Ngành phân bón thoát ‘vòng kim cô’ VAT sau 1 thập kỷ oằn vai gánh chi phí, cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại
Sau 1 thập kỷ “thiệt đơn, thiệt kép” vì được xếp vào diện không chịu thuế VAT, ngành phân bón Việt Nam chính thức bước sang trang mới từ ngày 1/7/2025 – khi Luật sửa đổi cho phép áp thuế 5% trở lại.
Hơn 1 thập kỷ “thiệt đơn, thiệt kép” vì được miễn thuế
Luật Thuế GTGT sửa đổi 71/2014/QH13 có hiệu lực chính thức từ ngày 1/1/2015, đưa phân bón ra khỏi đối tượng chịu thuế VAT nhằm hỗ trợ trực tiếp cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, giúp giảm giá bán và kích thích sản xuất nông nghiệp.
Việc từ chỗ thuộc diện áp dụng thuế GTGT thuế suất 5% chuyển sang đối tượng không chịu thuế GTGT, nghe qua tưởng như sẽ có lợi cho doanh nghiệp và nông dân, nhưng thực ra không hẳn.
Trước năm 2015, sản xuất phân bón chịu thuế đầu vào chủ yếu là 10%, thuế đầu ra 5%; tuy nhiên, thuế đầu vào được khấu trừ và thậm chí hoàn thuế nếu mức thuế này cao hơn thuế đầu ra. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định mới, doanh nghiệp không được khấu trừ thuế đầu vào mà phải hạch toán vào chi phí. Điều này khiến cho chi phí sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón có khả năng tăng lên đáng kể, kéo theo giá bán cuối cùng cho nông dân.
Giá thành tăng mà giá bán giữ nguyên thì doanh nghiệp chịu thiệt, còn nếu muốn giữ nguyên lợi nhuận thì doanh nghiệp phải tăng giá bán và người chịu thiệt là nông dân. Nếu chia sẻ thì cả 2 cùng chịu thiệt, mỗi bên một ít. Chỉ hàng nhập khẩu là được lợi.
![]() |
Các doanh nghiệp phân bón Việt Nam mất hàng trăm tỷ đồng mỗi năm vì gánh khoản thuế VAT (Ảnh minh họa) |
Mặt khác, do chi phí tăng cao, các nhà đầu tư sẽ ngần ngại khi đầu tư sản xuất phân bón trong nước, đặc biệt là các dự án có công nghệ cao do không được hoàn thuế GTGT cho nhà xưởng, thiết bị, nguyên liệu vật tư. Điều này dẫn tới tình trạng ngành sản xuất phân bón trong nước mất động lực phát triển do sản phẩm trở nên kém cạnh tranh so với hàng nhập khẩu và có nguy cơ bị hàng nhập khẩu đánh bại ngay trên sân nhà.
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Tài chính, số thuế GTGT không được khấu trừ tính vào chi phí của doanh nghiệp phân bón theo Luật Thuế 71 từ năm 2015 đến đầu năm 2024 đã lên tới hơn 10.000 tỷ đồng.
Còn thống kê của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) từ năm 2020 về trước cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất phân bón của Vinachem (bao gồm các doanh nghiệp sản xuất urê, DAP, supe lân, lân nung chảy, NPK) không được khấu trừ khoảng 400–650 tỷ đồng mỗi năm. 2 doanh nghiệp sản xuất phân bón của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là Phân bón Phú Mỹ (DPM) và Phân bón Cà Mau (DCM) từ 500–650 tỷ đồng mỗi năm.
Chính phủ vào cuộc tháo gỡ “nút thắt” VAT cho ngành phân bón
Ngày 26/11/2024, Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), quy định thuế suất thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp và tàu khai thác thủy sản. Luật Thuế GTGT (sửa đổi) bao gồm 4 chương, 17 điều và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
![]() |
Quốc hội nghe báo cáo giải trình trước khi bấm nút Luật VAT sửa đổi (Ảnh: Báo Chính phủ) |
SSI Research nhận định, các doanh nghiệp phân bón nội địa sẽ có cơ hội cạnh tranh hơn so với phân bón nhập khẩu, từ đó hỗ trợ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ. Giá của phân bón nhập khẩu hiện đang thấp hơn 3–5% so với phân bón nội địa.
Trong trường hợp cạnh tranh gay gắt với phân bón nhập khẩu như trong giai đoạn 2015–2019, các doanh nghiệp sản xuất phân bón nội địa, sau khi được hoàn thuế giá trị gia tăng trên chi phí sản xuất, sẽ có thể chọn giảm giá bán trước khi cộng thêm thuế giá trị gia tăng, từ đó thu hẹp khoảng cách giá 3–5% so với hàng nhập khẩu và khuyến khích người nông dân sử dụng phân bón nội địa.
Ngoài ra, các doanh nghiệp sản xuất phân bón còn có thể yêu cầu hoàn thuế giá trị gia tăng trên chi phí sản xuất. Điều này chủ yếu sẽ mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất urê và DAP (phân vô cơ hỗn hợp và có giá thành khá cao) vì những doanh nghiệp này sản xuất phân bón từ nguyên liệu tự nhiên (khí đốt tự nhiên, than, quặng phốt phát). SSI Research dự báo DPM và DCM sẽ là các cổ phiếu được hưởng lợi từ sự thay đổi này.
Ngành phân bón và "ánh sáng" sau màn sương thuế phí
Ngành phân bón Việt Nam đang có những bước tiến vượt bậc. Năm 2024, giá trị thị trường ước đạt 3,44 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng trung bình (CAGR) 3,38%/năm, dự báo sẽ đạt 4,2 tỷ USD vào năm 2030.
Động lực chính đến từ nhu cầu ngày càng lớn về lương thực khi dân số thế giới dự kiến vượt 10 tỷ người vào năm 2050. Điều này thúc đẩy tăng trưởng ngành phân bón toàn cầu, đặc biệt là các loại phân như urê và NPK, vốn ghi nhận mức tăng sản lượng lần lượt 8% và 13,3% trong năm 2024.
Dù có triển vọng tích cực, ngành phân bón vẫn đối mặt với không ít thách thức. Theo ông Lê Ngọc Hiển – Chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường phân bón Việt Nam trong nửa cuối năm 2025 đang đồng thời chịu tác động từ 2 yếu tố chính.
Một là những biến động địa chính trị làm thay đổi cục diện giá nguyên liệu toàn cầu. Hai là chính sách thuế giá trị gia tăng mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7. Sự giao thoa của 2 yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm mà còn tạo ra mức độ hưởng lợi khác nhau giữa các nhóm doanh nghiệp trong ngành, từ đó đặt ra những kỳ vọng trái chiều cho từng mã cổ phiếu.
Trong khi tác động từ thuế chủ yếu ảnh hưởng đến chi phí và biên lợi nhuận, thì giá bán phân bón lại biến động mạnh do ảnh hưởng từ tình hình địa chính trị, đặc biệt là chiến sự và giá nguyên liệu đầu vào. Chuyên gia từ VDSC chỉ ra rằng, nhóm phân urê tiếp tục là dòng sản phẩm hưởng lợi nhiều nhất khi giá khí – yếu tố đầu vào chiếm tới 60% chi phí – có sự liên thông trực tiếp với giá dầu. Khi giá khí tăng mạnh do ảnh hưởng từ xung đột, giá urê ngay lập tức điều chỉnh tăng tương ứng.
“Trong khi đó, với DAP, nguyên nhân tăng giá lại đến từ axit sulfuric – chiếm 30% cơ cấu nguyên liệu – mà cụ thể là giá lưu huỳnh đầu vào đã tăng tới 260% trong thời gian qua do Trung Quốc tăng mua và Canada cắt giảm sản xuất vì giá dầu thấp. Sự mất cân đối cung cầu này khiến chi phí sản xuất DAP tăng mạnh, bất chấp giá dầu không tăng tương ứng, cho thấy các chuỗi cung ứng nguyên liệu đang bị phân mảnh mạnh do địa chính trị” – ông Hiển giải thích.
![]() |
Giá bán Acid Sulfuric Trung Quốc và giá bán Canada sulfur tăng mạnh trở lại từ năm 2023 đến nay |
Ngược lại, phân NPK tiếp tục rơi vào thế bất lợi. Giá các nguyên liệu đầu vào như kali, DAP, SA đều tăng – kali tăng 19%, đạm tăng hơn 20% – nhưng giá bán NPK chỉ tăng khoảng 7%, khiến biên lợi nhuận bị bào mòn. Cạnh tranh trong ngành lại càng thêm gay gắt khi phân bón Nga, vốn có giá rẻ và có khả năng chuyển hướng xuất khẩu sang Việt Nam do bị EU áp thuế 40–50% từ tháng 7 tới. Điều này đặt áp lực lên các doanh nghiệp nội địa trong việc giữ giá bán, khiến mức tăng giá đầu ra không theo kịp chi phí đầu vào.
>> Đạm Phú Mỹ (DPM) hợp tác toàn diện với PV OIL, đón đầu xu hướng chuyển đổi năng lượng