sáng lập Tiki Trần Ngọc Thái Sơn. |
Tờ DealstreetAsia dẫn nguồn tin cho biết, ông Trần Ngọc Thái Sơn, nhà sáng lập và CEO của nền tảng thương mại điện tử Tiki, được cho là đã gửi đơn từ chức lên hội đồng quản trị công ty.
Ông Sơn thành lập Tiki từ năm 2010, với xuất phát điểm là một nền tảng bán sách trực tuyến.
Đối thủ của Shopee và Lazada
Sau đó, Tiki đã vươn ra ngoài phạm vi là một nền tảng bán sách trực tuyến. Tính đến năm 2018, Tiki có 5 triệu người dùng, 350.000 sản phẩm thuộc 20 ngành hàng như sách, điện tử, đồ gia dụng, làm đẹp, mẹ và bé.
Dưới sự dẫn dắt của ông Sơn, nền tảng này có lúc còn trở thành đối thủ lớn nhất của hai gã khổng lồ thương mại điện tử trong khu vực là Shopee và Lazada.
Thậm chí có thời điểm được định giá ở mức 832 triệu USD vào năm 2021, tiệm cận trạng thái "kỳ lân" (các startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên).
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, công ty này đang gặp nhiều khó khăn. Tiki đang tụt lại phía sau so với các sàn thương mại điện tử ngoại là Shopee và Lazada dựa trên tiêu chí lưu lượng truy cập cả trên web và thông qua ứng dụng, theo dữ liệu của iPrice Group.
Bên cạnh đó, TikTok Shop - tính năng mua sắm thương mại điện tử trong ứng dụng xem video ngắn TikTok, cũng đang đe dọa tới vị thế của Tiki.
Tiki hụt hơi
Trong năm tài chính gần nhất (kết thúc vào tháng 3/2022), Tiki ghi nhận doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng số liệu năm tài chính 2022 của Tiki được kiểm toán còn số liệu của năm tài chính 2021 thì không.
Thông tin chỉ dựa trên hồ sơ pháp lý của Tiki Global Pte. Ltd. trụ sở Singapore, đơn vị thành lập vào tháng 5/2021 và sở hữu hơn 90% cổ phần của công ty tại Việt Nam.
Theo đó, Tiki ghi nhận tổng doanh thu năm 2022 giảm 7% so với năm 2021. Trong khi đó, tổng chi phí tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, khoản lỗ hoạt động của công ty đã tăng thêm 39% trong năm tài chính 2022, theo Tech In Asia.
Tiki, hiện theo đuổi cả mô hình B2B và B2C, chia tổng doanh thu của mình thành 2 phần: doanh số bán hàng và doanh số dịch vụ. Trong đó, doanh số bán hàng chiếm tới 88% tổng doanh thu trong năm tài chính 2022.
Điều đáng chú ý là trong mảng dịch vụ, lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất là quảng cáo, tăng 131% so với năm tài chính 2021. Tuy nhiên, mảng này chỉ chiếm 2% tổng doanh thu của công ty.
Tiki cũng đuối sức trong cuộc đua GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hóa). Nếu như Shopee và Lazada lần lượt chiếm 63% (đạt khoảng 5,67 tỷ USD) và 23% (đạt khoảng 2,7 tỷ USD) GMV, thì Tiki chỉ đóng góp 6% vào tổng GMV của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, tương ứng 540 triệu USD.
Ngay cả nền tảng TikTok Shop dù mới ra mắt hơn 1 năm qua nhưng cũng đã tiến sát tới thành tích của Tiki, với tổng GMV đạt khoảng 360 triệu USD.