Sáng 29/12/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo Hội nghị Tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2021 và Triển khai Kế hoạch năm 2022.
Ngày 29/12, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Tổng kết Ngành Nông nghiệp năm 2021 và Triển khai Kế hoạch năm 2022. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu chính Hà Nội và trực tuyến tới nhiều đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT. Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự và chỉ đạo Hội nghị.
Dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương. Dự tại đầu cầu các địa phương có Bí thư, Chủ tịch UBND một số tỉnh, thành phố và lãnh đạo ngành NN&PTNT 63 tỉnh, thành phố.
Nội dung dự kiến của hội nghị sáng xoay quanh tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành trong thời gian tới.
Năm 2021, ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; trong đó, đặc biệt là sự tác động lớn của dịch bệnh COVID-19 đến đời sống, kinh tế, xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản...
Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và địa phương; sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, các HTX, bà con nông dân và những đồng hành của các cơ quan báo chí, truyền thông đã tạo nên bước tăng trưởng vượt bậc, đạt “mục tiêu kép; vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất phát triển, phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Năm 2021, giá trị gia tăng toàn ngành tăng 2.85 - 2.9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3.18%, lâm nghiệp tăng trên 3.85%, thủy sản tăng trên 1.85%; tỷ lệ che phủ rừng 42.02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48.6 tỷ USD.
Nhiều chỉ tiêu phát triển của ngành đạt và vượt kế hoạch đề ra sản xuất lúa: Sản lượng đạt 43.86 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 89%, giá gạo xuất khẩu tăng từ 496 USD/tấn năm 2020 lên 503 USD/tấn năm 2021.
Rau, màu: Diện tích khoảng 1.12 triệu ha; sản lượng đạt 18.6 triệu tấn, tăng 325.5 nghìn tấn so với năm 2020. Cây ăn quả: Diện tích 1.18 triệu ha, tăng 44.8 nghìn ha so với năm 2020; sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng; một số cây ăn quả chủ lực sản lượng tăng từ 5 - 19%.
Chăn nuôi: Chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học. Sản lượng thịt các loại đạt 6.69 triệu tấn, tăng 3.2% so với năm 2020; sữa tươi đạt trên 1.2 triệu tấn, tăng 10.5%; trứng 17.5 tỷ quả, tăng 5.1%. Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm.
Thủy sản: Đẩy nhanh phát triển bền vững cả nuôi trồng và khai thác. Tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8.73 triệu tấn, tăng 1.0% so với năm 2020; trong đó khai thác trên 3.9 triệu tấn tăng 0.9%, nuôi trồng 4.8 triệu tấn tăng 1.1%.
Lâm nghiệp: Tiếp tục thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển rừng, trọng tâm là Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”; diện tích rừng trồng mới tập trung 278 nghìn ha và 120 triệu cây phân tán; thu dịch vụ môi trường rừng trên 3.100 tỷ đồng.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại. Đồng thời, tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt để thúc đẩy phát triển và cơ cấu lại ngành… với các giải pháp đồng bộ, đã tạo đà duy trì tốc độ tăng trưởng GDP với mức tăng 2.85%, trên hầu hết các lĩnh vực.
Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt mức cao kỷ lục trên 48.6 tỷ USD, có 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1.0 tỷ USD, trong đó có 06 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su).
Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới; nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Năm 2021, thành lập mới 1.250 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 78 Liên hiệp HTX NN, 19.100 HTX NN; thành lập mới và trở lại hoạt động 1.640 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 14.000 doanh nghiệp nông nghiệp.
Ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy cả 3 trục sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời, tạo sản phẩm đa dạng, phong phú, chất lượng.
Năm 2021 nghiệm thu và công bố, công nhận 54 giống cây trồng, vật nuôi; 80 tiến bộ kỹ thuật mới, quy trình kỹ thuật mới; ban hành, công bố 09 QCVN, 106 TCVN và lũy kế đến nay có 1.220 TCVN và 232 QCVN.
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Hết năm 2021, có 5.614 xã (68,2%) đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 17 tiêu chí/xã; có 213 đơn vị cấp huyện thuộc 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; có thêm 03 tỉnh, thành phố với 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (Thái Bình, Cần Thơ, Hải Dương), đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước hiện đại hóa, đồng bộ, nâng cao chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn cho sản xuất, đời sống dân sinh, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2021, tỷ lệ giải ngân khá, đạt 86,7%, hoàn thành 246/288 dự án triển khai trong kế hoạch trung hạn 2016 - 2020.
Thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược; trong đó chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT. Năm 2021 đã hoàn thành rà soát 443 văn bản, đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế 96 văn bản kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do tác động của dịch bệnh COVID-19.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả
Năm 2022, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với ngành nông nghiệp; là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; toàn ngành tập trung thực hiện quyết liệt cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới nhằm hướng tới xây dựng nền “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Chỉ tiêu cơ bản năm 2022 của ngành là: Tốc độ tăng trưởng VA toàn ngành 2.8 - 2.9%; Tốc độ tăng giá trị sản xuất NLTS 2.9 - 3.0%; Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS khoảng 49 tỷ USD; Tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trên 73%; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 92.5%; Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% và nâng cao chất lượng rừng.
Để đạt được những mục tiêu đề ra như trên, toàn ngành Nông nghiệp tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Hai là, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng; tăng cường quản lý tài nguyên, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng, bảo vệ tốt và nâng cao chất lượng rừng tự nhiên hiện có; đẩy mạnh thực hiện Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”. Chú trọng phát triển thủy lợi và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bốn là, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi nông nghiệp số... Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp giảm phát thải, sản xuất nguyên liệu đầu vào các ngành hàng nông nghiệp.
Năm là, tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính quản lý ngành nông nghiệp và tổ chức sự nghiệp công lập từ trung ương tới địa phương tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Làm tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.