Tình hình kinh tế tỉnh này hiện đang thất thường với những chỉ tiêu tăng mạnh và có những mảng kinh tế giảm sốc.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2024, Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh nhận định, kinh tế trên địa bàn có thể đang xuống đáy và ở mức giảm nhiều nhất 26 năm qua, đứng trước nhiều khó khăn, song có những điều kiện để có thể phục hồi.
Cụ thể, với mảng sản xuất công nghiệp - trụ cột của kinh tế tỉnh, trong khi tháng 12/2023 ghi nhận chỉ số tăng khá cao với mức 11,15% so với cùng kỳ thì sang tháng 1/2024 lại quay ngược trở lại giảm tới 12,35%. Điều đó cho thấy sự không ổn định trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của các sơ sở kinh tế. Do vậy, tỉnh cần các điều kiện, sự hỗ trợ khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án phát triển công nghiệp đưa vào sản xuất, phần đấu hoàn thành kế hoạch công nghiệp năm 2024.
Tuy vậy, dù sản xuất công nghiệp trong tháng giảm nhưng vẫn có nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá tốt. Cụ thể, trong tháng 1, số doanh nghiệp thành lập mới tăng khá cao so với tháng trước và cùng tháng năm trước lần lượt là 14% và 30,9%. Tổng vốn đăng ký tuy giảm so với cùng kỳ năm trước (giảm 19,6%) nhưng lại tăng mạnh (27,2%) so với tháng trước. Đây là tín hiệu tốt cho thấy nhiều doanh nghiệp đặt niềm tin vào sự phục hồi, tốt lên của năm mới.
Ngược lại, ở một góc độ khác, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 1/2024 vẫn tăng rất cao so với cùng kỳ, cho thấy phần nào khó khăn của các doanh nghiệp khi tái gia nhập thị trường trong bối cảnh hiện nay.
Tỉnh Bắc Ninh |
Về đầu tư, vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào các công trình chuyển tiếp từ năm trước chuyển sang. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 6,8% so với cùng tháng năm trước, nhưng lại giảm 51,1% so với tháng trước (do tháng 12/2023 là tháng cuối năm nên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh). Về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), số lượng dự án và vốn đăng ký mới tăng mạnh gấp 2,2 lần về số dự án đăng ký mới và tăng 25,5% về vốn đăng ký mới. Đây là tín hiệu tích cực trong việc thu hút FDI của tháng đầu tiên năm 2024.
Theo số liệu báo cáo tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tháng 1 ước 5.237 tỷ đồng, tăng 0,2% so với tháng 11/2023. Trong đó, thu nội địa ước 4.587 tỷ đồng, giảm 1,4%. Chi ngân sách địa phương ước 1.399 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng 1/2023. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước 500 tỷ đồng, giảm 1,7%.
Ngay từ đầu tháng 1/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có Chỉ thị số 01/CT-UBND về những nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 5-6% so với năm 2023; thu nhập bình quân đầu người (theo giá HH) đạt 73 triệu đồng; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 75,83 tỷ USD (trong đó xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đạt 41,55 tỷ USD); tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đạt 70.000 tỷ đồng; thu hút FDI 1,1 tỷ USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn 31.240 tỷ đồng; doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 98.000 tỷ đồng…
Với diện tích 823km2, Bắc Ninh là tỉnh nhỏ nhất cả nước. Tỉnh nằm ở cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh nên có nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế, công nghiệp.
Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu trước năm 2030, tỉnh Bắc Ninh có 4 thành phố (Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong); 2 thị xã (Quế Võ, Thuận Thành); 2 huyện (Lương Tài, Gia Bình). Tỉnh Bắc Ninh đạt tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
> > Lộ diện tỉnh thành sẽ 'chiếm lĩnh' thị trường bất động sản công nghiệp năm 2024
Vùng Nam Trung Bộ sắp có 'siêu' đô thị sân bay quy mô dân số 770.000 người
Thị xã duy nhất lên thành phố rồi trở thành quận, thu ngân sách trên 5.000 tỷ đồng