Top 5 ngành nghề hút lao động nhất năm 2025
Thị trường lao động năm 2024 duy trì sự ổn định nhất định, song vẫn chịu tác động bởi áp lực tái cơ cấu và cắt giảm nhân sự.
Báo cáo xu hướng tuyển dụng 2025 với chủ đề "Phát triển nhân tài số thích ứng trong kỷ nguyên AI" do TopCV công bố đã mang đến bức tranh toàn cảnh về thị trường lao động trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng chi phối mạnh mẽ các ngành nghề.
Theo báo cáo, thị trường lao động năm 2024 duy trì sự ổn định nhất định, song vẫn chịu tác động bởi áp lực tái cơ cấu và cắt giảm nhân sự. Nhóm lao động Non-IT (các ngành nghề ngoài lĩnh vực công nghệ thông tin) ghi nhận 32,2% người lao động duy trì công việc ổn định và chưa có ý định thay đổi. Trong khi đó, nhóm IT – phần mềm có tỷ lệ này cao hơn với 35,66%.
Tuy nhiên, cả hai nhóm ngành đều ghi nhận tỷ lệ lao động chủ động nghỉ việc hoặc bị cắt giảm ở mức cao, lần lượt là 53,3% đối với Non-IT và 51,34% với IT – phần mềm. Điều này phản ánh rõ áp lực lớn đối với thị trường việc làm, ngay cả với ngành IT – phần mềm, vốn được xem là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, một số nhóm ngành vẫn giữ vững tính ổn định, điển hình là nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), nhân sự và giáo dục. Ngành R&D ghi nhận mức độ ổn định cao nhờ nhu cầu đổi mới, cải tiến sản phẩm trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Các doanh nghiệp ngày càng tập trung đầu tư vào đội ngũ R&D để đảm bảo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững. Ngành nhân sự, đặc biệt là các lĩnh vực đào tạo, phát triển và lương thưởng, cũng duy trì sự ổn định nhờ vai trò quan trọng trong chiến lược thu hút và giữ chân nhân tài. Trong khi đó, ngành giáo dục giữ vững vị thế ổn định bởi nhu cầu luôn tồn tại trong xã hội.
Ngược lại, ngành kinh doanh/bán hàng lại ghi nhận sự biến động cao về nhân sự do áp lực đáp ứng các tiêu chí kinh doanh số và yêu cầu công việc khắt khe. Đây cũng là ngành có tỷ lệ thay đổi lao động thường xuyên nhất. Báo cáo chỉ ra rằng ngoại ngữ và mức độ cạnh tranh cao giữa các ứng viên là hai rào cản lớn trong quá trình tìm việc. Đáng chú ý, chuyển việc không còn đồng nghĩa với việc gia tăng thu nhập, thậm chí nhiều người lao động sẵn sàng chấp nhận giảm lương để tìm kiếm công việc phù hợp hơn.
>> Ông lớn ô tô Trung Quốc sắp liên minh với Tasco đầu tư 168 triệu USD xây nhà máy tại Thái Bình
Có 5 nhóm ngành cần tuyển dụng nhân lực nhiều nhất năm 2025 |
Trong dự báo cho năm 2025, ba nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất gồm kinh doanh/bán hàng, IT – phần mềm và marketing/truyền thông/quảng cáo. Ngành kinh doanh/bán hàng dẫn đầu nhu cầu tuyển dụng với 62,5% doanh nghiệp đánh giá việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và tăng trưởng thị trường là ưu tiên hàng đầu. Nhu cầu tuyển dụng tập trung vào nhóm nhân viên có từ 2-3 năm kinh nghiệm. Ngành IT – phần mềm tiếp tục "khát nhân lực," đặc
biệt là các ứng viên có kinh nghiệm từ 2-5 năm. Dù nguồn cung ứng viên trong ngành này dồi dào, doanh nghiệp vẫn gặp thách thức về chất lượng nhân lực khi thiếu hụt những người có kỹ năng cao. Marketing/truyền thông/quảng cáo cùng các lĩnh vực chăm sóc khách hàng và nhân sự cũng được dự báo sẽ tăng trưởng nhu cầu tuyển dụng mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng AI vào các lĩnh vực kinh doanh/bán hàng, IT – phần mềm và marketing/truyền thông/quảng cáo được xem là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp trong năm 2025. AI giúp tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu quả công việc, đặc biệt trong những nhiệm vụ mang tính lặp lại hoặc có quy trình nhất quán. Ứng dụng AI được nhận định là cần thiết đối với các ngành nghề sử dụng dữ liệu và yêu cầu khả năng xử lý dữ liệu lớn.
Sự thích nghi được xem là yếu tố then chốt giúp người lao động vượt qua thách thức trong kỷ nguyên AI. Việc phát triển kỹ năng mềm như tư duy phản biện, sáng tạo và chiến lược – những yếu tố khó bị thay thế bởi AI – sẽ là chìa khóa để người lao động giữ vững lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, chủ động học hỏi và tích lũy kinh nghiệm trong các lĩnh vực ứng dụng AI sẽ giúp người lao động dễ dàng hòa nhập vào môi trường làm việc hiện đại, đồng thời nâng cao khả năng phát triển bền vững trong tương lai.
Báo cáo từ TopCV cho thấy bức tranh thị trường lao động năm 2025 vừa có những cơ hội lớn, vừa đặt ra không ít thách thức. Khả năng thích nghi nhanh chóng, đầu tư vào kỹ năng mềm và nắm bắt xu hướng công nghệ sẽ quyết định thành công của người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh kỷ nguyên AI.
Nghệ An dồn lực 'gỡ vướng' cho khu công nghiệp VSIP 730ha
Bất ngờ về nhóm hàng dẫn đầu về giá trị xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2024