Tỉnh có diện tích 1,4 triệu ha, lớn thứ 3 cả nước sẽ trở thành khu vực trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt - Lào
Tỉnh miền Bắc này phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng.
Trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam - Lào và vùng trung du miền núi phía Bắc
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ lãnh thổ tỉnh Sơn La với 12 đơn vị hành chính cấp huyện: Thành phố Sơn La và 11 huyện (Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp, Phù Yên và Bắc Yên).
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Sơn La trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng; đưa tỉnh trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của vùng trung du và miền núi phía Bắc, là trung tâm của tiểu vùng Tây Bắc; trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam – Lào và vùng trung du miền núi phía Bắc; trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của vùng trung du miền núi phía Bắc.
Đồng thời, Sơn La sẽ kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế thuộc tiểu vùng Mê Công, các nước láng giềng và ASEAN. Công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại được tăng cường; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, góp phần phát triển vùng và đất nước.
Phát triển Sơn La tiếp tục trở thành tỉnh phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, bao gồm công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Trong đó, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; đô thị thông minh và nông thôn mới giàu bản sắc là trọng tâm; công nghiệp hướng xanh và hệ thống đô thị có quy mô lớn là mối quan tâm hàng đầu. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; có mối quan hệ liên kết phát triển mật thiết với các tỉnh lân cận trong vùng và cả nước; bền vững về môi trường sinh thái, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
Đến năm 2050, Sơn La là một cực phát triển quan trọng của vùng Tây Bắc; có hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; nền tảng kinh tế có đủ sức cạnh tranh với các tỉnh khác trong khu vực và cả nước. Hệ thống đô thị phát triển có trọng điểm với định hướng hình thành các đô thị lớn gắn với các đường vành đai xanh đô thị, làm đầu kéo cho phát triển kinh tế - xã hội, cân đối lãnh thổ trên cơ sở khai thác các lợi thế của các vùng núi cao, vùng lòng hồ sông Đà và cao nguyên Mộc Châu vào mục đích phát triển nông nghiệp và du lịch.
Nền kinh tế phát triển ổn định, bền vững và công bằng; tăng trưởng với nhịp độ tăng dần đều; đáp ứng các chỉ tiêu xã hội ngày càng tốt hơn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực tăng trưởng; có không gian sản xuất và sinh hoạt xã hội hướng xanh, thích nghi với biến đổi khí hậu; có môi trường đầu tư năng động; an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Hoàn chỉnh 5 loại sản phẩm du lịch
Tỉnh Sơn La ở trung tâm vùng Tây Bắc có diện tích tự nhiên là 1.410.983 ha gồm 12 đơn vị hành chính cấp huyện, là tỉnh có diện tích lớn thứ 3 của cả nước chiếm 39% diện tích vùng Tây Bắc và bằng 4,15% tổng diện tích tự nhiên toàn quốc.
Sơn La có nhiều di tích lịch sử, nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành du lịch. Trong Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, tỉnh phát triển du lịch theo hướng bền vững và đa dạng hóa sản phẩm, phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp 10 - 13% GRDP của tỉnh; đón khoảng 12.200 nghìn lượt khách (trong đó khoảng 365 nghìn lượt khách quốc tế và 11.835 nghìn lượt khách nội địa). Phấn đấu Sơn La trở thành điểm đến an toàn, hấp dẫn của vùng trung du và miền núi phía Bắc, cả nước và quốc tế.
Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh hoàn chỉnh 5 loại sản phẩm du lịch gồm du lịch sinh thái, nông nghiệp; du lịch văn hoá, lịch sử; du lịch cộng đồng; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí và sức khỏe; du lịch chuyên đề với hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Tiếp tục kế thừa phát triển 3 trọng điểm về du lịch: Thành phố Sơn La và phụ cận; Khu du lịch quốc gia Mộc Châu gắn với vùng du lịch Mộc Châu và phụ cận; Khu du lịch quốc gia lòng hồ sông Đà. Phát triển các tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh và quốc tế.
Theo số liệu từ Cổng thông tin điện tử tỉnh Sơn La, tổng lượng khách đến Sơn La trong tháng 11/2023 khoảng 280 nghìn lượt khách du lịch, doanh thu ước đạt trên 300 tỷ đồng. Ước tính, năm 2023, ngành du lịch Sơn La đã phục vụ khoảng 4,5 triệu lượt khách, tăng hơn 1,3 lần so với năm trước. Doanh thu từ hoạt động dịch vụ du lịch cũng tăng hơn 1,5 lần so với năm 2022, đạt khoảng 4.700 tỷ đồng.
Lợi thế sơn cước và nhiều tiềm năng du lịch
Sơn La nằm ở khu vực Tây Bắc nước ta, từ thủ đô Hà Nội đi khoảng 320km theo đường Quốc lộ 6. Phía bắc, giáp tỉnh Yên Bái và Lai Châu, Điện Biên; phía đông với Phú Thọ và Hòa Bình; phía nam giáp tỉnh Thanh Hoá và nước bạn Lào; Phía tây giáp tỉnh Điện Biên và 1 tỉnh của Lào.
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Sơn La đã có nhiều lần thay đổi tên gọi. Thời Hùng Vương, thuộc bộ Tân Hưng, thời Lý thuộc Châu Lâm Tây, thời Trần thuộc đạo Đà Giang… Đến năm 1904, đổi tên tỉnh thành tỉnh Sơn La như ngày nay, theo báo Sơn La.
Nơi đây có kiểu khí hậu đặc trưng của Việt Nam - Khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh khô, mùa hè nóng ẩm mưa nhiều, có tính chất lục địa, chịu ảnh hưởng của địa hình. Thời tiết nhìn chung rất mát mẻ, nhiệt độ trung bình năm khoảng 24 độ C, nhiệt độ cao nhất khoảng 28 độ C.
Với diện tích 14.055km2, Sơn La nơi cư trú của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh, có ít nhất 12 dân tộc đang cùng chung sống, đông nhất là người Thái (chiếm 54.7% dân số), sau đó là người Kinh, người Mông, người Mường,… Những nét độc đáo về văn hóa, phong tục tập quán của mỗi dân tộc đã tạo ra sự đa dạng cho văn hóa tỉnh Sơn La.
Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, hệ sinh thái phong phú, đa dạng; có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, đó chính là những tiền đề quan trọng để phát triển du lịch.
Dưới đây là top 5 điểm du lịch nổi tiếng ở Sơn La:
Top 1. Cao nguyên Mộc Châu
Mộc Châu là mảnh đất lành, mang một vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, đậm nét đặc trưng của vùng núi phía Tây Bắc. Được xem là điểm đến thu hút nhất tỉnh bởi vẻ đẹp đáo, điểm chụp ảnh đẹp tại Sơn La. Đây là vùng đất bạn có thể đến bất kỳ mùa nào trong năm đều được, vì mỗi mùa ở Mộc Châu lại có một sức hấp dẫn riêng. Tuy nhiên, mùa Mộc châu đón nhiều khách du lịch nhất là vào khoảng những tháng cuối đông đến đầu xuân.
Cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 hàng năm là mùa hoa cải trắng. Đến cuối tháng 12 sang tháng 1 năm sau là mùa của những bông hoa mận, hoa mơ trắng tính, phủ kín những triền đồi, sườn núi. Từ tháng 1 đến tháng 3, bạn có thể xách dỏ đến các vườn dâu tây để thăm và thu hoạch dâu tây tại vườn cùng bà con Mộc Châu.
Sang tháng 3 - tháng 4, hòa cùng với không khí ngập tràn khắp vùng Tây Bắc, những sắc hoa ban Mộc Châu nở trắng khắp các cánh rừng. Vẻ đẹp ấy được ví như sự tinh tế, dịu dàng, e ấp của những cô gái vùng Tây Bắc, đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa của nhiều nghệ sĩ.
Tháng năm đến Mộc Châu là mùa mận chín, những trái Mận Hậu căng mọng, to tròn, sai trĩu. Một trải nghiệm thu hoạch Mận Hậu tại Mộc Châu sẽ kiến bạn nhớ mãi không quên. Hiện nay, có 3 khu trồng mận lớn tại Mộc Châu mà bạn có thể mua vé vào thăm quan thưởng thức là thung lũng mận Nà Ka, rừng mận Mu Náu và Phiêng Khoang.
Tháng 6 và tháng 7 là lúc người dân Mộc Châu thu hoạch Đào Mèo. Tháng 8, tuy là không hoa, nhưng Mộc Châu vẫn đẹp bởi sự bình yên, những đồi chè xanh mướt chìm trong màn sương mờ ảo, lúc này Mộc Châu như nàng công chúa đang say giấc. Chờ đến tháng 8, đến Mộc Châu bạn có thể được tận tay hái những trái bơ, trái hồng.
Ngoài những điểm du lịch theo mùa, Mộc Châu cũng có những điểm du lịch mà bạn có thể đến bất cứ lúc nào như: Những đồi chè Mộc Châu xanh mướt, Khu di tích Hang Dơi, Khu di tích đoàn binh Tây Tiến, đỉnh Pha Luông, Ngũ động Bản Ôn, rừng thông Bản Áng, Thác Dải Yếm, Thác Chiềng Khoa, trang trại bò Mộc Châu…
Top 2. Khu di tích quốc gia đặc biệt Nhà Tù Sơn La
Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La còn có tên gọi khác là “địa ngục trần gian” của vùng Tây Bắc này. Nằm ở giữa lòng thành phố Sơn La có một quả đồi gọi là Khau Cả, năm 1908 thực dân Pháp đã xây dựng lên nhà tù Sơn La nhằm giam cầm những người hoạt động cách mạng ở Việt Nam.
Khác với những nhà từ khác, thực dân Pháp không phải dùng nhiều vũ lực mà lợi dụng chốn “Rừng thiêng nước độc”, cái thời tiết hết sức khắc nghiệt và môi trường sống hết sức chật hẹp và bẩn thỉu nhằm giam cầm, dày ải, thủ tiêu ý chí đấu tranh của người làm cách mạng. Cái thời tiết khắc nghiệt, mùa đông phòng giam lạnh như băng giá, mùa hè nóng như chảo lửa, các loại dịch bệnh như phù thũng, thương hàn, sốt rét hoành hành như một loại vũ khí tàn ác, giết dần, giết mòn tù nhân.
Từ năm 1930- 1945, nơi đây đã giam giữ 1.007 lượt tù nhân cộng sản, nhưng đây cũng chính là trường học cách mạng, nơi ươm mầm “hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam. Trong đó có những gương mặt quen thuộc của cách mạng Việt Nam như bác Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng và nhiều chiến sĩ khác.
Top 3. Du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La
Thủy điện Sơn La được xây dựng trên sông Đà, khởi công vào năm 2005 và khánh thành vào năm 2012. Sau khi được hình thành, thủy điện Sơn La đã tạo nên một hồ thủy điện lớn với chiều dài hơn 150Km, diện tích rộng khoảng 16.000 ha, đã tạo nên một tiềm năng lớn cho việc khai thác phải triển du lịch lòng hồ. Nhiều bản làng dân tộc đã bắt tay vào xây dựng mô hình Hợp Tác Xã du lịch như, bản Bon, bản Nà Tấu,..
Là vùng nhiều dân tộc cùng sinh sống, các dân tộc vùng lòng hồ thủy điện Sơn La có nhiều lễ hội truyền thống độc đáo như: Lễ hội Gội đầu của người Thái trắng Quỳnh Nhai, lễ hội Xên Pang Ả của dân tộc Kháng, lễ mừng cơm mới, lễ hội đua thuyền,… Du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La sẽ là trải nghiệm thú vị cho những bạn ưa thích khám phá, muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc vùng cao Sơn La.
Top 4. Thiên đường săn mây Tà Xùa
Được biết đến, là điểm săn mây cực kỳ lý tưởng. Tà Xùa nằm ở độ cao từ 1.500-1.800 mét so với mặt nước biển nên Tà Xùa có khí hậu mát mẻ quanh năm. Từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm là thời điểm thích hợp nhất đi săn mây.
Đến Tà Xùa, bạn có thể chụp những bức ảnh tuyệt đẹp tại sống lưng Khủng Long ở Háng Đồng, mỏm đá Đầu Rùa, khu rừng nguyên sinh Tà Xùa, cây táo mèo cô đơn,…
Top 5. Đèo Pha Đin
Là một trong những “Tứ Đại Đỉnh Đèo” của Việt Nam, Đèo Pha Đin hay còn gọi là Phạ Đin, có chiều dài khoảng 32Km, nằm ở ranh giới giữa hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Pha Đin tiếng Thái gọi là “Phạ Đin”, trong đó Phạ là “trời”, Đin là “đất” có nghĩa là nơi giao thoa giữa đất và trời.
Trong bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu có câu thơ: “Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ”. Khởi nguồn cho câu thơ đó chính là cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta, đèo Pha Đin lúc bấy giờ là một tuyến giao thông huyết mạch để vận chuyển vũ khí, lương thực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ (năm 1954) của Quân đội ta.