Trong tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh miền Nam này sẽ được định hướng sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia.
2050 trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia
Trong đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã gia tăng rõ rệt với 21 dự án mới và 29 dự án tăng vốn đầu tư. Qua đó tổng vốn thu hút được hơn 1,4 tỉ USD (đạt 153% kế hoạch, tăng 91,67% so với năm 2022), với vốn đầu tư mới đạt 893,1 triệu USD, vốn đầu tư tăng thêm là 508,3 triệu USD.
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 458 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký trên 31,53 tỉ USD, cùng nhiều tập đoàn nổi tiếng thế giới tham gia đầu tư như: tập đoàn Hyosung, tập đoàn Sam Sung (Hàn Quốc); tập đoàn Vard (Na Uy); tập đoàn Austal (Australia)...
Đối với các dự án đầu tư trong nước, địa phương cũng thu hút 28 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn cho 15 dự án hiện có. Qua đó, tổng vốn đầu tư thu hút trong nước năm 2023 đạt 28.695,6 tỉ đồng (đạt 142,28% kế hoạch). Hiện toàn tỉnh có 710 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 384.983,2 tỉ đồng.
Đạt được những kết quả khả quan trong thu hút đầu tư năm 2023, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đặt mục tiêu và xây dựng kế hoạch phấn đấu thu hút 2,9 tỉ USD vốn đầu tư trong năm 2024.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đạt hiệu quả trong công tác thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Cụ thể, địa phương đã và đang tập trung phát triển hệ thống giao thông, với nhiều tuyến đường trọng điểm như: ĐT994, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An... để kết nối liên vùng. Đồng thời, tập trung phát triển hệ thống trung tâm logistics và cảng trung chuyển quốc tế tại Cái Mép - Thị Vải; xây dựng và triển khai Đề án phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại Phú Mỹ; đặt chiến lược phát triển mạnh du lịch tại khu vực ven biển từ Vũng Tàu đến Bình Châu và Côn Đảo…
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tỉ lệ lao động có tay nghề; tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được định hướng sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, là trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ.
Để làm được điều đó, địa phương đang tập trung mạnh mẽ thu hút đầu tư, chú trọng vào các dự án quy mô lớn, cùng với công nghệ hiện đại, có tác động lan tỏa, giá trị gia tăng cao, nhưng phải thân thiện với môi trường.
Một trong những trung tâm du lịch hàng đầu với thiên thời - địa lợi - nhân hòa
Bà Rịa - Vũng Tàu thuộc vùng Đông Nam Bộ, tiếp giáp tỉnh Đồng Nai ở phía Bắc, TP. HCM ở phía Tây, tỉnh Bình Thuận ở phía Đông, còn phía Nam giáp biển Đông. Đây là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước nhờ vị trí thuận lợi, khí hậu ôn hòa, nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị cho du khách...
Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong vùng ít có bão. Một năm hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, trời mát mẻ, mưa không dầm dề. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, trời khá nóng. Thực tế bạn có thể du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu quanh năm, nhưng đẹp nhất từ tháng 3 đến tháng 9 nếu bạn muốn tắm biển, ghé thăm Côn Đảo.
Một số địa điểm du lịch:
1. Thành phố Vũng Tàu
Chỉ cách TP. HCM hơn 120km, Vũng Tàu là điểm nghỉ dưỡng cuối tuần yêu thích của du khách. Với diện mạo hướng ra biển, Vũng Tàu có nhiều bãi tắm nhỏ xinh xắn chạy vòng quanh thành phố. Bãi Tầm Dương hay Bãi trước nằm giữa núi Lớn và núi Nhỏ. Những quán café chạy dọc toàn bãi biển...
2. Thành phố Bà Rịa
Thành phố Bà Rịa cách TP. HCM 90km về hướng Đông Bắc, cách thành phố Vũng Tàu 25km về hướng Nam.
- Núi Thị Vải
Đi từ Quốc lộ 51 đến thị trấn Phú Mỹ, bạn muốn đến núi Thị Vải thì rẽ trái khoảng 3km để chạy theo đường mòn đến chân núi. Bạn có thể gửi xe ở nhà dân dưới chân núi và bắt đầu hành trình đi bộ trên những bậc thang được xây bằng đá hoa cương dẫn lên núi. Nơi đây còn có ba ngôi chùa chính là chùa Linh Sơn Liên Trì (chùa Hạ), chùa Linh Sơn Hồng Phúc (chùa Trung), và Linh Sơn Bửu Thiền (chùa Thượng).
- Địa đạo Long Phước
Địa đạo là một hệ thống ở cả 5 ấp trong xã: ấp Đông, ấp Tây, ấp Nam, Ấp Bắc và ấp Phước Hữu, xã Long Phước, cách trung tâm thành phố Bà Rịa khoảng 7km. Các cụm địa đạo được nối liền với nhau bởi đường xương sống, có hầm bí mật chứa lương thực dự trữ, các công sự chiến đấu để đánh trả địch.
Tháng 10/1949 lực lượng vũ trang cách mạng nhờ địa đạo đã chiến thắng cuộc càn quét của quân đội Pháp giữ vững ấp và cơ sở cách mạng. Vào tháng 4/1963, hệ thống địa đạo được khôi phục và phát triển thành thế liên hoàn vững chắc. Đường địa đạo xương sống cách mặt đất 2-3m, lòng cao 1,5 đến 1,6m, rộng 60 - 70cm.
- Nhà Tròn Bà Rịa
Nhà Tròn - tên người dân TP. Bà Rịa thường gọi tháp nước (tiếng Pháp Chatoau deau). Đầu thế kỷ 20, cùng với việc xây dựng nhà thờ và lập đồn điền cao su, người Pháp xây dựng Nhà Tròn để phục vụ cho bộ máy cai trị và binh lính.
Nhà Tròn cao 20m, kiến trúc chính là bồn chứa nước hình tròn có mái che bằng tôn, đường kính hơn 7m. Năm 1945, người Nhật lắp đặt một hệ thống còi hơi báo động gồm 6 cái dưới bồn nước hiện vẫn còn hoạt động được. Nhà Tròn được công nhận di tích cấp quốc gia năm 1987 và hiện là nơi để người dân, du khách tham quan và tổ chức triển lãm. Điều đặc biệt khác là nơi đây có đàn chim én làm tổ.
3. Thị trấn Long Hải
Huyện Long Điền sở hữu bờ biển dài 14,7km với nhiều bãi biển đẹp, cát trắng, thoải, biển sóng đều. Trong đó bãi tắm Long Hải nổi tiếng xưa nay với cảnh quan thiên nhiên từ mũi Kỳ Vân nhô ra biển. Tháng 10, 11 là lúc thích hợp nhất để đến thị trấn Long Hải để tắm biển, còn khoảng trước và sau Tết nguyên đán là mùa rừng anh đào nở rộ.