Tỉnh miền Trung rộng bằng ¾ đồng bằng sông Hồng, có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất cả nước, sở hữu hơn 30 ngọn núi lửa trăm triệu năm tuổi
Những năm qua, nơi đây trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách thích trải nghiệm, khám phá.
Gia Lai nằm ở khu vực phía Bắc Tây Nguyên, có diện tích 15.510km2 và là tỉnh rộng thứ 2 cả nước. Với diện tích này, Gia Lai rộng bằng ¾ diện tích đồng bằng sông Hồng (21.278km2, khu vực bao gồm 11 tỉnh thành). Còn diện tích đất nông nghiệp của Gia Lai lên đến 8.451km2, cao nhất cả nước, gấp gần 3 lần diện tích đất nông nghiệp của Nghệ An (tỉnh rộng nhất Việt Nam).
Gia Lai nhìn từ trên cao
Gia Lai có hệ thống giao thông khá phát triển bao gồm một Cảng Hàng không, 6 tuyến quốc lộ (14C, 19, 19D, 25, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông) có tổng chiều dài 764km; 10 tuyến tỉnh lộ có tổng chiều dài 372km; 965km đường đô thị; cùng kết nối hệ thống giao thông nông thôn với tổng chiều dài 10.789km, tương đương quãng đường từ Việt Nam đến Pháp.
Ngoài ra, Gia Lai còn được biết đến là địa phương với nhiều bản sắc văn hóa độc đáo cùng những địa điểm hấp dẫn và nhiều cái nhất của Việt Nam như:
Tượng đài Bác Hồ lớn nhất Việt Nam
Tại sự kiện Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại TP. Pleiku năm 1946, tỉnh Gia Lai đã vinh dự được đón nhận thư của Bác Hồ. Nội dung bức thư như một bài “hịch” hiệu triệu các dân tộc miền Nam cùng đoàn kết, đứng lên đấu tranh giải phóng Tây Nguyên. Từ sự kiện này, UBND tỉnh Gia Lai đã thống nhất phải xây dựng một công trình tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên đặt tại TP. Pleiku (Gia Lai).
Tượng Bác Hồ được làm bằng tấm đồng đỏ theo công nghệ tạo hình và hàn. Đây là công nghệ mới, lần đầu tiên được thực hiện ở Việt Nam. Tượng Bác Hồ cao 10,8m, trọng lượng 16 tấn, bệ cao 4,5m.
Được biết, quá trình làm tượng Bác Hồ rất công phu, trải qua nhiều giai đoạn như làm bằng đất sét rồi qua thạch cao, composite và sau cùng mới chuyển sang bằng đồng. Đứng trước công trình vĩ đại này, những người con của vùng đất Tây Nguyên đã không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên bởi quy mô đồ sộ của tượng đài. Đây cũng là công trình tượng đài Bác Hồ lớn nhất nước ta cho đến hiện tại.
Tượng vua Hùng được công nhận “kỷ lục Việt Nam”
Tổ chức Kỷ lục Việt Nam năm 2015 đã công nhận công trình tượng Quốc tổ, 18 vị vua Hùng đặt trong công viên văn hóa Ðồng Xanh ( Gia Lai), xác lập kỷ lục Việt Nam về tượng Quốc tổ lớn nhất.
Công trình tượng Quốc tổ và 18 vị vua Hùng đặt trong công viên Ðồng Xanh được đưa vào phục vụ tham quan từ năm 2009. Công trình gồm một tượng Quốc tổ cao 6m, nặng 6 tấn, được làm bằng gỗ mít nguyên khối. Ngoài ra, còn có 18 tượng các đời vua Hùng mỗi tượng cao 4m, bệ đứng bằng đá cao 90cm được làm bằng bêtông cốt thép và sơn nhũ đồng bên ngoài.
Hằng năm, nơi này thu hút hàng nghìn người đổ về tham quan.
Ngôi chùa lớn nhất Tây Nguyên - Chùa Minh Thành
Chùa Minh Thành Gia Lai với kiến trúc phảng phất hơi thở của xứ Phù Tang mang những mái chóp uốn cong điển hình là một địa điểm du lịch không nên bỏ qua nếu bạn đến Gia Lai dịp này.
Chùa Minh Thành nằm cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 2km. Chùa được xây dựng từ năm 1964 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo. Điều khiến chùa Minh Thành trở thành một nơi tham quan khiến khách du lịch biết đến là nhờ lối kiến trúc xây dựng khá giống với những ngôi đền của Nhật Bản. Tất cả lối kiến trúc đó đã làm bức tranh của chùa thêm phần lộng lẫy, kiêu sa nhìn từ xa giống như một cung điện thu nhỏ nơi phố núi mù sương Pleiku.
Khi đứng trước chánh điện cao những 16m, một công trình khiến ai đứng trước nhìn vào cũng không khỏi ngỡ ngàng, trần nhà làm bằng gỗ Pơ Mu - loại gỗ tốt trong rừng Tây Nguyên. Ngoài ra, chùa Minh Thành còn có một chiếc lư hương bằng đồng lớn nhất cao 4m và nặng tới 4 tấn nằm trước hồ Liên Trì.
Giữa những bộn bề, mệt mỏi hay căng thẳng cuộc sống chỉ cần ghé vào đây chắc chắn bạn sẽ cảm nhận một cuộc sống hoàn toàn khác, yên bình và an yên.
Ngoài những địa điểm văn hóa độc đáo, hấp dẫn thì Gia Lai còn nổi tiếng là nơi sở hữu nhiều núi lửa nhất Việt Nam. Đặc biệt phải kể những ngọn núi lửa hàng trăm triệu năm như:
Chư Đăng Ya
Cao khoảng 500m, thuộc địa phận làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, cách trung tâm phố núi Pleiku khoảng 30km về hướng đông bắc. Núi lửa Chư Đăng Ya có độ cao khoảng 975m so với mực nước biển. Đây là ngọn núi lửa cổ dương (nhô lên trên mặt đất) đã từng hoạt động ở vùng đất Tây Nguyên cách đây hàng triệu năm.
Trải qua hàng triệu năm, lớp dung nham dày dặn ngày nào của Chư Đăng Ya đã biến nơi đây thành một vùng đất đỏ bazan vô cùng phì nhiêu. Người dân địa phương nơi đây đã tận dụng mảnh đất trù phú này để trồng nhiều loại cây lương thực, hoa màu. Ngoài sự hùng vĩ vốn có, núi lửa Chư Đăng Ya còn được điểm tô thêm màu sắc rực rỡ của những bông hoa. Tất cả tạo nên một bức tranh đỉnh núi tuyệt đẹp.
Núi lửa Chư Đăng Ya thật sự là một thiên đường cho những ai yêu thích vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí của đại ngàn Tây Nguyên. Chính bởi vẻ đẹp này mà ngọn núi đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng làm các tín đồ du lịch gần xa bị mê hoặc.
Không chỉ vậy, núi lửa Chư Đăng Ya còn được xem là điểm đến hấp dẫn và thu hút bậc nhất của cả núi rừng Tây Nguyên. Vào năm 2018, núi lửa Chư Đăng Ya được tạp chí Daily Mail, một tạp chí danh giá ở Anh, bình chọn là một trong 10 ngọn núi đẹp nhất trên thế giới.
Núi Hàm Rồng
Núi Hàm Rồng Gia Lai là một ngọn núi lửa hàng triệu năm về trước và hiện nay đang là điểm đến đầy thu hút đối với nhiều bạn trẻ khi du lịch Gia Lai. Núi Hàm Rồng Gia Lai còn được dân địa phương gọi là núi Chư Hơ Đông, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 11km. Với độ cao trên 1.028m, núi Hàm Rồng được ví nóc nhà của thành phố, là nơi bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh Pleiku từ trên cao. Ngoài Núi lửa Chư Đăng Ya, đây cũng là một địa điểm lý tưởng để bạn đến trải nghiệm và khám phá.
Theo các tư liệu, núi Hàm Rồng có lịch sử hình thành từ hàng triệu năm về trước trong giai đoạn phun trào núi lửa muộn. Nhìn từ xa, bạn sẽ thấy núi Hàm Rồng Gia Lai mang nhiều hình thù khác nhau, lúc thì như hình thang, có lúc thì lại là một nửa hình tròn. Còn với góc nhìn từ trên cao xuống thì núi Hàm Rồng giống như một cái phễu khổng lồ với một rãnh lớn và sâu cắt từ sườn của miệng núi về hướng Nam. Trong thời kháng chiến, núi Hàm Rồng từng là căn cứ quân sự của Mỹ. Hiện tại, nơi này được Gia Lai sử dụng làm trạm thu phát sóng viễn thông.
Núi Hàm Rồng có hình dáng như một cái phễu khổng lồ
Khí hậu ở núi Hàm Rồng Gia Lai luôn mát mẻ, thoáng đãng. Vào mùa hè, thời tiết ở núi trong lành, mát mẻ thích hợp để check-in, chụp choẹt sống ảo. Còn mùa đông tuy thời tiết lạnh giá nhưng bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm hoạt động săn mây rất thú vị. Vậy nên, bạn có thể thoải mái khám phá núi Hàm Rồng vào bất cứ thời gian nào để phù hợp với sở thích, thời gian và kế hoạch của cá nhân mỗi người.
Thung lũng làng Ốp
Thung lũng làng Ốp là một trong những miệng núi lửa cổ âm (chìm xuống dưới mặt đất), có hình lòng chảo ở làng Ốp, TP Pleiku. Thung lũng làng Ốp có bán kính khoảng 500m, tạo thành thung lũng rộng lớn tại phố núi Gia Lai. Được biết, trên miệng núi lửa đã tắt hàng triệu năm trước.
Nhờ đất đai màu mỡ, phì nhiêu, có nguồn nước ổn định nên được người dân địa phương nơi đây tận dụng để trồng lúa, khoai, rau.... Đây cũng sẽ là một địa điểm check-in tuyệt đẹp mà bạn không nên bỏ qua khi đến với phố núi Gia Lai.
Núi Chư Nâm - Ngọn núi cao nhất Pleiku
Trekking đỉnh Chư Nâm là hoạt động được đông đảo các tín đồ nghiện xê dịch mê mẩn khi đi du lịch Gia Lai. Ngọn núi này là địa điểm lý tưởng để thực hiện những chuyến trekking xuyên rừng, săn mây ở trên đỉnh và chiêm ngưỡng khung cảnh tuyệt đẹp của vùng đất cao nguyên mà bạn không nên bỏ lỡ.
Ngọn núi Chư Nâm tọa lạc tại địa phận huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng chừng 30km. Nằm trên độ cao 1.500m so với mực nước biển, Chư Nâm được xem là nóc nhà ở khu vực phía Tây của vùng cao nguyên Pleiku, song song với núi lửa Chư Đăng Ya nổi tiếng. Nơi đây sở hữu vẻ đẹp hoang sơ của đại ngàn Tây Nguyên với một hệ sinh thái động, thực vật vô cùng đa dạng và phong phú.
So với những ngọn núi khác ở Gia Lai thì Chư Nâm nằm khá gần trung tâm thành phố Pleiku nên việc chinh phục cũng không quá khó khăn. Chính vì vậy, trekking đỉnh Chư Nâm vẫn luôn là hoạt động thu hút đông đảo các bạn trẻ ưa thích khám phá, trải nghiệm. Hành trình trekking trên ngọn núi này sẽ dẫn bạn vượt qua những con dốc cheo leo, dựng đứng và đi sâu vào thảm rừng nguyên sinh để lên đến đỉnh.
Hành trình trekking lên đỉnh núi phải vượt qua những đoạn đường có độ dốc rất cao.
Theo kinh nghiệm của nhiều bạn trẻ thì thời gian phù hợp nhất để trekking đỉnh Chư Nâm là từ tháng 8 đến tháng 5 năm sau. Lúc này, Gia Lai bắt đầu bước vào mùa khô nên rất ít mưa, tiết trời khá thoáng đãng và mát mẻ, rất thuận lợi cho các hoạt động leo núi, thám hiểm.