Tài chính Ngân hàng

Tổ chức tín dụng phải can thiệp sớm: Không nên ra văn bản chấm dứt tránh gây 'sốc', tiêu cực

Trâm Anh 16/01/2024 - 19:59

Văn bản này có thể bất lợi đối với tổ chức tín dụng, ảnh hưởng tới tâm lý người gửi tiền.

Phát biểu về quy định can thiệp sớm tổ chức tín dụng, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho biết, tại dự thảo luật mới nhất trình Quốc hội lần này đã bổ sung thêm quy định Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm.

Theo đại biểu Lã Thanh Tân, quy định này làm thay đổi bản chất can thiệp sớm, chuyển can thiệp sớm từ cơ chế can thiệp từ sớm, từ xa của cơ quan quản lý sang một trạng thái xử lý cụ thể.

>> Đại biểu Quốc hội: Ngân hàng lãi lớn nhờ bán bảo hiểm

Đại biểu phân tích, với cơ chế can thiệp từ sớm thì khi phát hiện các tổ chức tín dụng thuộc trường hợp can thiệp sớm, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng thực hiện các yêu cầu hạn chế để khắc phục các vấn đề trong hoạt động để tổ chức tín dụng đó quay trở lại hoạt động bình thường. “Đây không phải là văn bản quyết định đặt tổ chức tín dụng vào can thiệp sớm”, đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh.

Đại biểu Lã Thanh Tân
Đại biểu Lã Thanh Tân

Trong văn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ các yêu cầu hạn chế cùng với thời hạn thực hiện các yêu cầu hạn chế đó. Các yêu cầu hạn chế của Ngân hàng Nhà nước sẽ chấm dứt khi hết thời hạn thực hiện mà các tổ chức tín dụng đã khắc phục được các vấn đề của mình. Với cách tiếp cận này, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng yêu cầu hạn chế hoặc không còn áp dụng yêu cầu hạn chế đối với tổ chức tín dụng được can thiệp sớm mà không có văn bản quyết định can thiệp sớm, nên cũng không cần có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm.

Nhưng theo dự thảo mới, Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản quyết định can thiệp sớm và sau đó là văn bản quyết định khi chấm dứt can thiệp sớm.

“Đây sẽ là thông tin bất lợi đối với tổ chức tín dụng, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, ảnh hưởng tới tâm lý người gửi tiền… đối với chính tổ chức tín dụng được can thiệp sớm nói riêng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung”, đại biểu Lã Thanh Tân nói và cho biết, pháp luật các nước cũng không quy định can thiệp sớm là một giai đoạn xử lý mà quy định theo hướng can thiệp sớm là các cơ chế cho phép cơ quan quản lý áp dụng đối với một tổ chức tín dụng gặp vấn đề.

Do đó, Lã Thanh Tân đề xuất giữ nguyên quy định về can thiệp sớm như dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 hoặc bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước phải có văn bản quyết định chấm dứt can thiệp sớm tại Điều 161 của dự thảo luật. Điều này sẽ phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, tránh trường hợp thị trường có phản ứng tiêu cực khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp can thiệp sớm đối với một tổ chức tín dụng.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Đức Ấn (Hà Nội) cho rằng, “can thiệp sớm” về bản chất đã thể hiện Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng bắt buộc phải làm để đảm bảo đưa ngân hàng đó về trạng thái hoạt động bình thường. “Như vậy thì không nên nặng nề vấn đề là phải ra quyết định rồi sau đó rút quyết định đó. Bởi vì, nếu hết can thiệp sớm tổ chức tín dụng đó trở lại hoạt động bình thường thì có thể coi như là chuyện không có gì xảy ra. Nhưng nếu trong trường hợp đã can thiệp sớm mà tổ chức tín dụng vẫn rơi vào tình trạng rủi ro hơn thì lúc đó đã chuyển sang về hình thức quan trọng mới. Đấy là quyết định về kiểm soát đặc biệt, lúc đấy trở thành một quyết định chính thức”, đại biểu Phạm Đức Ấn phân tích.

>> Yêu cầu tăng quyền hạn của Thống đốc NHNN trong kiểm soát hoạt động của các ngân hàng

Tổ chức tín dụng bị áp dụng kiểm soát đặc biệt khi nào?

Quốc hội thảo luận về quy định kiểm soát đặc biệt khi ngân hàng bị rút tiền hàng loạt

UBTVQH cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/to-chuc-tin-dung-phai-can-thiep-som-khong-nen-ra-van-ban-cham-dut-tranh-gay-soc-tieu-cuc-220137.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tổ chức tín dụng phải can thiệp sớm: Không nên ra văn bản chấm dứt tránh gây 'sốc', tiêu cực
POWERED BY ONECMS & INTECH