Mùa khuyến mại, kích cầu mới bắt đầu tại TP.HCM, nhưng tới ngày 5/7, tổng giá trị khuyến mại các sản phẩm của cộng đồng doanh nghiệp ước đạt khoảng 102.000 tỷ đồng.
Tại sự kiện kích hoạt “Chương trình khuyến mại tập trung - Shopping Season 2023” diễn ra hôm nay, 7/7, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, ông Nguyễn Nguyên Phương, cho biết, hàng năm, chương trình khuyến mại đợt I thường kéo dài từ 15/6-15/7. Năm nay, hoạt động này sẽ duy trì trong 3 tháng, từ 15/6-15/9.
Sự khác biệt trên nhằm giúp doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất, phân phối sản phẩm, người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn thông qua hoạt động khuyến mãi, từ đó, kích cầu thị trường.
Theo số liệu của Sở Công Thương TP.HCM, có hơn 3.300 đơn vị lớn đăng ký tham dự với hơn 7.300 chương trình khuyến mại, giá trị khuyến mại lên tới 100%. Riêng từ 15/6-5/7, tổng số tiền khuyến mại đạt tới 102.000 tỷ đồng.
Tham gia chương trình, đại diện SATRA cho hay hệ thống đã khuyến mại giảm giá sâu từ 10% đến mức cao nhất là mua một sản phẩm tặng một sản phẩm cùng loại, tương đương giảm giá 100% sản phẩm thứ hai cùng loại.
Phía Vissan giảm giá từ 15-30% nhiều sản phẩm thịt như heo xay, nạc dăm heo, ba rọi, cốt lết,... áp dụng tại các hệ thống phân phối lớn như Citimart, OsiFood, Saigon Co.op, Satra, Winmart...
Đại diện MM Mega Market Việt Nam, thông tin, đơn vị áp dụng chiến dịch “Sale Sập Sàn”, ưu đãi cho hơn 2.000 mặt hàng với hình thức mua 2 tính tiền 1, đồng giá 40.000 đồng, giảm giá tới 90% dịp cuối tuần...
Tại AEON Việt Nam, hệ thống này duy trì và đẩy mạnh chương trình Giá thấp mỗi ngày, mang đến các sản phẩm thiết yếu cho người tiêu dùng với mức giá phù hợp, tiết kiệm.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành chuỗi WinMart, chia sẻ, trong tháng 7, WinCommerce tiếp tục triển khai hai kỳ khuyến mại trên toàn hệ thống: chương trình "Bão sale, hạ nhiệt hè" từ 29/6-12/7, tập trung ưu đãi giảm 20% giá các sản phẩm đồ uống giải khát; từ 13-26/7 ưu đãi đa dạng ngành hàng, từ thực phẩm khô, đồ uống cho đến hóa mỹ phẩm.
Khuyến mại + giảm thuế VAT sẽ kích cầu
Liên quan đến chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%, ông Tuấn cho hay, đơn vị đã triển khai nội bộ, xác định mã hàng hóa thuộc diện giảm thuế VAT để lên kế hoạch kịp thời điều chỉnh lại tem, bảng giá trên toàn hệ thống, bắt đầu áp dụng từ 1/7. Theo ông, bên cạnh chương trình khuyến mại, việc giảm thuế VAT sẽ kích cầu mua sắm, tiêu dùng.
Tương tự, đại diện MM Mega Market Việt Nam nhìn nhận, chính sách giảm thuế VAT của Chính phủ có độ lan toả nhanh. Nhiều khách hàng gọi điện đến tổng đài của siêu thị để hỏi việc giảm thuế đã được thực hiện chưa trước khi quyết định đi mua sắm.
Từ đầu tháng 7 tới nay, siêu thị cảm nhận rõ hơn “sức nóng” do nhu cầu mua sắm tăng. Chứng tỏ, chính sách đã có tác động tốt, kích cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, ông Đinh Quang Khôi cho biết, quá trình điều chỉnh thuế VAT từ 10% xuống 8%, đơn vị phải thay đổi toàn bộ hệ thống, rất phức tạp, bởi còn liên quan tới hệ thống cung cấp, các nhà máy sản xuất hàng hoá.
Doanh nghiệp mất tới 2-3 tháng để chuẩn bị cho việc giảm thuế VAT. Chưa kể, hết thời hạn giảm thuế, họ lại mất thêm thời gian tương tự để thay đổi khi thuế VAT quay về mức 10%. Do đó, ông cho rằng chu kỳ giảm thuế VAT nên được kéo dài hơn.
"Tác động của giảm thuế VAT là có, người dân tới mua hàng tăng. Đây là một chính sách tốt, nhưng chúng tôi kiến nghị Chính phủ nên kéo dài hơn. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, 6 tháng áp dụng là quá ngắn, chưa đủ để kích thích người tiêu dùng chi tiêu như trước", ông Khôi nói.
VN-Index vượt 1.230 điểm, một doanh nghiệp bị bán 40% vốn
Doanh nghiệp Hàn Quốc muốn hợp tác liên doanh, chuyển giao công nghệ với Việt Nam