Tín dụng đen vẫn lan tràn nhanh: Những cạm bẫy khó lường và hệ lụy xã hội
Hoạt động tín dụng đen ngày càng tinh vi, lan rộng từ thành thị đến nông thôn, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng và đe dọa cuộc sống của người dân.
Hoạt động tín dụng đen đang ngày càng trở thành một vấn đề nghiêm trọng và khó kiểm soát, đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ. Các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook đang trở thành "sân chơi" cho các đối tượng tín dụng đen tìm kiếm con mồi.
Dưới nhiều hình thức khác nhau, tín dụng đen không chỉ tồn tại mà còn lan rộng khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, gây ra nhiều hệ lụy xã hội khó lường.
Tín dụng đen lan rộng khắp nơi
Cuối tháng 8/2024, TAND Hà Nội xét xử 135 bị cáo liên quan đến vụ án "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, Cưỡng đoạt tài sản và Trốn thuế". Vụ án này do Li Zhao Qiang, quốc tịch Trung Quốc, cầm đầu với mức lãi suất lên tới 1.570-2.190%/năm, vượt xa mức quy định của pháp luật Việt Nam. Các đối tượng này đã cho vay lãi nặng với hơn 120.780 người, thu lợi bất chính hơn 730 tỷ đồng.
Đường dây tín dụng đen, cho vay với lãi suất “cắt cổ” 1.570 – 2.190%/năm bị triệt phá, nguồn: Internet |
Tại TP.HCM, công an quận Bình Thạnh cũng bắt giữ hai đối tượng Hoàng Mạnh Cường và Dương Văn Nam về hành vi cho vay lãi nặng. Thông qua Facebook "Tài chính 247", Cường đã quảng cáo các gói vay với mức lãi suất cực cao, lên đến 445,71%/năm.
Còn tại Đồng Nai, trong sáu tháng cao điểm trấn áp tội phạm, công an tỉnh đã phát hiện và xử lý nhiều vụ cho vay nặng lãi, trong đó khởi tố 13 vụ với 23 bị can.
Gần nhất, ngày 30/8, cơ quan chức năng bắt giữ Nguyễn Văn Dưỡng, chủ cơ sở cầm đồ 9999 Dương Phát, cho vay với lãi suất từ 9-30%/tháng. Những cơ sở này núp bóng dịch vụ cầm đồ, lợi dụng nhu cầu vay vốn của người dân để thu lãi cao, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội.
Các thủ đoạn tinh vi của tín dụng đen
Các tổ chức tín dụng đen ngày càng tinh vi hơn trong hoạt động của mình. Một trong những phương thức phổ biến là cho vay trực tiếp thông qua liên kết với các đối tượng địa phương, lãi suất từ 180-360%/năm, gấp nhiều lần so với quy định của pháp luật. Những kẻ này thường quảng cáo qua tờ rơi, tờ dán ở các khu vực đông người lao động, thu hút người dân vay vốn.
Ngoài ra, thông qua các ứng dụng di động và website cho vay online cũng là một hình thức phổ biến. Người vay thường bị yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và danh bạ điện thoại, sau đó chỉ nhận được khoảng 2/3 số tiền vay, phần còn lại bị khấu trừ dưới danh nghĩa phí và lãi suất. Khi người vay không trả được nợ, họ phải đối mặt với các hành vi khủng bố, đe dọa và bôi nhọ trên mạng xã hội.
Ảnh minh họa, nguồn: Internet |
Vì sao tín dụng đen vẫn 'sống khỏe'?
Tín dụng đen vẫn tồn tại mạnh mẽ vì đáp ứng được nhu cầu vay tiền nhanh của người dân. Trong khi các ngân hàng và công ty tài chính yêu cầu nhiều thủ tục phức tạp, tín dụng đen lại cho vay với quy trình nhanh gọn và không yêu cầu tài sản thế chấp hay giấy tờ pháp lý.
“Điều này dễ khiến nhiều người rơi vào bẫy của tín dụng đen, vay 1 trả 10, lãi mẹ đẻ lãi con”, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu từng nói.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà cũng chỉ ra rằng tín dụng đen vẫn "sống khỏe" vì nhiều người dân thiếu kiến thức về tài chính, không hiểu rõ về các rủi ro khi vay vốn từ các đối tượng này. Họ dễ bị lôi kéo bởi những lời quảng cáo hấp dẫn mà không biết rằng mình đang rơi vào bẫy nợ nặng lãi.
Bên cạnh đó, sự phức tạp trong việc quản lý và kiểm soát cũng khiến tín dụng đen chưa bị “nhổ cỏ tận gốc”. Luật sư cũng cho rằng chúng ta vẫn chưa có giải pháp tài chính thay thế hiệu quả.
“Các giải pháp tài chính hợp pháp hiện có đôi khi không đáp ứng được nhu cầu của người dân về tính linh hoạt, nhanh chóng và dễ dàng trong quy trình vay vốn. Vì vậy, thị trường tài chính tiêu dùng cần được phát triển đồng bộ, tăng tính liên kết và giảm tình trạng phân khúc, thiếu tính liên thông giữa các thị trường bộ phận”, ông nhấn mạnh.
Trước tình hình này, nhiều tỉnh thành đã thực hiện các biện pháp ngăn chặn tín dụng đen. Cơ quan chức năng cũng đưa ra các khuyến cáo cho người dân, như chỉ nên vay vốn tại các ngân hàng uy tín, cảnh giác trước những lời mời chào vay tiền nhanh, lãi suất thấp.
Để đẩy lùi tín dụng đen, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng và cả cộng đồng. Việc nâng cao kiến thức tài chính cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, sẽ là chìa khóa quan trọng để ngăn chặn sự phát triển của loại hình tội phạm này.