8 điểm nóng sau sáp nhập: Giá đất có nơi tăng 30%, giao dịch bứt phá 50% trong 3 tháng
Sau làn sóng sáp nhập tỉnh, giá đất có nơi vọt tới 30%, giao dịch tăng 50% chỉ trong 3 tháng, tạo sức nóng tại 8 vùng trọng điểm từ Bắc Giang, Hải Phòng đến Cần Thơ.
Sau làn sóng sáp nhập địa giới hành chính, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương bất ngờ “tăng nhiệt”. Cùng với kỳ vọng hạ tầng và dòng tiền đầu tư dịch chuyển, 8 vùng trọng điểm đang bước vào chu kỳ phục hồi mạnh mẽ, tạo ra những "tâm điểm mới" trên bản đồ địa ốc Việt Nam.
“Để thấy rõ những chuyển động đáng kể trên thị trường bất động sản, cần nhìn lại bức tranh cách đây một năm – trước khi Luật Đất đai (sửa đổi) và loạt luật liên quan có hiệu lực,” ông Nguyễn Đình Cương – Trưởng Ban Nghiên cứu Thị trường & Tư vấn Xúc tiến Đầu tư, Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), chia sẻ tại họp báo công bố báo cáo thị trường bất động sản quý II và 6 tháng đầu năm 2025, chiều 15/7.
Đáng chú ý hơn, sáp nhập không chỉ mang tính hành chính mà còn tạo ra xung lực phát triển nội tại, khi nhiều doanh nghiệp và người dân tại các địa phương bắt đầu chủ động đề xuất các ý tưởng lớn.
"Ví dụ, tại Ninh Bình mới, trước đây ít ai nghĩ đến việc xây dựng sân bay. Nhưng hiện nay, nhờ lợi thế kết nối hạ tầng – cảng biển, đường bộ, đã có đề xuất mạnh mẽ từ doanh nghiệp địa phương về việc quy hoạch sân bay. Theo tôi, đây chính là những động lực phát triển rất tích cực hậu sáp nhập", ông Cương nhận định.
Bắc Giang: 2 tuần, giá đất tăng 30%
Ông Cương cho biết, khu vực trung du và miền núi phía Bắc ghi nhận những diễn biến sôi động bất ngờ, đặc biệt là Bắc Giang – nơi giá bất động sản đã tăng tới 20–30% chỉ trong hai tuần cao điểm đầu tháng 4/2025. Nhiều chủ đầu tư thậm chí còn đẩy giá thêm 10–20% nhờ lực cầu tăng đột biến. Tuy nhiên, thanh khoản sau đó chững lại, cho thấy thị trường vẫn khá nhạy cảm với tin tức và sóng ngắn hạn.
Trong khi đó, Bắc Ninh vốn được kỳ vọng sẽ đồng hành cùng Bắc Giang trong nhóm hợp nhất, lại không có nguồn cung mới, khiến dòng tiền “chệch hướng” sang tỉnh bạn. Ở chiều ngược lại, Lạng Sơn bất ngờ vươn lên với giao dịch nhà ở xã hội tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm, mở ra dư địa cho phân khúc bình dân.
![]() |
Việc sáp nhập các tỉnh – yếu tố đã mở ra cơ hội và dư địa phát triển mới cho thị trường bất động sản. |
>>> Thị trường bất động sản nửa cuối 2025: Cung tăng, giá cao, nhà đầu tư cần lưu ý gì?
Hải Phòng: Dự án mới thổi bùng thanh khoản
Tại khu vực Duyên hải Bắc Bộ, Hải Phòng trở thành điểm sáng, không chỉ nhờ hạ tầng cảng biển – sân bay – đường bộ hoàn chỉnh, mà còn nhờ một “cú hích” mang tên dự án Vinhomes Golden City. Dự án này tạo hiệu ứng lan tỏa toàn thị trường, giúp thành phố cảng được giới đầu tư đánh giá là “cực tăng trưởng mới” của khu vực phía Bắc.
Nam Từ Liêm hút tiền, Hải Dương vỡ kỳ vọng
Tại Hà Nội và vùng lân cận, thị trường địa ốc ghi nhận sức hấp thụ tốt ở các dự án mở bán, nhất là tại quận Nam Từ Liêm, nơi giao dịch vẫn ổn định bất chấp nguồn cung hạn chế. Trong khi đó, Hải Dương lại rơi vào trạng thái đảo chiều khi nhà đầu tư “đón sóng sáp nhập” quá sớm, khiến không ít người buộc phải cắt lỗ khi thị trường không đạt kỳ vọng.
Đà Nẵng – Quảng Nam: Tăng giá nhưng còn lực cản
Ở miền Trung, thị trường Đà Nẵng phục hồi mạnh sau Covid, giá thuê căn hộ, khách sạn tăng 30–40%, trong khi giá chung cư cao cấp tăng 15–20% so với 2019. Tuy vậy, nhà ở xã hội vẫn thiếu quỹ đất, và chủ đầu tư chưa đủ năng lực triển khai. Quảng Nam, dù sở hữu quỹ đất ven biển rộng lớn, vẫn bị đánh giá là “chưa thu hút được đầu tư do hạ tầng chậm”.
Tây Nguyên: Đắk Lắk khởi sắc, Lâm Đồng chững lại
Đắk Lắk ghi nhận mức tăng giá 15–30% tại khu vực trung tâm, chủ yếu đến từ nhu cầu ở thực và tâm lý đón đầu xu hướng phát triển hạ tầng. Ngược lại, Lâm Đồng dù có nguồn cung đất nền tăng mạnh, nhưng tốc độ hấp thụ lại bị chậm lại rõ rệt, cho thấy nhà đầu tư đã thận trọng hơn với các thị trường ngách.
Khánh Hòa: Du lịch phục hồi kéo theo bất động sản
Tại khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, giao dịch nhà phố và bất động sản đô thị tăng trên 50%, nhất là ở trung tâm Nha Trang. Giá thuê căn hộ, mặt bằng thương mại tăng 10–20% nhờ đà phục hồi du lịch. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp chuyển vốn từ sản xuất – kinh doanh sang đầu tư bất động sản, tạo thêm cầu nội tại cho thị trường.
TP.HCM và vùng phụ cận: Dòng tiền Bắc đổ vào
Tại TP.HCM và các tỉnh vệ tinh như Long An, Bình Dương, nguồn cung tăng mạnh nhờ gỡ vướng pháp lý cho loạt dự án tồn đọng. Nhờ nhu cầu bị nén lâu ngày và dòng tiền từ nhà đầu tư phía Bắc đổ về, tỷ lệ hấp thụ ở nhiều dự án đạt mức cao. Cùng với đó, các dự án hạ tầng như vành đai 3, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài tạo lực kéo rõ nét.
Tây Nam Bộ: Cần Thơ, Cà Mau bứt tốc sau sáp nhập
Tây Nam Bộ là khu vực có mức tăng giao dịch mạnh nhất, với tỷ lệ tăng 40–50% so với quý I/2025. Đặc biệt, giá đất tại các trung tâm hành chính mới như Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau đều tăng 10–15% trong quý II, tạo ra làn sóng đầu tư mới cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long – nơi từng bị đánh giá là “trũng” về bất động sản.
Ông Nguyễn Đình Cương cho rằng: Sau sáp nhập, nhiều doanh nghiệp địa phương mạnh dạn đề xuất các dự án hạ tầng lớn – từ sân bay đến khu công nghiệp. Đây là tín hiệu cực kỳ tích cực cho thị trường.
"Thực tế đã chứng minh, khi quy mô địa phương được nâng cấp, quy hoạch và tầm nhìn phát triển cũng được mở rộng, tạo ra động lực lan tỏa không chỉ cho bất động sản, mà còn cho các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, logistics", ông Cương nhận định.
>>>Thị trường địa ốc TP.HCM: Nguồn cung hạn chế, giá nhà vẫn 'tăng đều'
Thị trường bất động sản nửa cuối 2025: Cung tăng, giá cao, nhà đầu tư cần lưu ý gì?
Nhiều mảnh ghép định hình thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm 2025