TOP 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán: No.1 đã vượt 20 tỷ USD
Các doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường đã không còn là sân chơi độc tôn của nhóm ngân hàng như nhiều năm trước, mà đã dần đa ngành nghề hơn.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần lớn mạnh cả về chất và lượng. Các “ông lớn” đang liên tục đổi mới mình, củng cố vị thế trên thị trường.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường đã không còn là sân chơi độc tôn của nhóm ngân hàng như nhiều năm trước, mà đã dần đa ngành nghề hơn.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Doanh nghiệp Nhà nước tổ chức ngày 15/6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng mỗi ngành có một doanh nghiệp như Viettel, mỗi địa phương có một doanh nghiệp như Tổng công ty Becamex.
Với việc các doanh nghiệp trong TOP 10 vốn hóa lớn nhất đến từ nhiều nhóm ngành khác nhau, cho thấy sự phát triển tương đồng giữa nhiều doanh nghiệp lớn, không riêng gì ngành ngân hàng.
>> Vốn hóa giảm 4,5 tỷ so với thời đỉnh cao, Vinamilk bao giờ về được top đầu?
Vietcombank (VCB) đứng đầu về vốn hóa, đạt hơn 490.700 tỷ đồng, tương ứng khoảng 20,2 tỷ USD. Dù giá cổ phiếu VCB chưa thể quay lại áp mốc 100.000 đồng, dù vừa trải qua chu kỳ giảm giá, nhưng Vietcombank vẫn đang là cánh chim đầu đàn cả về vốn hóa lẫn vị thế của một “ông lớn” Big4 ngành ngân hàng.
Năm 2024, Vietcombank cũng đã trình chủ trương tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu trả cổ tức nhằm gia tăng bộ đệm vốn, sẵn sàng cho các nhiệm vụ sắp tới. Hiện tại vốn điều lệ Vietcombank đang ở mức 55.890 tỷ đồng, nếu hoàn thành kế hoạch tăng vốn thành công, vốn điều lệ ngân hàng chạm mức 77.500 tỷ đồng.
>> Lộ diện TOP 10 ngân hàng sẽ có vốn điều lệ cao nhất sau kế hoạch tăng vốn 2024
Chiếm ưu thế trong TOP 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất vẫn là ngành ngân hàng với 4 đại diện. Những cái tên còn lại là BIDV (BID), Vietinbank (CTG) và Techcombank.
Trong nhóm ngân hàng, Techcombank (TCB) đạt mức vốn hóa gần 171.000 tỷ đồng. Techcombank cũng là một trong số những ngân hàng sớm thực hiện kế hoạch tăng vốn trong năm 2024. Ngày 21/6 tới đây Techcombank sẽ chốt quyền để phát hành 3,52 tỷ cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tỷ lệ 100%. Với bước đi này, Techcombank tăng vốn lên gấp đôi, mở ra kỷ nguyên mới nhờ bộ đệm vốn vững chắc.
Đứng thứ 2 về vốn hóa là Viettel Global (VGI). Doanh nghiệp nhà Viettel mang chuông đi đánh xứ người và bắt đầu gặt hái quả ngọt. Về kết quả kinh doanh, năm 2022 Viettel Global lãi sau thuế hơn 1.500 tỷ đồng còn năm 2023 vừa qua vượt 1.600 tỷ đồng.
Viettel cũng chính thức cán và vượt mốc doanh thu tỷ USD. Cụ thể, doanh thu năm 2022 đạt 23.630 tỷ đồng và doanh thu năm 2023 đạt 28.212 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VGI liên tục phá đỉnh và vừa gia nhập đội ngũ những cổ phiếu thị giá có 3 chữ số. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/6 cổ phiếu VGI ở mức 107.900 đồng, tăng 2,76% - đánh dấu phiên tăng thứ 7 liên tiếp trong tổng số 10 phiên giao dịch gần đây nhất.
Diễn biến giá cổ phiếu VGI trong 1 năm gần đây |
>> Cổ phiếu tăng 'phi mã', vốn hóa Viettel Global (VGI) vượt BIDV trở thành top 2 sàn chứng khoán
Nhắc tới Viettel Global, “cặp đôi” hoàn hảo thường đi cùng là FPT. Duy trì và giữ mức giá trên trăm nghìn đồng từ vài tháng nay, FPT đang tạo nên những câu chuyện thú vị cả trong kinh doanh lẫn trên thị trường chứng khoán.
Về kết quả kinh doanh, năm 2023 vừa qua FPT đạt 30.376 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Mức lãi này đạt được từ mức doanh thu 60.325 tỷ đồng càng khiến FPT “có giá” trong mắt nhà đầu tư. Tổng tài sản đạt xấp xỉ 60.282 tỷ đồng.
VNDirect cho rằng, mảng bán dẫn vẫn là động lực tăng trưởng dài hạn của FPT sau cái bắt tay với Nvidia để thành lập nhà máy AI trị giá 200 triệu USD. VNDirect kỳ vọng FPT sẽ có chỗ đứng trong ngành bán dẫn toàn cầu và giành được các hợp đồng quan trọng từ các đối tác lớn từ Mỹ.
Về mặt định giá, P/E trượt hiện tại của FPT ở mức 25,2 lần, cao hơn P/E dự đoán năm 2024, với giả định CAGR 22% cho giai đoạn 2024-2025, do thị trường ưa thích câu chuyện liên quan đến chíp bán dẫn và môi trường vĩ mô tốt hơn. Do vậy, dù hiện tại FPT là một trong những cổ phiếu đắt đỏ nhất thị trường, nhưng VNDirect vẫn kỳ vọng có thể đạt mức giá mục tiêu 157.300 đồng/cổ phiếu.
>> Cơ hội cho sĩ tử: Đại học FPT tuyển 1.000 sinh viên ngành vi mạch bán dẫn, học bổng đến 100%
Hoạt động của các doanh nghiệp trên thị trường hiện nay chịu tác động sâu sắc bởi biến động của thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 được kì vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn, với nhiều dự đoán VN-Index có thể đạt 1.500 điểm. Thậm chí, lạc quan hơn, các chuyên gia của quỹ ngoại Pyn Elite còn kỳ vọng VN-Index có thể đến ngưỡng 1.700 điểm.
Những nhận định đầy kỳ vọng này cũng góp phần thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán bao gồm cải thiện hệ thống pháp lý, nâng cao tính minh bạch và chuyên nghiệp hóa thị trường, giúp thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài và nâng cao vị thế của thị trường Việt Nam.
Những yếu tố quan trọng như kết quả kinh doanh, hiệu quả kinh doanh, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS)… luôn đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp đại chúng, bên cạnh đó, mức độ hài lòng đối với hoạt động quan hệ nhà đầu tư của doanh nghiệp cũng là một trong những tiêu chí mà các doanh nghiệp hiện nay đang hướng tới.
Quay lại bảng xếp hạng, TOP3 thuộc về ACV - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam. Xét về giao dịch trên sàn chứng khoán, ACV vừa có 7 trong tổng số 10 phiên giao dịch gần đây nhất tăng điểm, thị giá quanh mức 131.200 đồng/cổ phiếu.
Với việc khai thác cảng hàng không, trong vài năm vừa qua khi ngành hàng không lao đao vì dịch Covid-19, thì ACV vẫn hân hoan báo lãi nghìn tỷ, ngoại trừ năm 2021 lãi sau thuế 790 tỷ đồng. Còn 2 năm gần đây nhất 2022, 2023 lãi lần lượt 7.237 và 8.470 tỷ đồng.
Những cái tên còn lại trong TOP 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất là Vinhomes (VHM), là GAS và Hòa Phát (HPG) - đến từ 3 nhóm ngành nghề khác nhau.
>> 23 ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ 'khủng': Tổng mức tăng thêm gần 167.000 tỷ đồng