Triển vọng nào cho giá dầu năm 2022?

04-01-2022 16:05|Thảo Đan

Trong năm 2021, giá dầu thô đã có cú lội ngược dòng trong ba quý đầu nhưng bỗng vấp phải biến số mới ở quý cuối cùng.

Trong năm 2021, giá dầu thô đã có cú lội ngược dòng trong ba quý đầu nhưng bỗng vấp phải biến số mới ở quý cuối cùng. Trong năm mới 2022, giá dầu thô sẽ đi về đâu?

Cú lội ngược dòng của giá dầu

Trong năm qua, chính phủ nhiều nước từ Mỹ cho đến Trung Quốc đều cam kết sẽ nghiêm túc giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và cắt giảm lượng khí thải nhà kính.

Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy nhu cầu dầu thô đã tăng vọt trong năm 2021 khi kinh tế toàn cầu khởi sắc từ đại dịch. Tính chung cả năm ngoái, giá dầu thô đã tăng khoảng 50% do nhu cầu tăng trong khi nguồn cung bị thắt chặt.

Hồi tháng 1, khi ông Joe Biden chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ và Washington tái gia nhập Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, giá dầu Brent chỉ giao dịch quanh mức 52 USD/thùng. Đến tháng 3, giá dầu đã vọt lên 70 USD/thùng.

Xung lực cho dầu thô đã bắt đầu từ quý cuối của năm 2020, nhưng chất xúc tác cho đợt tăng tháng 3 cũng như cho cả năm vừa qua bắt nguồn từ việc OPEC và các đồng minh (tức OPEC+) khiến thị trường kinh ngạc khi đồng ý gia hạn thỏa thuận hạ sản lượng đến tháng 4.

Giữa lúc tăng trưởng kinh tế dần phục hồi, tồn kho dầu thô thấp và OPEC+ thiếu công suất dự phòng, nguồn cung của "vàng đen" đột nhiên trở nên eo hẹp hơn rất nhiều. Vì vậy, việc nhu cầu bật tăng mạnh mẽ khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng vào giữa năm đã khiến các nhà cung ứng bất ngờ, vì họ hầu như không lường trước nhu cầu sẽ lớn đến như thế.

Điều này cũng góp phần làm leo thang căng thẳng giữa Mỹ và OPEC+. Khi nhu cầu áp đảo nguồn cung, giá khí đốt lẫn giá nhiên liệu tại Mỹ cũng nhảy múa theo. Tổng thống Biden phải kêu gọi OPEC+ bơm thêm dầu, nhưng lời khẩn cấp này hoàn toàn không hề được đáp lại.

Ngoài yếu tố cung - cầu, thị trường năng lượng còn bị đè nặng bởi việc doanh nghiệp dầu khí ngần ngại rót tiền vào các mỏ mới do chịu sức ép từ các nhà đầu tư. Dù tổng vốn đầu tư vào lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch đã đi lên khoảng 10% trong năm 2021, con số này vẫn còn rất thấp so với mức trước đại dịch.

Ngay cả ngành công nghiệp dầu đá phiến Mỹ, vốn chỉ vài năm trước còn là một ông trùm trên thị trường toàn cầu, cũng hạn chế chi tiêu. Xu hướng này còn đặc biệt rõ rệt dưới thời ông Biden, người đã cam kết sẽ giúp nước Mỹ dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Đến tháng 10, chỉ vài tuần trước khi các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp tại Hội nghị thượng đỉnh COP26 về biến đổi khí hậu, giá dầu Brent đã chạm mức đỉnh 7 năm là khoảng 86 USD/thùng. Điều này chẳng khác nào một sự tương phản rõ nét giữa tham vọng bảo vệ môi trường và bài toán kinh tế của chính phủ các nước.

Đợt tăng giá tháng 10 được cho là liên quan đến các dự báo về nguy cơ thâm hụt nguồn cung dầu mỏ trong ngắn hạn. Hơn nữa, đà phi mã của giá khí đốt toàn cầu - có thời điểm tăng hơn 800%, cũng buộc hàng loạt nhà máy phát điện từ Âu sang Á quay lưng với khí đốt để chuyển sang sử dụng dầu thô và dầu diesel.

bieu-do.png

Cú "đánh úp" từ Mỹ và Omicron

Giá xăng dầu quá cao lại thổi bùng mối lo lạm phát trong nền kinh tế toàn cầu, bất luận là đối với những siêu cường như Mỹ hay các nước đang phát triển như Việt Nam. Bản thân ông chủ Nhà Trắng Joe Biden đã ít nhất hai lần mở lời "nhờ cậy" OPEC+ nhưng bất thành.

Đáp trả sự khước từ của OPEC+ và chỉ vài ngày sau hội nghị COP26, ông Biden đã công bố đợt xả kho dự trữ dầu thô khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ để ứng phó với cú sốc giá nhiên liệu.

Theo đó, Washington sẽ xả kho tổng cộng 50 triệu thùng dầu thô ra thị trường. Tưởng chừng bước đi của ông Biden sẽ giúp giá dầu thế giới hạ nhiệt, nhưng cuối cùng giá "vàng đen" lại được đà tăng 2% vì lượng dầu mà Mỹ sắp bán ra thị trường chỉ như "muối bỏ bể".

Tuy nhiên, lần này Mỹ không hành động đơn độc mà còn kêu gọi sự hỗ trợ của các nước tiêu thụ dầu thô lớn như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh. Các nước đồng minh của Mỹ chưa công bố con số chính thức hoặc chưa thực hiện xả kho nên rất khó đánh giá tác động đối với giá dầu.

Là nước tiêu thụ dầu thô lớn bậc nhất thế giới, Trung Quốc cũng tham gia, dù Bắc Kinh liên tục khẳng định nước này chỉ giải phóng dầu thô theo nhu cầu riêng. Sức ảnh hưởng của Trung Quốc được cho là rất đáng kể, vì sau lời tuyên bố của Bắc Kinh, giá dầu thô đã tụt mất mốc 80 USD/thùng.

Sau màn phối hợp nêu trên, một nhân tố mới đã xuất hiện. Cuối tháng 11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bất ngờ công bố thông tin về Omicron, một siêu biến chủng có khả năng lây lan mạnh hơn biến chủng Delta từng hoành hành vào mùa hè năm nay.

Sau đó, giá dầu thô đã tụt mất ngưỡng 75 USD/thùng. Có thời điểm, sau khi CEO Stéphane Bancel của hãng dược Moderna cho biết các vắc xin hiện nay có thể kém hiệu quả đối với Omicron, giá dầu Brent đã rơi xuống còn 71,5 USD/thùng, còn giá dầu WTI xuống 68,2 USD/thùng.

Triển vọng giá dầu năm 2022

Hiện tại, các nhà phân tích hàng hóa còn đang khá phân vân trước ảnh hưởng của siêu biến chủng mới. Một số cảnh báo Omicron có thể là biến số cho giá dầu thô trong năm 2022, khi hoạt động hàng không có thể chững lại vì các lệnh phong tỏa.

Dù vậy, liên minh OPEC+ lại khá lạc quan. Một báo cáo mới của OPEC+ cho biết tác động của biến chủng Omicron đối với thị trường dầu mỏ là khá nhẹ và chỉ mang tính tạm thời, do các nước giờ đã được trang bị tốt hơn để chống lại đại dịch.

Dù vậy, OPEC+ vẫn để ngỏ về khả năng các nước thành viên sẽ điều chỉnh chính sách sản lượng tại cuộc họp vào hôm nay (ngày 4/1/2022). Giới phân tích tin rằng thị trường sẽ quan tâm tới từng động thái của OPEC+.

Hơn nữa, các quyết định của liên minh này sẽ là động lực quan trọng của giá dầu trong năm 2022, bên cạnh các diễn biến của đại dịch COVID-19.

Một báo cáo của JPMorgan hồi tháng 12 năm ngoái dự đoán, giá dầu Brent sẽ đạt trung bình khoảng 125 USD/thùng trong năm nay và nhảy vọt lên 150 USD/thùng vào năm 2023. JPMorgan cho rằng khả năng OPEC+ tiếp tục siết sản lượng là nguyên nhân chính cho đà tăng vũ bão nêu trên.

Thận trọng hơn, Goldman Sachs cũng dự đoán giá dầu sẽ tăng trong năm 2022 và 2023 nhưng không bật tăng mạnh như JPMorgan. Cụ thể, Goldman Sachs tin rằng giá dầu Brent có thể tăng lên khoảng 100 - 110 USD/thùng trong hai năm tới.

Ở diễn biến khác, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính, tiêu thụ dầu thô toàn cầu sẽ đạt khoảng 99,53 triệu thùng/ngày vào năm 2022, tăng so với con số 96,2 triệu thùng/ngày của năm 2021 và gần tương đương mức trước đại dịch.

Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ứng phó như thế nào với 'mùa đông khắc nghiệt' của ngành lọc hóa dầu?

Mỹ bơm 13,4 triệu thùng dầu mỗi ngày, thách thức OPEC+ giữa lúc giá dầu giảm

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/trien-vong-nao-cho-gia-dau-nam-2022-130863.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Triển vọng nào cho giá dầu năm 2022?
    POWERED BY ONECMS & INTECH