Doanh nghiệp

Tỉnh sở hữu nhà máy thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á, sẽ là cực phát triển quan trọng của vùng Tây Bắc

Thảo Đan 23/08/2024 - 08:34

Nhà máy thủy điện của tỉnh này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và phòng thủ quốc gia.

Sơn La là tỉnh miền núi có diện tích lớn thứ 3 cả nước và lớn nhất miền Bắc, sở hữu nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Đây là địa phương có vị trí quan trọng trong chiến lược xây dựng và phòng thủ đất nước, nằm ở trung tâm vùng Tây Bắc, tiếp giáp các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Điện Biên, và nước CHDCND Lào.

Nhà máy thủy điện Sơn La là dự án trọng điểm quốc gia, được khởi công xây dựng tại xã Ít Ong, huyện Mường La vào ngày 2/12/2005 và khánh thành vào ngày 23/12/2012, sớm hơn kế hoạch 3 năm. Nhà máy có công suất lắp đặt 2.400MW với 6 tổ máy, cung cấp trung bình 10,246 tỷ kWh điện mỗi năm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

Việc xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La đã yêu cầu di dời hơn 20.000 hộ dân tại 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, và Lai Châu. Theo quyết định tạm phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh của Thủ tướng năm 2012, dự án có chi phí gần 60.200 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm gần 16.900 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2024, nhà máy đã phát 107,396 tỷ kWh điện, đóng góp hơn 13.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Theo Cục Thống kê tỉnh Sơn La, GRDP năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 67.700 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 51,7 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, khi GRDP theo giá so sánh chỉ đạt 34.506 tỷ đồng, tăng 0,75% so với cùng kỳ năm trước, không đạt kế hoạch 7,5%. Sơn La đứng thứ 12 vùng Trung du và miền núi phía Bắc và thứ 58 cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP.

>> Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam lặng lẽ bứt phá, đứng nhì bảng về xuất khẩu

Thủy điện Sơn La, Tuyên Quang xả lũ vào 13 giờ chiều nay
Một góc nhà máy thuỷ điện Sơn La

Trong 6 tháng đầu năm 2024, GRDP theo giá so sánh của Sơn La đạt gần 14.650 tỷ đồng, tăng 0,67% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực dịch vụ tăng trưởng 5,74%, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng giảm 6,36%, làm giảm 1,60 điểm phần trăm trong tăng trưởng GRDP. Hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt và lưu lượng nước về các hồ thủy điện thấp, ảnh hưởng đáng kể đến ngành nông nghiệp và sản xuất điện.

Từ đầu năm đến đầu tháng 8/2024, Sơn La đã cấp mới chủ trương đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn đăng ký gần 128 tỷ đồng, tăng 1,5 lần số dự án và 5 lần tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ. Lũy kế toàn tỉnh hiện có 15 dự án đã lựa chọn được chủ đầu tư theo quy định pháp luật.

Theo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sơn La phấn đấu trở thành tỉnh phát triển nhanh, toàn diện, bền vững và công bằng. Đến năm 2030, Sơn La sẽ là một trong những tỉnh phát triển khá của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, trung tâm tiểu vùng Tây Bắc và trọng điểm du lịch của vùng biên giới Việt Nam - Lào.

Tầm nhìn đến năm 2050, Sơn La định hướng trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Tây Bắc, với hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, nền kinh tế có khả năng cạnh tranh cao. Mục tiêu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/người và đến năm 2030 đạt khoảng 100-120 triệu đồng/người. Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2021-2025 đạt trên 120.000 tỷ đồng, và giai đoạn 2026-2030 đạt trên 150.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 20,6% vào năm 2025 và khoảng 25,8% vào năm 2030.

>> Lộ diện địa phương sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước

Tỉnh nhỏ nhất Đông Nam Bộ sắp lên TP trực thuộc Trung ương, hút hơn 1,7 tỷ vốn FDI

Tỉnh là trung tâm vùng ĐBSCL sắp đón dòng vốn đầu tư gần 30.000 tỷ đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tinh-so-huu-nha-may-thuy-dien-lon-nhat-dong-nam-a-se-la-cuc-phat-trien-quan-trong-cua-vung-tay-bac-246334.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Tỉnh sở hữu nhà máy thuỷ điện lớn nhất Đông Nam Á, sẽ là cực phát triển quan trọng của vùng Tây Bắc
POWERED BY ONECMS & INTECH