TP Hồ Chí Minh: Bệnh đau mắt đỏ lây lan nhanh, tăng cường phòng bệnh trong cộng đồng
Trong những tuần gần đây, số người đến khám vì đau mắt đỏ tại các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh gia tăng nhanh chóng. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tác nhân chính gây bùng phát dịch đau mắt đỏ hiện nay là Coxsackievirus A24.
Con đau mắt đỏ, cả nhà bị lây
Gia đình chị Trần Thị Hiền (ngụ tại thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) có 4 người, thì hiện 3 người đau mắt đỏ, gồm chồng và hai con. Chị Hiền cho biết, trường con chị có rất nhiều học sinh bị đau mắt đỏ. Riêng trong lớp, cô giáo thông báo có 8 bạn bị đau mắt đỏ. Vào sáng thứ 3, đang chuẩn bị chở con tới trường thì chị phát hiện mắt con gái bị sưng nhẹ, đỏ và có rỉ mắt. Chị chở con đi khám thì bác sĩ chẩn đoán con bị đau mắt đỏ.
“Mặc dù đã dùng thuốc nhỏ mắt, cho bé lớn ăn riêng, dùng các vật dụng riêng, nhưng các thành viên khác trong gia đình cũng lần lượt bị lây bệnh đau mắt đỏ. Đến nay, nhà đã có 3 người bị. Không ngờ bệnh này lây nhanh quá. Bé nhỏ đang học lớp mầm bị đau mắt cứ quấy khóc, sốt nhẹ, nên tôi phải xin nghỉ làm ở nhà để trông bé”, chị Hiền nói.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Tuấn (ngụ Quận 12) cho biết, cả hai con trai của anh bị đau mắt đỏ sau khi đi học, sau đó cả nhà 4 người cũng lần lượt bị lây. Tuy nhiên, may mắn cả nhà đều bị nhẹ, tầm 3 - 4 ngày là hết bệnh. Ở khu vực anh ở, nhà nào có con đi học cũng đều bị bệnh đau mắt đỏ.
Còn chị Nguyễn Thị Hồng (thành phố Thủ Đức) có con đang học lớp nhà trẻ lo lắng nói: “Trong trường con tôi rất nhiều bé bị bệnh đau mắt đỏ, nên tôi cũng lo lắm. Để phòng bệnh cho con, đón con về tới nhà là tôi phải nhỏ nước muối, rửa tay sát khuẩn sạch sẽ. Chồng tôi đi công tác xa, nhà có hai mẹ con, giờ bé mà bị đau mắt đỏ phải nghỉ học thì không có ai ở nhà trông bé. Công việc của tôi đang vào mùa cao điểm, nên khó có thể xin nghỉ ở nhà được”.
Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, trong những ngày gần đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 200 lượt trẻ đến khám vì đau mắt đỏ, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Bệnh viện Mắt TP Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày cũng có khoảng 80 - 90 người bị đau mắt đỏ đến khám. Còn tại chuyên khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, người bệnh bị đau mắt đỏ chiếm hơn 50% tổng số bệnh nhân đến khám mắt.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, chuyên khoa Mắt, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh đau mắt đỏ lây qua đường hô hấp và dịch tiết. Bệnh đau mắt đỏ có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng trẻ em, người trưởng thành, người già. Đặc biệt, người nhạy cảm với thời tiết, người đang mệt mỏi, hệ thống miễn dịch yếu dễ bị virus tấn công hơn. Bệnh xảy ra quanh năm, lây lan nhanh và bùng thành dịch từ mùa Hè đến cuối mùa Thu.
“Gần đây thời tiết chuyển từ nắng nóng qua mưa rất nhanh nên làm độ ẩm không khí cao, kèm theo môi trường nhiều khói bụi, nguồn nước bị ô nhiễm tạo điều kiện thuật lợi cho virus, vi khuẩn phát triển và bùng thành dịch. Môi trường công sở, lớp học, công cộng là những nơi dễ lây lan nhanh và nhiều”, bác sĩ Tùng cho biết thêm.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, số lượt người bị đau mắt đỏ tăng nhanh từ sau ngày 5/9 và chủ yếu là trẻ em do trẻ bắt đầu đi học trở lại. Theo thống kê, từ ngày 1/9 - 10/9, số lượt khám, chữa bệnh đau mắt đỏ tại các bệnh viện TP Hồ Chí Minh trên 5.000 ca, tăng 96,5% so với 10 ngày trước đó (từ ngày 21 - 31/8). Trong số đó, có 232 ca có biến chứng (4,6%), tăng 33% so với 10 ngày trước đó (174 ca).
Tăng cường các biện pháp phòng dịch
Đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, kết quả giải trình tự gen xác định tác nhân chính gây ra viêm kết mạc mắt trong đợt bùng phát đau mắt đỏ hiện nay tại TP Hồ Chí Minh chủ yếu là do Coxsackievirus A24 gây ra, ngoài ra còn do human Adenovirus 54 và 37 gây ra.
Được biết, trong quá khứ, Coxsackie A24 và EV70 đã gây các trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại nhiều nơi trên thế giới. Trận dịch đầu tiên được báo cáo vào năm 1969 tại Ghana. Từ đó ghi nhận dịch viêm kết mạc xuất huyết đã xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới.
Tại châu Á, Coxsackie A24 ghi nhận lần đầu tại Singapore vào năm 1970, sau đó xuất hiện thành các trận dịch tại các nước khác. Trong trận dịch viêm kết mạc xuất huyết tại Okinawa (Nhật Bản) năm 2011 biến thể Coxsackievirus A24 là tác nhân chính, trong đó có 25,4% trường hợp có xuất huyết dưới kết mạc, 10,3% có viêm giác mạc chấm nông và 7,8% có nổi hạch sau tai.
Trước tình hình dịch đau mắt đỏ gia tăng tại các trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi các cơ sở giáo dục chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh. Theo đó, khi phát hiện học sinh có các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, có ghèn dính mí khó mở mắt, nổi hạch trước tai hoặc dưới hàm cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở khám chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời; không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ có chỉ định cho trẻ nghỉ học để tránh lây lan; đồng thời thông báo kết quả khám bệnh cho giáo viên chủ nhiệm được biết. Trong trường hợp phát hiện ca bệnh đau mắt đỏ trong lớp học, cần sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế của học sinh. Bên cạnh đó, thông báo thông tin ca bệnh cho trạm y tế để phối hợp xử lý.
Cô Kim Trang, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phạm Đình Chính (thành phố Thủ Đức) cho biết, tính đến nay, trong trường đã có 51 học sinh bị đau mắt đỏ nằm rải rác ở các lớp học. “Để phòng, chống dịch đau mắt đỏ và các dịch bệnh khác, nhà trường đã tăng cường công tác khử khuẩn, vệ sinh hàng ngày. Đặc biệt, đối với những lớp có giáo viên và học sinh bị đau mắt đỏ, nhà trường cho lau bằng nước Javen gấp 10 lần. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã gửi thông báo đến các phụ huynh khi học sinh bị đau mắt đỏ thì cho nghỉ học ở nhà đến khi khỏi bệnh và báo cho giáo viên chủ nhiệm biết. Khi đi học trở lại, học sinh sẽ được giáo viên chủ nhiệm bù lại bài học vì thời gian nghỉ học của các em không nhiều”, cô Kim Trang cho biết.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trước tình hình dịch bệnh đau mắt đỏ lan rộng trên địa bàn thành phố, Sở Y tế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, tăng cường truyền thông hướng dẫn người dân, giáo viên, phụ huynh học sinh về các dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ; khuyến cáo phòng ngừa lây lan, phân biệt với các bệnh lý về mắt khác, hướng dẫn chăm sóc tại nhà với các trường hợp nhẹ và dấu hiệu chuyển nặng cần nhập viện.
Bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng cho biết, bệnh đau mắt đỏ có các các triệu chứng như: ngứa mắt, cộm như có hạt bụi trong mắt, mắt đỏ, mắt tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt sống, mi mắt sưng nề, đau nhức. Bệnh có thể kèm theo các triệu chứng khác như: mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, ho, nổi hạch sau tai… Nếu điều trị không đúng cách hoặc chậm trễ có thể gây ra biến chứng viêm giác mạc, loét giác mạc, mù lòa.
Để phòng bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Tùng khuyến cáo người dân thực hiện các cách sau: luôn vệ sinh tay bằng xà phòng, nhỏ nước muối sinh lý để rửa mắt, mang kính khi đi ra ngoài để hạn chế gió và bụi bẩn, không tiếp xúc quá gần hay sử dụng chung vật dụng cá nhân với người đang mắc bệnh, hạn chế tới nơi đông người. Người sau khi khỏi bệnh cần sát khuẩn kính mắt, giặt sạch chăn gối, khăn mặt để tránh tái nhiễm. Khi nhận thấy các triệu chứng bất thường ở mắt, người dân nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời, phòng tránh biến chứng.
Bên cạnh đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid. Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid không những không có tác dụng mà còn làm tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian bệnh và lây lan của bệnh, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Những người nào nên hạn chế ăn hải sản?
Bất ngờ loài hoa vừa đẹp lại là vị "vương dược" bổ gan, trị đau nhức cơ, chữa cả đau mắt đỏ