Kết cuối quý 3/2022, lỗ lũy kế của HAGL giảm về còn 3.578 tỷ song nợ phải trả lại tăng so với đầu năm lên mức 14.400 đồng (bao gồm 8.620 tỷ vay nợ tài chính).
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã HAG - HOSE) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2022 với ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.441 tỷ đồng - tăng 160% so với cùng kỳ năm 2021.
Đóng góp chính vào cơ cấu doanh thu của Tập đoàn đến từ mảng trái cây với tỷ trọng lớn nhất khi mang về 577 tỷ đồng - tăng 162% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu bán heo tăng gần 200% YoY lên mức 540 tỷ đồng và doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa cũng đem lại 241 tỷ đồng - tăng 184% so với quý 3/2021.
Ở chiều ngược lại, giá vốn bán hàng của HAGL quý này tăng lên mức 783 tỷ đồng (chủ yếu là do giá vốn trái cây tăng 358 tỷ YoY); giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng lên 206 tỷ và giá vốn bán heo tăng lên 239 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính quý 3 của HAG giảm 11% còn 118 tỷ đồng, chi phí tài chính giảm 76% do Tập đoàn đã hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư vào nhóm CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (Mã HNG - HOSE) trong quý
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng trong kỳ cũng tăng 20 tỷ lên gần 59 tỷ đồng (sản lượng bán trái cây và hàng hóa tăng nên chi phí vận chuyển và dịch vụ mua ngoài cũng tăng tương ứng).
Trái lại, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 276 tỷ đồng so với cùng kỳ do Tập đoàn đã giảm hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu.
Kết quả, HAGL báo lãi sau thuế quý 3/2022 gần 370 tỷ đồng - gấp 17 lần so với mức 22 tỷ trong cùng kỳ năm 2021.
Luỹ kế 9 tháng năm 2022, HAG đạt doanh thu 3.471 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 1.364 tỷ đồng) qua đó hoàn thành 72% kế hoạch doanh thu cả năm; lợi nhuận sau thuế đạt 892 tỷ đồng - gấp 30 lần YoY (trong đó lãi ròng công ty mẹ đạt 890 tỷ đồng) tương ứng thực hiện gần 80% chỉ tiêu lợi nhuận được giao.
Tính đến cuối quý 3, HAGL đang có tổng tài sản hơn 19.300 tỷ đồng - tăng 900 tỷ so với thời điểm đầu năm. Trong số này có 131 tỷ đồng tiền mặt; giá trị hàng tồn kho tăng gấp 2,5 lần đầu năm đạt 1.033 tỷ đồng.
Vốn chủ của công ty ghi nhận mức 4.934 tỷ đồng trong đó lỗ lũy kế giảm về còn 3.578 tỷ song nợ phải trả lại tăng so với đầu năm lên mức 14.400 đồng (bao gồm 8.620 tỷ vay nợ tài chính).
Trong cơ cấu nợ vay tài chính, số vay nợ thông qua kênh trái phiếu của HAG ghi nhận ở mức 5.840 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 68%). Đáng nói trong số này có 5.271 tỷ đồng trái phiếu được phát hành cho BIDV và Công ty Chứng khoán BIDV (đáo hạn năm 2026).
Trong cơ cấu nợ vay của HAGL, doanh nghiệp này cũng ghi nhận khoản vay cá nhân 310 tỷ đồng - tăng 126% so với đầu năm.
Ghi nhận đến cuối tháng 9/2022, chi phí lãi vay của công ty tăng lên mức 4.165 tỷ đồng trong đó có 3.744 tỷ đồng chi phí lãi vay ngắn hạn.
Ở một diễn biến liên quan, HĐQT HAGL vừa thông qua Nghị quyết thông qua việc sử dụng 25,05 triệu cổ phần của CTCP Gia súc Lơ Pang thuộc sở hữu của HAGL để cam kết bảo lãnh cho toàn bộ nghĩa vụ tín dụng của Gia súc Lơ Pang phát sinh từ khoản vay tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).
Mới đây, HAG cũng đã thực hiện trả một phần nợ gốc trái phiếu phát hành ngày 30/12/2016 (HAGLBOND16/26). Giá trị trả nợ 605 tỷ đồng, nguồn trả nợ từ số tiền thu nợ của HAGL Agrico và từ hoạt động kinh doanh
Trên thị trường, sau pha bứt tốc gấp đôi thị giá tính đến phiên 22/9, cổ phiếu HAG bắt đầu lao dốc mạnh trở lại và kết phiên 26/10 chỉ còn 8.700 đồng - giảm 37% sau 1 tháng.
Trong khi đó, bà Đoàn Hoàng Anh - con gái Chủ tịch HĐQT HAGL Đoàn Nguyên Đức vừa mua thành công 1 triệu cổ phiếu HAG theo phương thức khớp lệnh trên sàn vào ngày 24/10 qua đó nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ lên 10 triệu cổ phiếu - chiếm 1,08% vốn tại HAG.
HAGL bác bỏ tin đồn tiêu cực, con gái bầu Đức muốn mua 1 triệu cổ phiếu HAG
Novaland (NVL) chấm dứt hợp đồng kiểm toán với đơn vị thuộc Big4 sau gần một thập kỷ hợp tác
Đình chỉ kiểm toán viên liên quan báo cáo tài chính năm 2023, Quốc Cường Gia Lai (QCG) nói gì?