TPHCM muốn giới hạn mua bán đất nông nghiệp
Đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối ở TPHCM sẽ không quá 45 ha đối với tất cả các xã, phường, thị trấn. Đất trồng cây lâu năm không quá 150 ha đối với tất cả các xã, phường, thị trấn. Đất rừng sản xuất là rừng trồng không quá 450 ha đối với tất cả các xã, phường, thị trấn.
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM vừa trình UBND TPHCM quy định về hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của cá nhân trên địa bàn.
Theo đó, đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối của mỗi cá nhân để sử dụng vào mục đích đất nông nghiệp được quy định hạn mức cụ thể.
Trong đó, đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối không quá 45 ha đối với tất cả các xã, phường, thị trấn.
Đất trồng cây lâu năm không quá 150 ha đối với tất cả các xã, phường, thị trấn. Đất rừng sản xuất là rừng trồng không quá 450 ha đối với tất cả các xã, phường, thị trấn.
Trường hợp cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp bao gồm nhiều loại đất (đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối) thì hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân đó được xác định theo từng loại đất trên.
Hạn mức trên không quy định đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đất chăn nuôi tập trung, đất nông nghiệp khác theo quy định của pháp luật đất đai.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, diện tích đất nông nghiệp ở TPHCM chưa được khai thác hiệu quả. Vì vậy để phát huy tối đa nguồn lực đất đai, TPHCM tiếp tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo cơ chế đặc thù, phát triển các huyện thành quận, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội.
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa bị "treo" 32 năm qua - nơi có hàng trăm hecta đất nông nghiệp. |
Đối với 5 huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ, TPHCM có chủ trương phát triển tạo tiền đề cần thiết để chuyển đổi mục đích sử dụng đất hiệu quả hơn theo cơ chế đặc thù từ Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Theo báo cáo năm 2023 của UBND TPHCM về kết quả thống kê đất đai, TPHCM có đất trồng cây hằng năm là hơn 32.442 ha, đất nuôi trồng thủy sản là hơn 9.400 ha, đất làm muối là hơn 2.246 ha, đất trồng cây lâu năm là hơn 31.522 ha, đất rừng phòng hộ là hơn 34.857 ha, đất rừng sản xuất là rừng trồng là 751,7 ha.
Theo chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại TPHCM thì đất nông nghiệp đến năm 2025 là 102.191 ha, dự kiến đưa vào sử dụng là hơn 9.683 ha. Đến năm 2030 là 89.612 ha, dự kiến đưa vào sử dụng là hơn 22.262 ha.
Đất chưa sử dụng đến năm 2025 là 598 ha, dự kiến đưa vào sử dụng là 433 ha. Đến năm 2030 là 309 ha, dự kiến đưa vào sử dụng là 722 ha.
Hồi cuối tháng 9, UBND TPHCM đã ban hành quyết định số 69/2024, quy định về hạn mức giao đất ở cho cá nhân trên địa bàn.
Quyết định này quy định hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại nông thôn và đô thị trên địa bàn TPHCM, theo khoản 2 Điều 195 và khoản 2 Điều 196 Luật Đất đai 2024.
Theo đó, các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và TP. Thủ Đức không quá 160m2/hộ.
Thị trấn các huyện và khu vực đã thực hiện dự án xây dựng đô thị mới theo quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn tại các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ có hạn mức không quá 200 m2/cá nhân.
Các xã của các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ sẽ không quá 250 m2/cá nhân. Hạn mức này giảm từ 300 m2 xuống 250 m2 so với quyết định 18/2016.
Quyết định này thay thế quyết định số 18/2016.
>> Số phận của đất nông nghiệp sau khi 'hết hạn sử dụng' sẽ ra sao?
Nhà xưởng ‘nhảy dù’ xuống đất nông nghiệp ở Thái Bình: Thanh tra kết luận hàng loạt vi phạm
Lâm Đồng ra quy định mới, đất nông nghiệp sau tách thửa phải tiếp giáp đường đi