Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM trong nửa nhiệm kỳ còn lại được Chủ tịch UBND TP.HCM nêu tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ của Đảng bộ TP.HCM.
Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, kinh tế TP.HCM có lúc đạt được tăng trưởng 2 con số, cao gấp 1,5 - 1,6 lần so với bình quân chung của cả nước nhưng đã suy giảm dần trong 10 năm qua, đã “chạm đáy” trong quý I/2023.
Qua phân tích, đánh giá, thời điểm quý I/2023 bộc lộ rõ nhất những tồn tại tích tụ trong nhiều năm do cơ chế kinh tế chậm được tái cơ cấu, thể chế quản lý đô thị còn bất cập. Do đó, ông đề nghị cần phải tập trung, phân tích làm rõ trong thời gian tới, đó là đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý đô thị, đặc biệt khi TP.HCM có quy mô dân số trên 10 triệu dân.
“Việc triển khai chậm và thiếu đồng bộ những công trình, dự án hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển không gian và hạ tầng đô thị, không những chưa mang lại nhiều hiệu quả, mà trong nhiều trường hợp còn tích tụ thêm khó khăn", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận.
Theo người đứng đầu chính quyền TP.HCM, dù vị trí vai trò đầu tàu của TP.HCM đang trên xu hướng giảm dần, nhưng một số tiền đề như các nghị quyết của Đảng, các cơ chế chính sách của Trung ương đến những nỗ lực của Thành phố, nên dự báo kinh tế TP.HCM có khả năng phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đã báo cáo 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm đến cuối nhiệm kỳ. Đó là, tập trung quy hoạch kinh tế - xã hội, rà soát điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM tạo không gian phát triển mới (nhất là không gian ngầm, không gian sông - biển).
Song song với đó, là tái cấu trúc kinh tế Thành phố với định vị trở thành Trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại quốc tế, trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, trung tâm khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo... gắn với định vị lại chiến lược công nghiệp và không gian phát triển công nghiệp của Thành phố theo hướng công nghệ cao và tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.
Trong đó, TP.HCM sẽ chuyển đổi chức năng các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện hữu theo hướng phát triển công nghệ cao, công nghệ sáng tạo. Đồng thời, Thành phố sẽ tập trung chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; nghiên cứu phát triển các mô hình kinh tế đêm, kinh tế ven sông - hướng biển.
TP.HCM cũng tập trung phát triển văn hóa trở thành trụ cột quan trọng của phát triển bền vững. Triển khai chiến lược phát triển văn hóa, xây dựng gia đình, gắn từng bước hoàn thiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh; phấn đấu giải quyết 100% nhu cầu nhà ở cho người có công.
Bên cạnh đó, TP.HCM triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo trong Nghị quyết 98 của Quốc hội; phấn đấu đạt chỉ tiêu đầu tư của xã hội cho khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo đạt 1% GRDP.
Một nhiệm vụ trọng tâm là TP.HCM huy động các nguồn lực xã hội thông qua triển khai Nghị quyết 98, các cơ chế chính sách thí điểm, đặc thù, vượt trội phát triển TP.HCM; tập trung nguồn lực để chỉnh trang, phát triển đô thị, phát triển y tế, giáo dục, an sinh xã hội...
Đặc biệt, TP.HCM sẽ tập trung giải quyết tồn đọng, kiến tạo tâm thế hành động. Trong đó, thành phố cần ưu tiên tập trung nguồn lực để xử lý hiệu quả những dự án đang trì trệ nhiều năm như: dự án chống ngập, dự án khu đô thị Thủ Thiêm, dự án Safari (Củ Chi), khu Bình Quới - Thanh Đa... Xây dựng phương án rà soát toàn bộ quỹ đất do nhà nước quản lý để khai thác, sử dụng hiệu quả.
Trước đó, báo cáo đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng bộ TP.HCM, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, kinh tế Thành phố gặp nhiều khó khăn, thách thức từ dịch COVID-19 và những tác động tiêu cực, từ những bất ổn về kinh tế, chính trị thế giới.
Tuy nhiên, đến nay Thành phố đã thực hiện hiệu quả các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân dương; duy trì tỉ trọng lĩnh vực dịch vụ cao trong GRDP.
“Dù đạt nhiều kết quả quan trọng, nhìn chung Thành phố vẫn còn những mặt tồn tại, hạn chế như tăng trưởng kinh tế suy giảm sâu, thị trường bất động sản, thị trường tài chính, hệ thống doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện một số chương trình, đề án còn chậm”, Phó bí thư Thành ủy Nguyễn Hồ Hải đánh giá.
Giá căn hộ TPHCM tăng cao, nhu cầu nhà vừa túi tiền dịch chuyển ra tỉnh lân cận
Thông tin chi tiết về việc sáp nhập các phường ở TP. HCM từ 1/1/2025