Nhờ các trang trại nổi trên mặt nước, nông dân vẫn có thể canh tác ngay cả trong mùa mưa lũ.
Vườn nổi là mô hình thủy canh truyền thống xuất hiện ở Bangladesh ít nhất 400 năm trước. Những khu vườn nổi này đang được ghi nhận là giải pháp dựa trên thiên nhiên, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, giúp nông dân chống chọi với lũ lụt.
Với địa lý nằm ở vùng thấp trũng, Bangladesh là trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. Phần lớn đất đai nông nghiệp ở nước này bị ngập lụt trong những mùa mưa khắc nghiệt.
Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính đến năm 2050, mực nước biển dâng cao, làm xói mòn bờ biển, có thể khiến 20 triệu người dân Bangladesh mất chỗ ở, đồng thời nhấn chìm một diện tích đất đáng kể và xóa sạch phần lớn sản lượng lương thực của Bangladesh.
Khi biến đổi khí hậu tăng cường gió mùa, khiến tuyết ở dãy Himalaya tan nhanh hơn và bão xảy ra thường xuyên hơn, các hệ thống nông nghiệp như ruộng lúa dễ bị hư hại vì thời tiết và dễ bị xâm nhập mặn.
Khoảng một nửa lực lượng lao động của Bangladesh làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, các chiến lược thích ứng với khí hậu là điều rất cần thiết.
Những chiếc bè nổi hình chữ nhật, nổi lên và hạ xuống theo mực nước. Hầu hết chúng được làm bằng xơ bèo lục bình và đôi khi được cố định bằng cọc tre. Sau khi rải một lớp đất và phân chuồng lên những chiếc bè này, nông dân trồng các loại rau quả và gia vị.
Sử dụng phân chuồng phủ phía trên, người nông dân có thể thoải mái trồng những cây nông nghiệp mà không lo sợ bão lũ. Hình thức canh tác tương tự cũng được ghi nhận ở các khu vực khác của châu Á như hồ Dal ở Kashmir và hồ Inle ở Myanmar.
Chi phí thấp khiến chúng trở thành lựa chọn khả thi nhất cho người nông dân Bangladesh. Trong khi đó, lợi ích chúng mang lại rất cao. Không chỉ tốt cho cây trồng, vùng nước xung quanh có thể được dùng để khai thác thủy sản. Ngay cả khi thiên tai gây ra những thiệt hại lớn, việc khôi phục các trang trại này có thể được tiến hành nhanh chóng.
Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Bangladesh cũng đã tiến hành các nghiên cứu để làm sao việc canh tác trên những cánh đồng nổi trở nên hiệu quả hơn. Họ cũng phối hợp liên ngành nhằm tăng cường hỗ trợ cho phụ nữ trong hoạt động này, để từ đó nâng cao hơn nữa sản lượng.
Các tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu cũng đã nhận ra tiềm năng của mô hình này và tăng cường hỗ trợ người dân Bangladesh nhân rộng các cánh đồng nổi. Họ tin rằng sự chung tay của nhiều bên sẽ giúp đảm bảo sinh kế cho một bộ phận người nông dân, giúp không ai bị bỏ lại phía sau bởi những tác động của biến đổi khí hậu.