Kết thúc quý III/2021, nhiều công ty phân bón trên sàn đã vượt xa kế hoạch lợi nhuận năm nhờ cơn bão giá phân bón cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ khi nguồn cung bị giới hạn. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ xảy ra.
Theo ghi nhận trời gian qua, giá phân bón tăng chóng mặt trên thị trường quốc tế, tạo nên một cuộc khủng hoảng cho ngành nông nghiệp. Tại Việt Nam, giá phân urê, kali, DAP tiếp tục lập đỉnh mới, dự báo một đợt bão giá phân bón đang đến rất gần.
Với việc giá phân bón liên tục tăng nóng, báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2021 vừa công bố của nhiều doanh nghiệp phân bón trong nước cho thấy mức lợi nhuận cao gấp nhiều lần cùng kỳ các năm trước, bất chấp những diễn biến căng thẳng của dịch COVID-19.
Đặt kế hoạch kinh doanh ở mức thận trọng, hai ông lớn đầu ngành là Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) đều đã vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm.
Với Đạm Phú Mỹ, biên lãi gộp quý III tiếp tục lập đỉnh mới lên 36,9% - cải thiện so với 22,1% quý III năm ngoái. Công ty báo lãi sau thuế 630 tỷ đồng - gấp 3,4 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, Đạm Phú Mỹ đã thực hiện gần 94% kế hoạch doanh thu và đã vượt hơn ba lần mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm.
Tương tự, Đạm Cà Mau, doanh nghiệp phân bón với sản phẩm chính là phân urê ghi nhận thành quả lợi nhuận quý cao kỷ lục kể từ khi cổ phần hóa (năm 2015) với 374 tỷ đồng nhờ giá bán ure tăng 64% trong khi tình hình tiêu thụ thấp hơn cùng kỳ do giãn cách xã hội. Biên lãi gộp của công ty thay tăng vọt từ 12,3% cùng kỳ lên 30,7%.
Lũy kế 9 tháng, Đạm Cà Mau đã vượt gấp hơn 4 lần chỉ tiêu lợi nhuận đề ra và đạt gần 81% kế hoạch doanh thu năm.
Một công ty báo lãi tăng mạnh trong quý là CTCP Phân bón Miền Nam (SFG) - đơn vị thuộc họ Vinachem khi đã chuyển từ trạng thái lỗ thuần 840 triệu đồng sang có lãi hơn 6,3 tỷ đồng. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Phân bón Miền Nam gấp hơn 19 lần cùng kỳ lên 5,8 tỷ đồng qua đó vượt 3,5 lần mục tiêu đề ra của cả năm sau 9 tháng.
Với CTCP DAP - Vinachem (DDV) - một doanh nghiệp khác thuộc họ Vinachem, công ty này cũng báo doanh thu và lợi nhuận quý III cao hơn nhiều cùng kỳ. Đặc biệt từ trạng thái lỗ gần 7 tỷ đồng cùng kỳ, DAP - Vinachem đã lãi trước thuế hơn 68 tỷ đồng quý này.
Cũng như các công ty trong ngành, lợi nhuận trước thuế của DAP - Vinachem vượt 134% mục tiêu lợi nhuận năm sau 9 tháng.
Tương tự, một doanh nghiệp nhiều năm thua lỗ như CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (DHB) cũng ghi nhận mức lãi sau thuế quý III xấp xỉ 118 tỷ đồng trong khi cùng năm 2020 lỗ tới gần 385 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, CTCP Super phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS) - doanh nghiệp chuyên kinh doanh phân NPK công bố doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút so với cùng kỳ trong đó doanh thu thuần đạt hơn 354 tỷ đồng - giảm 12,1%; lợi nhuận sau thuế đạt xấp xỉ 6 tỷ đồng - giảm khoảng 2% so với quý III năm ngoái.
Tuy nhiên nhờ kết quả tích cực của hai quý trước, LAS từ lỗ hơn 4 tỷ đồng sang lãi sau thuế 58,5 tỷ đồng lũy kế 9 tháng đầu năm.
Một đơn vị khác là Phân bón Bình Điền (BFC) cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III với doanh thu 1.791 tỷ đồng - tăng 28%. Giá vốn tăng mạnh hơn nên lợi nhuận gộp giảm 25% đạt 175 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ 17% xuống 10%.
Doanh thu tài chính gấp đôi lên gần 3 tỷ đồng, chi phí hoạt động này tăng nhẹ 3% lên 24 tỷ đồng; các chi phí hoạt động lại giảm so với cùng kỳ. Kết quả, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 22% về xấp xỉ 26 tỷ đồng.
Bình Điền kinh doanh chủ yếu mặt hàng phân bón hỗn hợp NPK thương hiệu Đầu Trâu. Như vậy, khác với các doanh nghiệp cùng ngành khác như Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau báo lãi lớn trong quý III nhờ giá phân đạm tăng mạnh, Bình Điền báo lãi giảm khi giá vốn tăng mạnh.
Đơn vị: tỷ đồng
Lũy kế 9 tháng, doanh thu Phân bón Bình Điền tăng 49% lên 5.872 tỷ đồng trong đó doanh thu nội địa đạt 4.994 tỷ đồng - tăng 51%; doanh thu xuất khẩu đạt 878 tỷ đồng - tăng 37%. Xét đến lợi nhuận gộp, khu vực nội địa ghi nhận mức tăng trưởng 20%, còn xuất khẩu giảm 16%.
Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận trước thuế tăng 55% lên 230 tỷ đồng, phần lãi sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt gần 139 tỷ đồng - tăng 49%. So với kế hoạch năm, đơn vị vượt lần lượt 3% và 38% chỉ tiêu về doanh thu và lợi nhuận.
Cổ phiếu phân bón bứt phá mạnh
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu nhóm phân bón đã bứt phá suốt nhiều tháng liền khi giá bán phân bón tăng cao, nhiều mã leo lên vùng đỉnh giao dịch lịch sử trong đó đáng kể có DPM và DCM của hai ông lớn đầu ngành. Cổ phiếu DPM của Đạm Phú Mỹ đã tăng 350% từ khi COVID-19 lần thứ nhất bùng phát hồi tháng 3/2020 và tăng 130% kể từ tháng 7/2021.
Tương tự, DCM của Đạm Cà Mau cũng tăng khoảng 350% từ mức đáy hồi tháng 3/2020 và cũng tăng hơn 90% từ tháng 7 đến nay.
Đạm Cà Mau (DCM) hé lộ kết quả kinh doanh năm 2024, lên 5 kế hoạch cho năm tới
Nước đi mới của Đạm Cà Mau (DCM) sau động thái thúc đẩy ngành phân bón của Chính phủ