Tỉnh dự kiến sáp nhập với Hưng Yên sẽ có sân bay lấn biển
Thủ tướng chỉ đạo tỉnh nghiên cứu các phương án lấn biển để mở rộng không gian phát triển công nghiệp, nghiên cứu xây dựng cảng biển, sân bay phục vụ nhu cầu phát triển dài hạn.
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 243/TB-VPCP ngày 19/5/2025, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình.
Theo kết luận, Thái Bình được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển bứt phá, giữ vai trò chiến lược quan trọng trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
Tỉnh nằm trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, sở hữu lực lượng lao động dồi dào, điều kiện tự nhiên thuận lợi với hơn 50km đường bờ biển, tiềm năng lấn biển lớn và khả năng khai thác hiệu quả quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thời gian qua.

Tỉnh đã đạt nhiều kết quả toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đặc biệt, GRDP quý I/2025 tăng 9,04%, mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2020-2024 và vượt trung bình cả nước.
GRDP bình quân 5 năm ước đạt 8,36%/năm; quy mô GRDP năm 2025 đạt khoảng 151.200 tỷ đồng, gấp 1,7 lần so với năm 2020.
Nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định theo hướng hiện đại, bền vững, ứng dụng công nghệ cao. Chương trình xây dựng nông thôn mới duy trì nhiều điểm sáng. Công nghiệp tăng trưởng nhanh, đặc biệt là lĩnh vực chế biến - chế tạo. Công nghiệp hỗ trợ và sản xuất linh kiện có bước phát triển rõ nét.
Ngành năng lượng tháo gỡ được điểm nghẽn lớn với việc đưa vào vận hành các nhà máy nhiệt điện tổng công suất 1.800MW và đẩy mạnh triển khai dự án điện khí LNG công suất 1.500MW. Tổng thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2025 đạt 67,2% dự toán, tăng 60,8% so với cùng kỳ.
Để tạo đà tăng trưởng bền vững, Thủ tướng yêu cầu Thái Bình phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh. Tỉnh cần kích hoạt mọi nguồn lực, quyết liệt thúc đẩy phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Trong đó, trọng tâm là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối Thái Bình với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và miền Trung, thông qua hành lang kinh tế Hải Phòng - Quảng Ninh - Trung Quốc. Mục tiêu là đưa Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh nghiên cứu các phương án lấn biển để mở rộng không gian phát triển công nghiệp, nghiên cứu xây dựng cảng biển, sân bay phục vụ nhu cầu phát triển dài hạn. Với các vùng đất nông nghiệp hiện hữu, tỉnh cần tập trung chuyển đổi cơ cấu theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.
Một số dự án trọng điểm được ưu tiên triển khai trong thời gian tới gồm tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (đoạn qua Thái Bình và Nam Định), phấn đấu hoàn thành trong năm 2026; dự án Bệnh viện đa khoa quy mô 1.500 giường, dự kiến thi công trong vòng 2 năm kể từ ngày khởi công.
Đáng chú ý, hai tỉnh phấn đấu đưa các đơn vị hành chính cấp xã mới vào hoạt động từ ngày 1/7 còn đơn vị hành chính cấp tỉnh hợp nhất sẽ chính thức vận hành từ ngày 15/7. Song song đó, bộ máy chính trị hai cấp sẽ được sớm kiện toàn, bảo đảm vận hành hiệu quả, đồng bộ.
Theo thông báo kết luận, sau khi hợp nhất, tỉnh Hưng Yên (mới) dự kiến còn 93 xã và 11 phường. Trong đó, phần từ Hưng Yên cũ gồm 33 xã, 6 phường; Thái Bình cũ có 60 xã, 5 phường.
Sau khi hợp nhất, tỉnh Hưng Yên (tên mới dự kiến) sẽ có tổng diện tích 2.514,8km2, trở thành địa phương có diện tích nhỏ nhất cả nước. Tuy nhiên, quy mô kinh tế của tỉnh này lại nằm trong nhóm dẫn đầu toàn quốc.
> > Thu hồi khu đất vàng hơn 20.000m2 tại Khánh Hòa từng vướng sai phạm dưới hai đời Chủ tịch tỉnh