Tỉnh vừa được chấp thuận chủ trương đầu tư 2 khu công nghiệp, luỹ kế đến nay, toàn tỉnh có 10 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 2.252ha.
Tổng Cục Thống kê mới đây đã công bố những số liệu liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam trong quý I/2024. Theo đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng kinh tế quý I/2024 của Việt Nam vẫn có tăng trưởng đạt 5,66% so với cùng kỳ năm trước, tăng cao nhất từ năm 2020 đến nay.
GRDP tại 57 tỉnh, thành ghi nhận tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm 2024. Đáng chú ý, có 5 địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng trưởng trên 10%, trong đó, đứng đầu bảng là Bắc Giang 14,18%.
Bắc Giang thuộc khu vực Đông Bắc Việt Nam, nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (thuộc Hành lang xuyên Á Nam Ninh - Singapore). Tỉnh này tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên; liền kề "tam giác kinh tế phát triển" Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Trung tâm tỉnh là thành phố Bắc Giang.
Theo thông tin từ Hội nghị thông tin báo chí tình hình kinh tế - xã hội quý I, nhiệm vụ và giải pháp quý II/2024 của Bắc Giang cho thấy, quý I/2024 vừa qua, tỉnh đã ghi nhận nhiều thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2024 của tỉnh ước đạt 14,18% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng trưởng địa phương này mới đạt trên 6,6%, xếp thứ 8/63 tỉnh, thành. Con số này vượt kịch bản dự tính quý I/2024 là 11,79%. Điều này cho thấy, kinh tế của tỉnh tiếp tục phục hồi mạnh mẽ.
Một góc TP. Bắc Giang
Các ngành sản xuất của Bắc Giang đều có tăng trưởng, trong đó, nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,14%, công nghiệp - xây dựng tăng 18,0%, dịch vụ tăng 6,32%, thuế sản phẩm tăng 4,48%.
Sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiến độ, tăng trưởng toàn diện. Các ngành dịch vụ tiếp tục phục hồi; giá trị xuất nhập khẩu duy trì mức tăng khá. Công tác giao và triển khai kế hoạch đầu tư công được quan tâm chỉ đạo, thực hiện quyết liệt; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước đạt mức cao, an sinh xã hội được quan tâm, đảm bảo.
Đặc biệt, trong quý I/2024, Bắc Giang đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư 2 khu công nghiệp: Thành lập thêm 1 KCN Phúc Sơn và mở rộng KCN Việt Hàn. Luỹ kế đến nay, toàn tỉnh đã có 10 khu công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích quy hoạch là 2.252ha.
Bắc Giang được biết đến là tỉnh có sức hút mạnh mẽ đối với đầu tư nước ngoài. Công nghiệp là ngành kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển của tỉnh, trong đó, công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vược được Bắc Giang chú trọng phát triển.
Tính đến ngày 15/3, tỉnh Bắc Giang thu hút khoảng 624,26 triệu USD vốn đầu tư quy đổi. Đặc biệt, đã thu hút 9 dự án trong nước, vốn đăng ký 7.668,4 tỷ đồng (gấp 25,8 lần so với cùng kỳ năm 2023). Có 310 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 18%; vốn đăng ký đạt 2.598 tỷ đồng.
Tỉnh cho biết, tỉnh luôn ưu tiên dành quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án đầu tư có quy mô lớn, lĩnh vực đặc thù trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.
Đồng thời, căn cứ vào yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, hằng năm, tỉnh giao chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo nguồn lao động chất lượng cho các trường cao đẳng, dạy nghề trong tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tiếp tục thu hút doanh nghiệp và nguồn nhân lực chất lượng về làm việc tại tỉnh.
Để giữ được tốc độ phát triển, tăng trưởng, tỉnh phấn đấu đưa Bắc Giang trở thành trung tâm đào tạo lao động kỹ thuật phục vụ cho công nghiệp bán dẫn. Cùng với đó, tỉnh tiếp tục xây dựng kế hoạch làm việc với các trường Đại học, Cao đẳng tại Hà Nội, nhằm thu hút lao động có trình độ về làm việc tại các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.
>> Tỉnh đông dân nhất miền núi phía Bắc chiếm 'ngôi vương' tăng trưởng kinh tế cả nước
Một tỉnh miền Trung đang 'hút' đầu tư năm ngoái, bất ngờ quý I năm nay không có dự án FDI mới nào
Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam sắp 'cất cánh' lên thành phố trực thuộc Trung ương, đón nửa tỷ USD vốn FDI