Tổng cục Hải quan vừa ban hành Chỉ thị mới về việc luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền và phòng chống tham nhũng trong ngành Hải quan.
Tổng cục Hải quan vừa ban hành Chỉ thị 1036 về việc tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác; kiểm soát quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ, trách nhiệm nêu gương; chống chạy chức, chạy quyền và phòng chống tham nhũng trong ngành hải quan.
Chỉ thị đặt trách nhiệm của ngườ đứng đầu các đơn vị, yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc, đặc biệt là các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý những lĩnh vực, địa bàn có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp và người dân cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong cải cách thủ tục hành chính. Tăng tính chủ động trong quá trình giải quyết công việc, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và chịu trách nhiệm; chủ động, kịp thời xử lý có hiệu quả các tình huống khẩn cấp, đột xuất trong đơn vị, lĩnh vực được giao phụ trách.
Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, tăng chống thất thu qua giám sát, kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa...
Đặc biệt, Chỉ thị yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, kịp thời phát hiện ngăn chặn việc vận chuyển trái phép, thẩm lậu vào nội địa; nhập khẩu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa thuộc diện cấm nhập khẩu; hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan (hàng quá cảnh, kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng gia công, sản xuất xuất khẩu).
Bên cạnh đó, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ. Quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; thực hiện công tác luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác của công chức, viên chức.
Trong phần nhiệm vụ cụ thể, Tổng cục Hải Quan nhấn mạnh, thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục chịu trách nhiệm toàn diện công tác quản lý công chức, viên chức, người lao động tại đơn vị. Tuân thủ quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của công chức, không lợi dụng vị trí công tác để can thiệp không đúng thẩm quyền, tiếp tay cho hành vi trốn thuế, hoàn thuế sai quy định, buôn lậu, gian lận… nghiêm cấm các biểu hiệu hành vi tham nhũng, hối lội dưới mọi hình thức.
Ngoài ra phải có biện pháp giám sát, phòng ngừa các biểu hiện hành vi cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, trì hoãn giải quyết công việc được giao, thờ ơ, vô cảm với doanh nghiệp và người dân, gây khó khăn đối với tổ chức, cá nhân… và gợi ý nhận quà tiền, quà biếu của tổ chức, cá nhân, tình trạng "tham nhũng vặt"… Kiên quyết không để xảy ra những vụ việc gây hậu quả, tác động tiêu cực do quan liêu, thiếu trách nhiệm, vô kỷ luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Tăng cường kiểm tra công vụ (đột xuất và thường xuyên) nhằm phát hiện kịp thời hành vi vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định...