Doanh nghiệp A-Z

Tranh chấp hợp đồng với PSH, hàng trăm nhân sự của một doanh nghiệp có nguy cơ mất việc

Quốc Trung 04/12/2024 - 13:42

Công ty Miền Tây đã gửi hơn 20 công văn, thư mời yêu cầu PSH trả nợ nhưng không nhận được phản hồi tích cực. Tình trạng này khiến công ty phải chịu áp lực tài chính lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm lao động.

Tranh chấp hợp đồng thi công tiếp tục căng thẳng

Công ty TNHH MTV Xây dựng Thương mại Dịch vụ Miền Tây (Công ty Miền Tây) đang đối mặt với khó khăn nghiêm trọng do CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (PSH) chưa thanh toán hơn 7,3 tỷ đồng, bao gồm cả gốc và lãi, từ các hợp đồng thi công ký kết vào năm 2022.

Tranh chấp hợp đồng với PSH, hàng trăm nhân sự của một doanh nghiệp có nguy cơ mất việc
Hình minh họa

Dẫn nguồn báo Pháp luật TP. HCM ngày 26/11, theo nội dung hợp đồng, Công ty Miền Tây thực hiện ép cọc và lắp đặt hai bồn chứa xăng dầu dung tích 7.000m³ tại Kho chứa xăng dầu Mái Dầm, Hậu Giang, với tổng giá trị hơn 31 tỷ đồng. Phía Miền Tây khẳng định đã hoàn thành đúng tiến độ và cung cấp vật tư đạt yêu cầu. Tuy nhiên, PSH vẫn nợ hơn 6,2 tỷ đồng tiền gốc dù đã cam kết thanh toán trong tháng 2/2024.

PSH cáo buộc Công ty Miền Tây vi phạm hợp đồng khi sử dụng vật liệu thép không đúng nguồn gốc. Tuy nhiên, Giám đốc Miền Tây, ông Đỗ Mạnh Cường, bác bỏ và khẳng định thép được sử dụng có xuất xứ từ Nhật Bản, phù hợp với hợp đồng và đã được nghiệm thu bởi bên tư vấn giám sát.

Do tình trạng chậm thanh toán kéo dài, Công ty Miền Tây đã gửi hơn 20 công văn, thư mời yêu cầu PSH trả nợ nhưng không nhận được phản hồi tích cực. Tình trạng này khiến công ty phải chịu áp lực tài chính lớn, trả lãi ngân hàng và chi phí vận hành, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm lao động.

Trong nỗ lực tìm kiếm công lý, Công ty Miền Tây đã khởi kiện PSH ra Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, các phiên hòa giải đều không có sự tham gia của phía PSH.

Tình hình căng thẳng hiện vẫn chưa có lối thoát, khi PSH thừa nhận còn nợ 4,9 tỷ đồng nhưng lại đưa ra lý do chậm thanh toán liên quan đến chất lượng vật tư, trong khi tổng số tiền mà Công ty Miền Tây yêu cầu là hơn 7,3 tỷ đồng. Sự việc đang làm gia tăng áp lực tài chính lên Công ty Miền Tây, đẩy doanh nghiệp đến nguy cơ phá sản.

Sức khỏe tài chính của PSH cũng không mấy tích cực

CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (PSH) báo lỗ sau thuế 182,5 tỷ đồng trong quý III/2024, đánh dấu quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp. Doanh thu giảm mạnh còn 93,7 tỷ đồng (-90% YoY), nâng tổng lỗ lũy kế 9 tháng lên 556 tỷ đồng, so với khoản lãi 278 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Với kế hoạch năm 2024 đặt ra doanh thu 14.566 tỷ đồng và lợi nhuận 327 tỷ đồng, khả năng hoàn thành mục tiêu gần như không khả thi.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản PSH đạt 10.800 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả chiếm 9.735 tỷ đồng, trong đó nợ vay hơn 6.900 tỷ. Vốn chủ sở hữu giảm xuống 1.000 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên 9,4 lần. Chi phí lãi vay 9 tháng đạt 325 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm trước, trong khi tiền mặt chỉ còn 6 tỷ đồng.

Trước khó khăn, PSH công bố lộ trình tái cấu trúc, bao gồm ký hợp đồng tín dụng dài hạn với Acuity Funding để tái cơ cấu nợ và bổ sung vốn lưu động. Khoản vay dự kiến giải ngân trong quý IV/2024 để giải quyết nợ thuế bị cưỡng chế hơn 1.230 tỷ đồng và hàng tồn kho giá trị lớn.

Dù có nỗ lực khắc phục, triển vọng kinh doanh của PSH vẫn phụ thuộc vào việc giải ngân vốn vay đúng hạn và cải thiện quản lý tài chính, điều đang là bài toán nan giải cho doanh nghiệp.

>> Bị cưỡng chế thuế hơn 1.100 tỷ đồng nhưng Dầu khí Nam Sông Hậu (PSH) chỉ có 6 tỷ tiền mặt

'Vua chip' Intel lại có biến: CEO bị sa thải sau 4 năm thảm hại, chưa biết ai sẽ là người thay thế

BW khởi công dự án thứ 12, đáp ứng nhu cầu kho xưởng lớn nhất hiện nay

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tranh-chap-hop-dong-voi-psh-hang-tram-nhan-su-cua-mot-doanh-nghiep-co-nguy-co-mat-viec-263783.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tranh chấp hợp đồng với PSH, hàng trăm nhân sự của một doanh nghiệp có nguy cơ mất việc
    POWERED BY ONECMS & INTECH