Trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa cử Việt Nam đỗ Trạng khi mới 13 tuổi, được mệnh danh là thần đồng
Ông là tấm gương sáng về năng lực tự học thành tài, về đức độ và lòng yêu nước thương dân.
Nguyễn Hiền sinh năm 1234 (một số tài liệu ghi là 1235) trong một gia đình nghèo tại làng Dương Miện, huyện Thượng Hiền, phủ Thiên Trường, lộ Sơn Nam (nay thuộc thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Từ nhỏ, Nguyễn Hiền đã thông minh, hiếu học đặc biệt, có khả năng thiên bẩm về chữ nghĩa. Nhờ đó, ông đỗ Trạng nguyên khi chỉ mới 13 tuổi, trở thành vị Trạng nguyên trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước ta.
Thuở nhỏ, Nguyễn Hiền đã đọc thông viết thạo, được mọi người xung quanh quý mến. Tương truyền rằng, khi lên 10 tuổi, gia đình cho ông theo học tại chùa. Thầy chỉ mới viết được 10 trang giấy, nhưng Nguyễn Hiền đã đọc lưu loát như thể đã học từ lâu.
Vốn trời phú thông minh, Nguyễn Hiền học một thì lại biết mười nên chẳng mấy chốc vượt xa kiến thức của các bạn cùng trang lứa và thậm chí còn giỏi hơn cả các đàn anh. Nhưng vì nhà quá nghèo, Nguyễn Hiền đã phải bỏ dở việc học. Ban ngày đi chăn trâu, dù mưa gió thế nào ông cũng đứng ngoài lớp học nghe giảng nhờ. Sách vở là lưng trâu, là nền cát, bút là ngón tay hay mảnh gạch vỡ. Ông luôn yêu thích tìm tòi học hỏi, thường lân la ở các lớp học trong làng để có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn với chữ nghĩa, sách vở.
Năm 11 tuổi, tiếng tăm của Nguyễn Hiền đã lan xa đến kinh đô, được mệnh danh là thần đồng. Khi đó, có một người họ Đặng, tự cho mình là người am hiểu hết các sách, nghe danh Nguyễn Hiền nên muốn thử tài văn bút của cậu. Ông tìm đến nhà Nguyễn Hiền và đặt đầu đề theo bài phú "Phượng hoàng sào a, kỳ lân du úc", yêu cầu làm thơ với mỗi câu đều có liên quan đến một loài cầm thú.
Nguyễn Hiền liền ứng khẩu ngay: "Phi long kiên chiểu/Mã bất xuất hà /Ý bỉ Hữu Hùng chi thế/Ấp vu Duyên Lộc chi a", nghĩa là "Rồng không bay lên nơi ao, hồ/Ngựa không từ sông phi ra/Đẹp thay đời có họ Hữu Hùng/Làm nhà ở nơi Duyên Lộc."
Người họ Đặng thán phục tài năng của cậu bé, không ngớt lời khen ngợi: "Thiên tài! Thiên tài!". Năm ấy, Nguyễn Hiền dự thi Hương và đỗ đầu, được phong Giải nguyên. Đến năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 16 (Âm lịch năm Tân Mùi), vua Trần Thái Tông mở khoa thi lớn để trọng dụng hiền tài, chiêu đãi kẻ sĩ. Nguyễn Hiền lúc này mới 13 tuổi đã lên kinh ứng thí và đỗ Trạng nguyên.
Trạng nguyên Nguyễn Hiền dù tuổi còn nhỏ nhưng đã thể hiện phong thái tự nhiên, đĩnh đạc và khả năng ứng đối lưu loát. Điều này khiến vua Trần Thái Tông vô cùng ngạc nhiên và tò mò hỏi: "Trạng nguyên học ở đâu?". Trạng Hiền quỳ tâu: "Thần chỉ tự học, thỉnh thoảng có hỏi thêm sư ông ở chùa làng đôi ba chữ"
Tuy nhiên, vua Trần Thái Tông nhận thấy cách nói năng của Trạng Hiền còn mang vẻ quê kệch và có phần kiêu căng, không vừa lòng, nên truyền phán cho Trạng nguyên trở về quê học thêm về lễ nghĩa, vì thế, Trạng Hiền chưa được ban áo mão.
Trở về quê nhà, Trạng Hiền tiếp tục đọc sách mỗi ngày, nhưng vẫn giữ tính ham chơi, thường vui đùa với bạn bè cùng lứa, chơi khăng, thả diều. Sự kiện này cũng được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư: "Năm Chính Bình thứ 16, vua Trần Thái Tông ngự ở sân đình, gặp các vị tân khoa đỗ cao trong kỳ thi. Thấy Hiền còn nhỏ tuổi, chưa rõ phép tắc lễ nghĩa nên chưa ban mũ áo, chỉ cho người hộ tống về quê để học thêm lễ nghi."
Trong suốt những năm tháng làm quan triều đình, Nguyễn Hiền có nhiều kế sách hay để phò vua giúp nước. Năm Ất Hợi, khi giặc Chiêm Thành xâm lược, vua đã giao Trạng nguyên Nguyễn Hiền nhiệm vụ đánh giặc và bảo vệ bờ cõi.
Chỉ trong thời gian ngắn, quân giặc đã bị đánh bại. Trạng Hiền lập tức thu quân về Vũ Minh Sơn, tổ chức tiệc khao quân và báo cáo chiến thắng với vua. Vua vô cùng vui mừng và phong ông chức "Đệ nhất hiển quý quan". Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông đã cho đắp đê quai vạc sông Hồng, góp phần phát triển sản xuất mùa màng thắng lợi. Về quân sự, ông mở rộng võ đường để rèn luyện quân sĩ.
Vào ngày 14/8 năm Bính Tý, Trạng nguyên Nguyễn Hiền qua đời ở tuổi 21 do bệnh nặng. Vua thương tiếc ông và truy phong là "Đại vương thành hoàng", đồng thời tôn thờ ông tại 32 nơi, bao gồm đình Lại Đà ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Ngày nay, đền thờ Trạng nguyên Nguyễn Hiền tại quê hương ông, thôn Dương A (Nam Thắng, Nam Trực, Nam Định) vẫn còn lưu giữ nhiều bài vị, sắc phong, câu đối, đại tự. Đặc biệt, cuốn Ngọc phả ghi lại sự nghiệp của ông, trong đó có câu ca ngợi tài năng của Nguyễn Hiền: "Thập nhị tuế khôi khai lưỡng quốc, Vạn niên thiên tuế lập tam tài." (Tạm dịch: "Mười hai tuổi khai khoa hai nước, Nghìn năm ghi mãi chữ tam tài.")
Cảm phục và yêu mến tài năng của ông, huyện Thượng Hiền đã được đổi tên thành huyện Thượng Nguyên nhằm tránh phạm húy tên ông.
>> Dòng họ có 2 cha con tiến sĩ làm quan to, cuối đời từ chức vì 'quá vinh hiển'