Triển vọng cổ phiếu bank - chứng - thép và "sách lược" đầu tư chứng khoán tuần 4 - 8/7

03-07-2022 21:50|Ba Lỗ

Kết tuần giao dịch từ 27/6 - 1/7/2022, bộ 3 nhóm cổ phiếu trụ cột của thị trường gồm bank - chứng - thép đang có những tín hiệu khá tích cực.

Trong tuần, nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng là nhóm nâng đỡ chính BID (+12,3%), VIB (+10,4%), CTG (+8,9%), HDB (+6,5%), STB (+3,8%), VPB (+3,4%), MBB (+2,1%), các mã TCB, ACB, OCB, SSB, MSB cũng có được sắc xanh trong tuần, chỉ còn VCB và LPB giảm nhẹ.

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán có tuần khởi sắc với FTS (+19,1%), BSI (+10,7%), HCM (+8,5%), VND (+8,1%), CTS (+8,1%), VDS (+6,3%), SSI (+5,9%), VIX (+4,93%), VCI (+4,9%), ORS (+4,83%), ARG (+2,7%),…

Nhận diện triển vọng cổ phiếu bank - chứng - thép

Đưa ra nhận định về triển vọng cũng như việc nhà đầu tư có nên cơ cấu danh mục sang những nhóm này ở thời điểm hiện tại, ông Bùi Văn Huy - Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho rằng cố phiếu ngân hàng, thép, chứng khoán là cổ phiếu chu kỳ và phụ thuộc rất lớn vào chu kỳ nền kinh tế và diễn biến thị trường chứng khoán và là các nhóm đều đã bị chiết khấu sâu trong thời gian qua. Khi nền kinh tế đạt đỉnh tăng trưởng hoặc tăng trưởng chậm lại, không nên đầu tư vào các nhóm này. Riêng cổ phiếu thép, cần lưu ý đến diễn biến của thị trường hàng hóa.

Với nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhiều ý kiến cho rằng nhóm ngành này đang rẻ khi nhiều cổ phiếu đã tạo đỉnh được 1 năm và triển vọng kết quả kinh doanh quý II/2022 vẫn rất sáng. Tuy nhiên, ông Huy cho rằng ngân hàng là nhóm ngành chu kỳ, thời điểm đầu tư là khi bắt đầu thị trường có dấu hiệu tạo đáy thực sự và đi lên. Ý kiến đắt, rẻ cũng là rất tương đối trong thị trường giá xuống.

Theo quan sát, P/B của nhiều ngân hàng châu Âu loanh quanh 0,5 lần. Các ngân hàng hàng đầu thế giới ở Mỹ, P/B cũng loanh quanh 1 lần, nhiều ngân hàng hàng đầu thế giới P/B dưới 1 lần. Do đó nhà đầu tư vào nhóm ngành ngân hàng cần phân tích kỹ triển vọng thị trường và chất lượng tài sản của từng ngân hàng.

Với nhóm chứng khoán, thông tin hỗ trợ của ngành là nhà đầu tư sắp được giao dịch vào chiều ngày T 2 . Đây là thông tin tích cực, bởi theo ước tính thanh khoản có thể tăng 5 - 10% so với quy định hiện tại. Tuy nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc dòng tiền mới sẽ chảy vào thị trường vì thông tin trên, đơn giản tăng vòng quay thêm một chút và cải thiện thêm sự linh hoạt cho nhà đầu tư.

Công ty chứng khoán có 4 mảng kinh doanh chính: Môi giới, cho vay ký quỹ, tự doanh và tư vấn tài chính doanh nghiệp. Với thị trường hiện nay, mảng môi giới, cho vay ký quỹ và tự doanh đều sẽ bị ảnh hưởng nặng. Bối cảnh cạnh tranh của ngành sẽ tiếp tục gay gắt, con số thị phần quý II sắp được công bố sẽ phần nào cho thấy điều đó.

Nhà đầu tư cần lưu ý đến tác động tâm lý khi con số thị phần sẽ cho thấy nhiều doanh nghiệp tiếp tục sẽ mất thị phần. ROE ngành trong bối cảnh hiện tại tôi nghĩ quanh 12 - 15% và mức P/B ngành quanh 1 - 1,5 lần là hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Nhóm ngành chứng khoán là nhóm ngành chu kỳ, tất nhiên khi thị trường trở lại, tất nhiên nhóm cổ phiếu này sẽ hấp dẫn hơn.

Với nhóm cổ phiếu thép: Theo quan sát, giá thép thế giới tiếp tục giảm mạnh trong thời gian qua. Trong trường hợp nền kinh tế thế giới bước vào suy thoái, khả năng sẽ có cú rơi trên thị trường hàng hóa và giá thép cũng như vậy. Nhà đầu tư cần lưu ý diễn biến này khi tham gia cổ phiếu thép.

Về chủ đề cổ phiếu trụ/midcap hay penny: Một trong những nguyên tắc quan trọng khi thị trường giá xuống là penny sẽ rơi rất nhiều và cổ phiếu trụ sẽ diễn biến tốt hơn tương đối. Tham gia cổ phiếu nhỏ, cổ phiếu đầu cơ là rất rủi ro giai đoạn này. Với những cổ phiếu đầu cơ, cơ bản kém nhà đầu tư nên dứt khoát cắt lỗ dù đã lỗ sâu.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết, chứng khoán và thép là những cổ phiếu trụ có tác động lớn đến sự biến động của chỉ số. Sự hồi phục của những nhóm này mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường chung, song không phải nhóm ngành nào cũng có cơ hội đầu tư trong thời gian tới.

bao1.png
Ông Đỗ Bảo Ngọc

Đối với nhóm ngân hàng, ông Bảo duy trì quan điểm tích cực do giá đã chiết khấu về vùng hấp dẫn cùng với kết quả kinh doanh quý II dự báo vẫn duy trì khả quan. Tuy nhiên, đối với nhóm chứng khoán thì sẽ có sự phân hóa mạnh bởi thị trường chung vẫn còn khá nhiều khó khăn.

Tương tự, nhóm thép cũng không còn nhiều cơ hội đầu tư, bởi giá nguyên liệu tăng cao cùng giá bán giảm sẽ tác động lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Sách lược đầu tư chứng khoán tuần 4 - 8/7

Ở thời điểm hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng chiến thuật “đánh nhanh, rút gọn” có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi đầu tư theo trường phái tích sản đang rất mơ hồ bởi sự chuyển động chưa thực sự mạnh mẽ của các nhóm cổ phiếu. 

Phản hồi về quan điểm này, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng đánh giá, sẽ là rất rủi ro vì những ngành đi ngược thị trường là không nhiều và việc đi ngược này cũng diễn ra rất nhanh đòi hỏi nhà đầu tư phải nhanh hơn nữa. Theo vị chuyên gia, chiến thuật này chỉ dành cho nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, không margin và tham gia thị trường với tỷ trọng có thể mất.

Về việc tích sản cổ phiếu, nhà đầu tư không cần phải vội trong lúc này; việc tích sản chỉ nên bắt đầu khi thị trường tích lũy và dòng tiền được cải thiện hoặc ít nhất tỷ trọng tiền dương nổi trội hơn.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS), với trạng thái thị trường biến động trong biên độ rộng và liên tục như hiện tại, chiến thuật giao dịch đánh nhanh được xem là khá phù hợp miễn là nhà đầu tư chọn đúng cổ phiếu và chiến lược mua bán tuân thủ nguyên tắc và tính kỷ luật cao.

Với những nhà đầu tư mua tích lũy dài hạn thì đây cũng là thời điểm xem xét lựa chọn dần ở một số nhóm cổ phiếu mục tiêu. Mức độ rủi ro trong biên độ +/- 20% là không đáng kể nếu nắm giữ dài hạn vì khi thị trường phục hồi mức lợi nhuận thu được sẽ cao hơn rất nhiều.

TRong khi đó, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, chiến lược “đánh nhanh, rút gọn” sẽ khiến nhà đầu tư phải đối mặt với rủi ro biến động từ thị trường; chi phí đầu tư sẽ gia tăng dần khi các nhà đầu tư liên tục lướt sóng ngắn hạn.

Tích sản có thể được xem là chiến lược phù hợp trong giai đoạn này khi thị trường đã về vùng định giá hấp dẫn. Các nhà đầu tư nên ưu tiên vào các nhóm cổ phiếu tăng trưởng và có tính phòng thủ cao cho nên tôi cho rằng các nhà đầu tư có thể chú ý vào nhóm cổ phiếu nước, công nghệ, điện, bán lẻ, sản xuất thực phẩm và hàng cá nhân.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS đánh giá, chiến lược "linh hoạt" sẽ phù hợp với năm 2022 và có thể trong dài hạn.

Chiến lược xuyên suốt vẫn sẽ luôn chọn lựa các cổ phiếu dựa trên tiêu chuẩn lựa chọn các cổ phiếu phổ thông để nắm giữ nếu đó là các cổ phiếu được định giá hấp dẫn. Tuy nhiên, một số cơ hội có thể đến nhanh tăng giá mạnh vượt kỳ vọng thì việc giao dịch ngắn hạn cũng cần xem xét để điều chỉnh tỷ trọng mua bán giao dịch ngắn cho phù hợp.

Đối với một số nhà đầu tư muốn mua tích sản cổ phiếu nắm giữ dài cũng là 1 lựa chọn tốt khi hoàn toàn mua vào chủ động, định kỳ một số cổ phiếu triển vọng.

Biến số mang tên KRX chính thức vận hành vào 2/5 có đủ sức tạo sóng trong ngắn hạn?

‘Vua môi giới chứng khoán’ sàn HoSE báo lãi quý I gấp 4 lần, vẫn bị VND, SSI, TCBS cho ‘hít khói’

Chứng khoán SHS báo lãi quý I gấp gần 8 lần, thắng lớn nhờ hai cổ phiếu bán lẻ

Bài thuộc chủ đề Ngân hàng
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/trien-vong-co-phieu-bank-chung-thep-va-sach-luoc-dau-tu-chung-khoan-tuan-4-87-138626.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Triển vọng cổ phiếu bank - chứng - thép và "sách lược" đầu tư chứng khoán tuần 4 - 8/7
POWERED BY ONECMS & INTECH