TikTok Shop tràn ngập hàng giả, mua được hàng giá rẻ dễ hơn trúng số

02-05-2023 09:17|Phương Anh

Chỉ cần có mức giá rẻ, được áp dụng khuyến mãi lớn, những sản phẩm dù không rõ nguồn gốc hay hàng giả, nhái đều có thể lên nhóm thịnh hành.

"TikTok Shop đang trở thành thiên đường của hàng giả, hàng nhái"

Theo Financial Times, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vốn đã không còn xa lạ với những người dùng TikTok.

Kể về câu chuyện của mình, anh Mo Huabin (Thâm Quyến, Trung Quốc) cho biết mình dường như trúng số độc đắc khi các video quảng cáo "cà phê giảm cân" được lan truyền mạnh mẽ trên TikTok.

Đăng tải từ đầu năm 2022, với hình ảnh tách cà phê lắc lư, cái gật đầu của bác sĩ cùng cảnh quay trước và sau giảm cân, video quảng cáo này đã thu hút hàng triệu người xem. Nhờ đó, số lượt mua mặt hàng "cà phê giảm cân" luôn tăng cao dù giá không hề rẻ 124 USD (tương đương gần 3 triệu đồng) cho "combo giảm 15-25 kg".

"Thực ra đây vẫn chỉ là loại cà phê thông thường và không có gì đặc biệt", anh Huabin cho biết. "Khi đó tôi cũng không hiểu tại sao nó lại trở nên nổi tiếng"

Vào năm 2012, một chiếc túi nắp gập cổ điển của Chanel có giá 4.400 USD. Bây giờ, giá đã tăng lên 10.200 USD. Trong một video trên TikTok, tài khoản Amanda Rennick giới một bản sao hay "dupe" của chiếc túi với giá 55 USD. Sản phẩm được mua qua một trang web thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc, có cả biên lai và một chiếc túi đựng như hàng thật.

Trong số hơn 22.000 người từ 15-24 tuổi mà Văn phòng Sở hữu trí tuệ EU khảo sát vào năm 2022, 37% cho biết họ đã mua ít nhất một sản phẩm giả trong vòng 12 tháng. Tỷ lệ này chỉ là 14% vào năm 2019.

Quần áo, phụ kiện và giày dép giả là các mặt hàng phổ biến nhất. Động cơ chính đằng sau những giao dịch mua này là “đơn giản là không quan tâm liệu sản phẩm có phải là hàng giả hay không”.

Nhiều khách hàng đã bị thu hút bởi một tuýp kem chống nắng Martiderm với giá chỉ 200.000 đồng, bằng 20% giá của sản phẩm này tại các cửa hàng chính hãng. Người mua nhanh chóng chốt đơn vì nghĩ đây là một món hời.

"Trên livestream họ nói đây là hàng xách tay nên rẻ. Người bán cũng cho biết tuýp kem chống nắng này đã sập giá nhiều so với trước nên khách hàng có thể hưởng lợi nếu mua vào thời điểm này", một khách mua hàng cho biết.

Tuy nhiên, ngay khi cầm sản phẩm trên tay, người mua nhanh chóng phát hiện đây là sản phẩm giả bởi sự khác biệt rõ rệt từ bao bì, thiết kế và chất lượng kem.

Bougieonabudget tiếp tay cho hàng giả

Khi gõ tên các thương hiệu nổi tiếng như Hermès, Louis Vuitton, Gucci, Dior... vào ô tìm kiếm, TikTok Shop lập tức thông báo: "Không tìm thấy kết quả".

Thế nhưng, chỉ cần gõ lái tên của các thương hiệu này, hoặc viết tắt, "cố tình" viết sai chính tả, dùng biểu tượng… hàng nghìn kết quả sẽ được hiện ra. Các chủ shop thay tên các thương hiệu nổi tiếng thành HM, Hơ mẹt, Luôn Vui Tươi, Louis Vuituoi.

Các sản phẩm từ quần áo, giày dép mang logo của những hãng thời trang nổi tiếng nhưng lại được bán với giá chỉ vài trăm nghìn đồng, thậm chí vài chục nghìn đồng.

Cụ thể, những chiếc áo phông nhái thương hiệu Louis Vuitton được bán với giá từ 79.000 đồng đến 250.000 đồng. Những đôi dép đựng trong hộp có logo Hermès nhưng được bán với giá 189.000 đồng. Hay chiếc đồng hồ được quảng cáo là của hãng Rolex (người bán hàng viết lái thành Rolexx) được bán với giá 217.000 đồng.

Trong phần bình luận của những sản phẩm này, nhiều khách hàng "kêu trời" vì không nghĩ chất lượng sản phẩm tồi tệ đến vậy.

Lo ngại về chi phí sinh hoạt và lạm phát cao hơn là 2 động lực chính đằng sau xu hướng hàng giả, theo Chris Beer, nhà phân tích công ty nghiên cứu người tiêu dùng GWI.

"Mọi người đang chuyển sang các lựa chọn thay thế rẻ hơn. Người tiêu dùng, đặc biệt là những người trẻ tuổi, vẫn quan tâm đến việc đạt được địa vị qua các vật phẩm, nhưng tìm cách đạt được một cách tiết kiệm hơn”, Beer nói.

Trong một cuộc khảo sát năm 2023 của GWI, với hơn 2.000 người trả lời thuộc thế hệ Z ở 12 quốc gia, 20% cho biết lạm phát đã có tác động đáng kể đến tài chính của họ.

Beer mô tả việc mua hàng giả qua TikTok là một cách “flexing tiết kiệm”, phô trương các sản phẩm hoặc phong cách sống trông đắt tiền hơn so với giá thực.

Hashtag #bougieonabudget, bao gồm các video đưa ra lời khuyên về cách tiêu dùng tiết kiệm trong ngành hàng thời trang, làm đẹp và ẩm thực, có 554 triệu lượt xem. Đối với nhiều người tiêu dùng trẻ tuổi, mua hàng giả không phải điều cấm kỵ, mà là một thành tích trên mạng xã hội.

“Tìm được món hời được coi là một chiến thắng và là điều đáng để cảm thấy tự hào và chia sẻ trên mạng xã hội", Hales nói.

Dễ dàng lách luật

Trên thực tế, ở nền tảng TikTok Shop Việt Nam, người bán chỉ cần cài đặt giảm giá sâu (flash sale) cho những mặt hàng của mình là thuật toán sẽ nhanh chóng đẩy sản phẩm lên nhóm thịnh hành mà không cần giấy tờ kiểm duyệt nguồn gốc.

Do đó, dù có những chính sách quản lý nghiêm ngặt, các sản phẩm giả, nhái, kém chất lượng vẫn có “đất sống” tại đây.

Khác với Douyin được kiểm soát chặt chẽ tại Trung Quốc, TikTok được thả nổi với thuật toán cho phép bất kỳ nội dung nào cũng có thể thành "hot trend" thu hút sự chú ý. Nhờ đó, nền tảng này ngày càng nổi tiếng và đã mang lại doanh thu 15 tỷ USD cho ByteDance trong năm 2022.

CEO của một công ty thương mại điện tử ở London cho biết: "TikTok luôn coi trọng lợi nhuận hơn bất kỳ quy định nào trên nền tảng của mình". Bằng chứng là vô vàn tài khoản bán sản phẩm vi phạm quy tắc như trà và cà phê giảm cân, thuốc theo toa, thuốc làm trắng da... vẫn luôn tồn tại trên TikTok Shop.

Trong khi đó, TikTok lại khẳng định "có chính sách nghiêm ngặt để bảo vệ người dùng khỏi nội dung giả mạo, lừa đảo hoặc gây hiểu lầm, bao gồm cả quảng cáo và sẽ xóa nội dung vi phạm nguyên tắc".

Dù vậy, những nội dung xấu thực tế vẫn tràn lan. Việc kiểm duyệt trên TikTok được đánh giá khác hẳn với Douyin - nơi bị siết chặt những nội dung độc hại hoặc lừa đảo.

Thuật toán TikTok thậm chí đề xuất cả video từ người lạ nên những tài khoản mới lập cũng có thể tiếp cận, mang đến cho những nhóm làm nội dung một lượng theo dõi nhanh hơn hẳn Instagram và YouTube. "Kể cả khi tài khoản bị đóng, chúng tôi cũng có thể kích hoạt lại hoặc là lập hẳn tài khoản mới", Huabin cho biết.

Và dù các chủ tài khoản sử dụng video của người khác trái phép, cách giải quyết duy nhất là báo cáo với TikTok nhưng hệ thống cũng chỉ thông báo rằng "không vi phạm".

Theo một chia sẻ thực tế từ chị Hương (27 tuổi), đã nhiều lần xem được video quảng cáo mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trên top thịnh hành. Nữ sinh viên cho biết những lần phát sóng trực tiếp này thường được quảng cáo là hàng xả kho giá rẻ, vì vậy có rất nhiều người mua.

Hút hàng triệu lượt mua mỗi ngày, TikTok liệu có khiến mô hình kinh doanh truyền thống sụp đổ?

Bán hàng trên TikTok không đóng thuế có thể bị phạt 25 triệu đồng

Thêm quốc gia cấm ứng dụng Tiktok

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tiktok-shop-tran-ngap-hang-gia-mua-duoc-hang-gia-re-de-hon-trung-so-181198.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
TikTok Shop tràn ngập hàng giả, mua được hàng giá rẻ dễ hơn trúng số
POWERED BY ONECMS & INTECH