Trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ có 1 thành phố trực thuộc trung ương giải ngân vốn đầu tư công trên 30%.
Theo Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ có 1 thành phố trực thuộc trung ương giải ngân vốn đầu tư công trên 30%.
Về giải ngân tổng kế hoạch vốn năm 2023, báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch vốn đã giao năm 2023 là hơn 804.420 tỷ đồng (bao gồm kế hoạch vốn kéo dài các năm trước sang năm 2023 là gần 51.543 tỷ đồng, kế hoạch vốn giao trong năm 2023 là 752.877 tỷ đồng (không bao gồm 12.887 tỷ đồng chưa giao).
Theo Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2023 là 226.159 tỷ đồng, đạt 28,11% kế hoạch.
Như vậy, số vốn giải ngân 6 tháng tăng hơn khá hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (25,68%). Trong đó, vốn trong nước giải ngân đạt 29,13% (cùng kỳ năm 2022 đạt 26,76%); vốn nước ngoài đạt 15,72% (cùng kỳ năm 2022 đạt 8,61%).
Theo báo cáo, có 9 bộ và 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30%. Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Tiền Giang (52,81%), Đồng Tháp (50,28%), Long An (48,9%), Ngân hàng phát triển (100%), Ngân hàng nhà nước (47,08%).
Trong 5 thành phố trực thuộc TW, Hải Phòng giải ngân vốn đầu tư công cao nhất, đạt khoảng 31,23% so với tổng kế hoạch. Cùng với đó, Cần Thơ, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt lần lượt là 29,37%; 27,38%; 22,14%; 13,97% so với tổng kế hoạch.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 39 bộ, cơ quan trung ương và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó có 37 bộ, cơ quan trung ương và 3 địa phương chỉ giải ngân được dưới 15% kế hoạch vốn.
Theo báo cáo từ UBND thành phố Hải Phòng, tính đến hết tháng 6/2023, toàn thành phố giải ngân được 7.288 tỷ đồng, đạt 59,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 35% tổng kế hoạch vốn. Các dự án của 4 ban quản lý trên địa bàn thành phố đều có tỷ lệ giải ngân cao, dẫn đầu là Ban Quản lý dự án phát triển đô thị và đầu tư xây dựng công trình dân dụng hiện đang có tỷ lệ giải ngân đạt 57% kế hoạch vốn được giao.
Những tháng đầu năm 2023, Hải Phòng tiếp tục trong top các địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Vốn đầu tư khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước 6 tháng/2023 đạt trên 1,8 tỷ USD, bằng 164,8% so với cùng kỳ năm 2022 (6 tháng năm 2022 là gần 1,1 tỷ USD). Trong đó, cấp mới 37 dự án đầu tư với số vốn cấp mới là 315,2 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn đầu tư 25 dự án với số vốn đầu tư tăng thêm hơn 1,492 tỷ USD; thu hút thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp là 8 lượt với số vốn đầu tư đăng ký 4,09 triệu USD).
Một số dự án lớn hút đầu tư tại Hải Phòng như: Tập đoàn LG Innotek đã chi hơn 2 tỷ USD cho dự án chuyên sản xuất các loại linh kiện điện tử cho ngành công nghiệp ô tô, di động, modulle camera điện thoại; CTCP Vinhomes đầu tư hơn 23.000 tỷ cho dự án xây dựng khu đô thị mới... Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng đang triển khai gần 140 dự án FDI trong đó có 16 dự án khu công nghiệp, 9 dự án logistics, 52 dự án phát triển đô thị.
Ngoài ra, Hải Phòng thực hiện đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 theo yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị đánh giá giữa kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn thành phố giai đoạn 2021-2025 theo quy định pháp luật về đầu tư công.