Bộ Công Thương đã công bố quy định về giá điện trong đó giá bán lẻ điện sinh hoạt được tính theo 6 bậc thang tính tiền điện.
Ngày 4/5/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông báo chính thức tăng giá điện bán lẻ bình quân thêm 3% so với giá hiện hành.
Theo đó, EVN quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Ngay sau đó, Bộ Công Thương cũng đã công bố quy định về giá điện, trong đó giá bán lẻ điện sinh hoạt được tính theo 6 bậc thang tính tiền điện để người tiêu dùng dễ quản lý được hóa đơn theo sản lượng.
Với đợt tăng giá điện lần này, khoảng hơn 30 triệu hộ sử dụng điện sinh hoạt sẽ phải trả thêm trung bình từ 2.500 - 27.200 đồng/hộ/tháng so với mức giá bán điện cũ. Trong đó có khoảng hơn 10 triệu hộ sử dụng từ 101 - 200 kWh điện/tháng sẽ phải trả thêm hơn 11.000 đồng/hộ/tháng, đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất. Ngoài ra, đối tượng khách hàng kinh doanh điện sản xuất cũng phải trả thêm tiền điện sau đợt tăng này.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đối với các hộ sản xuất là công nghiệp và xây dựng, đang có 1.822.000 hộ công nghiệp, tính trung bình hiện nay số hộ này đang sử dụng 1 tháng khoảng 10,6 triệu. Với mức điều chỉnh này, họ phải trả thêm là 307.000 đồng/hộ/tháng.
Năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN đã lỗ trên 26.000 tỷ đồng. Với việc tăng giá điện, dự kiến đến cuối năm 2023 Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ thu thêm khoảng 8.000 tỷ đồng để bù đắp vào chi phí phát điện.
Năm nay, dự kiến với sản lượng điện thương phẩm đạt trên 250 tỷ kWh. Trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào như than, khí tăng cao, việc tăng giá điện lần này sẽ góp phần giải quyết dòng tiền cho cả việc sản xuất, mua bán điện.
Lạm phát tại Ukraine tăng mạnh
Giá điện hiện nay: Nguy cơ lợi nhuận của Nhà nước thành của doanh nghiệp