Trích lập dự phòng phình to, cổ phiếu PV Drilling (PVD) "khủng hoảng" sau khi bị cắt margin

13-09-2021 15:53|Minh Trí

Ngay sau khi Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) thực hiện cắt margin đối với cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí - PV Drilling (HOSE: PVD) do công ty báo cáo lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trong 6 tháng đầu năm âm 97,6 tỷ đồng, thị giá mã này liên tục lao dốc trên sàn chứng khoán.

Việc cắt margin với cổ phiếu PVD chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới thanh khoản của cổ phiếu này trong thời gian tới

Sau đợt lao dốc mạnh vào đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát trên thế giới, giá dầu bắt đầu chạm đáy cuối tháng 4/2020 ở vùng 19,4 USD/thùng và hồi phục lên 37 USD/thùng vào tháng 10/2020. Đặc biệt, kể từ thời điểm tháng 11/2020, khi có thông tin về vắc-xin phòng COVID-19, giá dầu đã tăng mạnh và hiện tại đang giao dịch vùng 71,5 USD/thùng - tăng 269% so với đáy thiết lập vào tháng 4/2020 và tăng 38,6% so với đầu năm 2021.

Cùng với đà tăng của giá dầu, giới đầu tư đã đặt kỳ vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu dầu khí giúp nhóm này đồng loạt tăng mạnh từ tháng 11/2020 tới giữa tháng 3/2021 trước khi bước vào nhịp điều chỉnh trong đó từ ngày 2/11/2020 đến ngày 8/3/2021, giá cổ phiếu PVD đã tăng 139% lên 25.700 đồng/cổ phiếu. So với mức đỉnh ngắn hạn được thiết lập vào ngày 8/3, thị giá cổ phiếu này đã giảm gần 30% về 18.200 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 10/9/2021).

Tuy vậy, thực tế, đà phục hồi về hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dầu khí trong 6 tháng đầu năm lại có sự phân hóa. Ngoại trừ PV Drilling, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành đều tăng trưởng lợi nhuận, thậm chí tăng trưởng mạnh.

Dẫn nguồn tinnhanhchungkhoan.vn, 6 tháng đầu năm nay, PV Drilling ghi nhận doanh thu 1.654,2 tỷ đồng - giảm 47,4% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế âm 69 tỷ đồng; lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi đã giảm tới 289,8% so với cùng kỳ - tương ứng giảm 153 tỷ đồng về âm 100,2 tỷ đồng.

Năm 2021, PVD đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 4.400 tỷ đồng - giảm 16% so với thực hiện năm trước; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 25 tỷ đồng - giảm 87%. Với việc lợi nhuận sau thuế công ty mẹ âm 97,6 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, mục tiêu lợi nhuận cả năm tưởng chừng rất khiêm tốn này cũng là một thách thức lớn với PV Drilling.

Điểm đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm 2021, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 36,1% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 56,7 tỷ đồng lên 213,8 tỷ đồng. Công ty thuyết minh, trong kỳ đã trích lập dự phòng 37,8 tỷ đồng, so với cùng kỳ hoàn nhập tới 33,98 tỷ đồng và đây chính là nguyên nhân gây nên biến động chi phí quản lý.

Ngoài ra, tại ngày 30/6/2021, công ty ghi nhận các khoản phải thu của khách hàng 221,1 tỷ đồng, đã trích lập tới 131,8 tỷ đồng trong đó trích lập 100% giá trị khoản phải thu trị giá 45,1 tỷ đồng của Công ty TNHH một thành viên Điều hành thăm dò khai thác dầu khí trong nước; trích lập 100%, tương ứng 27,77 tỷ đồng khoản phải thu Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí; trích lập 30,4 tỷ đồng - chiếm 57,1% tổng giá trị các khoản phải thu khác.

Đặc biệt, Công ty trích lập 28,49 tỷ đồng - chiếm gần 30% tổng giá trị khoản phải thu từ KrisEnergy (Apsara) Combodia Company Ltd. Đây là lần đầu tiên PV Drilling trích lập dự phòng cho khoản phải thu từ khách hàng này.

Được biết, trong năm 2020, PV Drilling và KrisEnergy ký hợp đồng dịch vụ cung cấp giàn khoan PV Drilling III cho chương trình khoan phát triển giai đoạn 1A mỏ Apsara thuộc lô A, Campuchia, việc khoan kết thúc ngày 12/2/2021.

Tuy nhiên, tới ngày 4/6/2021, Công ty KrisEnery Limited, công ty mẹ của KrisEnergy đã đệ đơn lên toà án Cayman Island về việc xin giải thể công ty do tình hình kinh doanh khó khăn. PV Drilling đang tìm cách thu khoản phải thu này và tạm trích lập 30% tổng giá trị khoản phải thu.

Năm 2017, Chính phủ Campuchia đã ký thoả thuận liên doanh cùng KrisEnergy để thăm dò, phát triển dầu khí tại khu vực rộng 3.000 km2 tại vịnh Thái Lan (Lô A). Tuy nhiên, với khoản nợ lên tới 476,8 triệu USD vượt khả năng chi trả, sản lượng từ mỏ dầu tại Campuchia thấp hơn một nửa so với kế hoạch đầu tư ban đầu, công ty đã nộp đơn xin phá sản.

Với việc KrisEnergy đã công bố phá sản, nhiều khả năng PV Drilling tiếp tục phải trích lập 60% giá trị còn lại - tương ứng 66,08 tỷ đồng. Nếu như phải trích lập toàn bộ trong hai quý tới, điều này tiếp tục ảnh hưởng trọng yếu tới tình hình tài chính của công ty.

Đây không phải lần đầu tiên PVD trích lập dự phòng các khoản phải thu. Trong quá khứ, Công ty liên tục thực hiện trích lập dự phòng các khoản phải thu tại Công ty TNHH MTV Điều hành thăm dò khai thác dầu khí trong nước; Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí…

Dù đã có những tín hiệu tích cực nhất định về việc mở cửa trở lại của nhiều nền kinh tế trên thế giới, nhưng nhu cầu xăng dầu dự báo chưa thể sớm phục hồi về trước đại dịch. Đối với doanh nghiệp hoạt động ở thượng nguồn ngành dầu khí như PV Drilling, tác động của đà phục hồi kinh tế thế giới đến hoạt động kinh doanh còn chậm hơn.

Kín lịch khoan trong 2 năm tới, PV Drilling (PVD) chốt đầu tư thêm giàn tự nâng

PV Drilling (PVD) gia hạn thêm 3 năm cung cấp giàn khoan cho đối tác Indonesia

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/trich-lap-du-phong-phinh-to-co-phieu-pv-drilling-pvd-khung-hoang-sau-khi-bi-cat-margin-127845.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Trích lập dự phòng phình to, cổ phiếu PV Drilling (PVD) "khủng hoảng" sau khi bị cắt margin
    POWERED BY ONECMS & INTECH