Tin tích cực dồn dập, kỳ vọng lớn cho sàn 270 tỷ USD
Thị trường chứng khoán là nơi đón dòng tiền lớn chảy vào trong bối cảnh lãi suất huy động ở mức thấp, kỳ vọng lớn về nâng hạng và chuyển đổi hệ thống giao dịch...
Nhiều tín hiệu tích cực
Thị trường chứng khoán Việt Nam phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024. Dòng tiền đang tìm đến kênh đầu tư hiệu quả cao và thị trường chứng khoán (TTCK) là điểm đến cho dòng tiền khi lãi suất huy động ở mức thấp.
Đây là nhận định của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBankS tại toạ đàm “Thị trường chứng khoán: Xây nền - Tích luỹ - Bứt tốc” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 5/3.
Theo ông Sơn, mặt bằng lãi suất thời gian qua là yếu tố tác động tích cực lên thị trường. Quyết tâm nâng hạng TTCK từ cận biên lên mới nổi của Chính phủ đã tạo niềm tin cho giới đầu tư. Hạ tầng giao dịch cũng được cải thiện. Hệ thống giao dịch KRX sắp đi vào hoạt động.
Trên thế giới, rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu giảm bớt. Sau giai đoạn thắt chặt, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã dừng tăng lãi suất và có thể sẽ hạ lãi suất ngay trong năm 2024. Bên cạnh đó, chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhờ làn sóng tăng trưởng mạnh của nhóm cổ phiếu công nghệ, khi xuất hiện xu hướng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI).
Thống kê cho thấy, TTCK Việt Nam có vốn hóa vào cuối cuối năm 2023 đạt hơn 240 tỷ USD, tương đương hơn 56% GDP. Riêng sàn HOSE đạt 186 tỷ USD. Với đà tăng từ đầu năm tới nay, quy mô thị trường cổ phiếu Việt Nam đạt khoảng 270 tỷ USD.
Liên tục những phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán, TTCK đã có những phiên tăng điểm. Trong phiên 5/3, chỉ số VN-Index tăng thêm gần 8,6 điểm lên sát ngưỡng 1.270 điểm. Kỳ vọng bứt tốc được ghi nhận khá lớn.
Bà Phạm Huyền Trang - Giám đốc Phân tích cổ phiếu thuộc CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, TTCK từ đầu năm đã tăng 12%, một mức tăng trưởng khá khả quan đến từ việc niềm tin nhà đầu tư được củng cố.
Theo bà Trang, có nhiều động lực giúp TTCK tăng điểm. Đó là những chính sách kịp thời của Chính phủ như: hỗ trợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản… NHNN liên tiếp hạ lãi suất điều hành và dòng tiền chảy vào chứng khoán tích cực hơn từ quý III/2023. Sau đó, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết cũng phục hồi.
Cũng theo chuyên gia SSI, tính đến quý III/2023, hầu hết lợi nhuận các ngành, các doanh nghiệp niêm yết đã tạo đáy và trên đà phục hồi. Điều này đã củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư.
Về tổng thể, triển vọng của các ngành cũng như các doanh nghiệp trên TTCK là những gam màu tươi sáng hơn. Và đó chính là những động lực giúp TTCK khởi sắc trong 2 tháng đầu năm nay.
VN-Index được dự báo thị trường vượt 1.300 điểm
Về phía cơ quan quản lý, bà Phạm Thị Thùy Linh, Phó Vụ trưởng, Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, theo chiến lược Chính phủ đưa ra, chiến lược phát triển TTCK đến 2030, nâng hạng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Do vậy, mục tiêu của UBCK là nâng hạng TTCK lên thị trường mới nổi (EM) đến 2025.
Cũng theo bà Linh, UBCK đã trình Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung một số văn bản của bộ, trước tiên là không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền (pre-funding). Vấn đề thứ hai tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó là yếu tố công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Để hỗ trợ hoạt động huy động vốn, UBCK đang ra soát Nghị định 155 theo hướng rút ngắn thời gian chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đến niêm yết/đăng ký giao dịch.
Trước những diễn biến tích cực gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng, cơ hội tăng trưởng của TTCK còn khá lớn.
Ông Hồ Sỹ Hòa - Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán DNSE, dự báo, với kịch bản cơ sở, VN-Index có thể tăng trưởng trong khoảng 1.200 - 1.300 điểm. Trong điều kiện thị trường phù hợp, được nâng hạng vào tháng 9 thì kỳ vọng VN-Index sẽ vượt mốc 1.300 điểm trong năm 2024.
Ông Trần Hoàng Sơn dự báo chỉ số VN Index có thể đạt được từ 1.326-1.350 điểm trong năm nay.
Theo ông Sơn, với mức gần 1.300 như hiện tại rất đáng chú ý. Đối với ngắn hạn đã đến vùng kháng cự mạnh, chứng khoán, ngân hàng, thép không còn quá rẻ, sẽ có điều chỉnh lại định giá khi có kết quả kinh doanh tích cực hơn. Năm nay có thể có hai đợt điều chỉnh mạnh sau đó thị trường tiếp tục đi lên.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng, thời điểm hiện tại vẫn chưa phải là giai đoạn tiền rẻ, kể cả khi mặt bằng lãi suất điều hành đang thấp hơn giai đoạn năm 2019. Lãi suất cho vay thực tế chưa giảm tương ứng so với mặt bằng lãi suất huy động.
Khối tự doanh công ty chứng khoán ngày 5/3: HPG và NVL tạo bất ngờ
Chỉ còn 2/9 tiêu chí cần hoàn thiện để nâng hạng thị trường chứng khoán