TP. HCM sắp có công viên 6.400 tỷ rộng gấp 7,5 lần Thảo Cầm Viên tại vùng đầm lầy giữa lòng thành phố
Trong công viên này, phần lớn sẽ là vùng sinh thái ngập nước, chỉ dùng 3 lô đất để xây dựng các công trình du lịch, tham quan và nghiên cứu thực vật.
Giữa lòng bán đảo Thủ Thiêm - trung tâm tài chính kinh tế của TP. Hồ Chí Minh trong tương lai, dự án khu lâm viên sinh thái có quy mô lên tới 128ha đang được quy hoạch để xây dựng. Với diện tích này, đây sẽ là công viên rộng thứ 3 thành phố (sau Công viên Sài Gòn Safari rộng 485ha và Công viên quận 12 rộng 150ha) và rộng gấp 7,5 lần Thảo Cầm Viên.
Đây là một trong các công viên sẽ được Ban Hạ tầng đô thị TP. Hồ Chí Minh lập và trình chủ trương trong giai đoạn 2024-2030 theo quyết định 117 về kế hoạch phát triển công viên cây xanh trên địa bàn thành phố. Dự án công viên có tổng mức đầu tư lên tới 6.400 tỷ đồng.
Khu Lâm viên nằm bên bờ sông Sài Gòn, thuộc khu vực bán đảo Thủ Thiêm, ngay cạnh quận 1. Khu vực này chủ yếu là rừng ngập nước, đầm lầy, với hệ sinh thái được tạo thành bởi các loại cây bụi rậm, dừa nước, lau sậy.
Theo quy hoạch phân khu, khu lâm viên sinh thái có diện tích khoảng 128ha thuộc vùng châu thổ phía Nam bán đảo Thủ Thiêm, nằm trong khu chức năng số 8 của khu đô thị Thủ Thiêm. 7 khu chức năng còn lại sẽ là những khu đất để phát triển đô thị.
>> Công viên tâm linh lớn nhất Việt Nam: Nhà cho người cõi âm có giá ngang ngửa cả căn chung cư
Công viên chạy dọc bờ sông, cây xanh chiếm đến 75% tổng diện tích đất. Trong khu lâm viên, phần lớn sẽ là vùng sinh thái ngập nước, chỉ dùng 3 lô đất để xây dựng các công trình du lịch, tham quan và nghiên cứu thực vật.
Không chỉ đơn giản là một công viên, nó còn là một công trình đặc thù của trung tâm thành phố với chức năng chính là bảo vệ môi trường, giữ gìn hệ sinh thái tự nhiên kết hợp với khu giải trí, nghỉ ngơi dành cho cư dân. Sự cộng hưởng giữa gió, khí và nước tạo bầu không khí yên bình, không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn giúp tinh thần phấn chấn, tái tạo sức lao động.
Bên cạnh đó cũng bố trí khu dã ngoại, khu cắm trại, các sân chơi thể thao và không quên xây dựng hệ thống đường bộ, đường xe đạp quanh khu vực.
Hầu hết các diện tích của khu lâm viên sẽ trồng đước và các loại thực vật phát triển tự nhiên khác. Kết hợp với đó là các tuyến giao thông đường thủy được nạo vét từ các luồng lạch hiện hữu. Mỗi khi đến đợt triều cường, nước từ sông Sài Gòn đổ vào hệ thống kênh đào này, sau đó sẽ được lọc và đổ ngược lại hệ thống giao thông đường thủy của khu lâm viên sinh thái.
Đến nay, nhiều loài thực vật đã phát triển tốt và nhiều loại động vật hoang dã đã về đây sinh sống. Đây được xem là tín hiệu rất tốt để hình thành một khu lâm viên rừng ngập nước ngay tại trung tâm TP. Hồ Chí Minh.