Tỉnh có nhiều thành phố nhất cả nước chuẩn bị 'hành trang' trở thành TP trực thuộc Trung ương
Với nhiều lợi thế vốn có, tỉnh này phấn đấu trở thành thủ phủ công nghiệp của cả nước, đạt được vị thế đô thị loại I, trước khi lên thành phố trực thuộc Trung ương.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 465/TB-VPCP, kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương, nhấn mạnh định hướng phát triển tỉnh thành đô thị thông minh tầm cỡ thế giới, không còn hộ nghèo.
Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ giao thương với TP. HCM và có các trục lộ quốc gia quan trọng. Tỉnh có lợi thế về địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu ổn định, cùng nhiều khu công nghiệp lớn với tỷ lệ lấp đầy cao, trở thành động lực phát triển quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ và cả nước.
Những tháng đầu năm 2024, kinh tế Bình Dương tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. GRDP 6 tháng đầu năm tăng 6,19%, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 6,04% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 12,7%, ngân sách thu được hơn 50,1 nghìn tỷ đồng. Tỉnh cũng xuất siêu lớn và thu hút vốn FDI mạnh mẽ, với 1,36 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024, đứng trong nhóm 3 địa phương thu hút FDI tốt nhất cả nước.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế và an sinh xã hội cũng được đảm bảo. Đặc biệt, quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự xã hội ổn định, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng.
Dù đạt nhiều thành tựu, Bình Dương vẫn gặp một số thách thức như tăng trưởng GRDP chưa phục hồi mạnh sau đại dịch COVID-19. Từ năm 2021-2023, GRDP chỉ đạt 5,01%; riêng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,19%, thấp hơn mức trung bình của cả nước (6,42%). Việc giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các dự án quan trọng quốc gia còn chậm, trong khi cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư cần được đẩy mạnh để duy trì vị thế là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư.
Thủ tướng chỉ ra 6 bài học kinh nghiệm cho Bình Dương:
- Tăng cường đoàn kết, triển khai sáng tạo chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước vào thực tiễn địa phương.
- Phát huy tiềm năng, lợi thế cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp thế hệ mới và doanh nghiệp dân tộc.
- Phản ứng chính sách linh hoạt, nắm chắc tình hình để hóa giải các biến động bất ngờ.
- Tinh thần tự lực, tự cường, huy động mọi nguồn lực, không trông chờ hay ỷ lại.
- Điều hành quyết liệt, làm việc có trọng tâm, tránh dàn trải nguồn lực.
- Phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực, rõ ràng trong phân công và đánh giá kết quả.
>> Tỉnh có nhiều TP nhất cả nước hút hơn 1 tỷ USD vốn FDI
Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương |
Thủ tướng cũng nhấn mạnh Bình Dương cần tiên phong trong 3 lĩnh vực chính:
- Kết nối kinh tế vùng và quốc tế: Đẩy mạnh kết nối giao thông xanh và số hóa với các khu vực như Campuchia, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, và Cảng Cái Mép - Thị Vải.
- Phát triển kinh tế số, xanh, và tuần hoàn: Chú trọng số hóa, xanh hóa nền kinh tế, đồng thời phát triển kinh tế chia sẻ và ban đêm.
- Xây dựng khu công nghiệp thế hệ mới: Tập trung đổi mới sáng tạo, phát triển khu công nghiệp theo hướng xanh, công nghệ cao, thông minh, ứng dụng công nghệ 4.0 và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng yêu cầu Bình Dương tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng khu phi thuế quan, phát triển thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt.
Bình Dương cũng cần khai thác các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và xanh, kinh tế tri thức và kinh tế tuần hoàn. Hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, thông tin và viễn thông, cũng như hạ tầng xanh cần được đầu tư phát triển đồng bộ.
Tỉnh cần tập trung phát triển các ngành dịch vụ mũi nhọn hỗ trợ công nghiệp như thương mại điện tử, logistics, tài chính, ngân hàng, và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Nông nghiệp công nghệ cao và sinh thái cũng cần được phát triển để đảm bảo lương thực và đời sống người dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bình Dương đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nhà ở xã hội, và nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài.
Với các mục tiêu chiến lược, Thủ tướng kỳ vọng Bình Dương sẽ tiếp tục phát triển bứt phá, trở thành thủ phủ công nghiệp hàng đầu Việt Nam và đạt được vị thế đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Ngày 1/5/2024, thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) chính thức lên thành phố theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội. Bến Cát là thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương và thành phố thứ 5 của địa phương này sau Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên. Từ đó, Bình Dương cũng trở thành địa phương có nhiều thành phố nhất cả nước.
>> Quảng Ninh 'sánh vai' Bình Dương trở thành tỉnh có nhiều TP nhất Việt Nam
Tỉnh nhỏ nhất cả nước công bố mở cảng cạn 114.000m2
Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam sắp lên TP trực thuộc Trung ương: GRDP quý III đạt 4,5%