'Trong kỷ nguyên mới, mọi người dân Việt Nam đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc'
Theo ông Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tuyên giáo Trung ương, trong kỷ nguyên mới, mọi người dân Việt Nam đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh.
Ngày 15/11, Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”.
Bắt đầu từ tư duy mới, hành động mới
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, để thực hiện thắng lợi “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, cần bắt đầu từ tư duy mới và hành động mới trong lãnh đạo, quản lý.
Theo ông Sơn, đây là kỷ nguyên cả dân tộc nỗ lực tư duy và hành động vì mục tiêu phát triển quốc gia - dân tộc từ nay đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước phát triển có mức thu nhập trung bình cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định cần tập trung cao nhất cho đột phá chiến lược về thể chế và phát triển, đổi mới mạnh mẽ về công tác cán bộ, hoàn thiện đồng bộ và đột phá mẽ trong xây dựng, phát triển hạ tầng chiến lược. Trong đó, trọng điểm là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng năng lượng”, PGS.TS. Phạm Minh Sơn nói.
Theo Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, điều kiện thực hiện thắng lợi “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” là phải bảo đảm được vai trò lãnh đạo phát triển quốc gia của Đảng. Cụ thể hơn là vai trò truyền cảm hứng và dẫn dắt của đội ngũ lãnh đạo chính trị cấp chiến lược, đặc biệt là lãnh đạo chủ chốt.
Tại hội thảo, PGS.TS. Lê Hải Bình, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) và điện toán đám mây (Cloud), đã và đang làm thay đổi sâu sắc phương thức quản trị quốc gia và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối với Việt Nam, sự thay đổi này mang lại cả cơ hội và thách thức, khi quốc gia không chỉ phải nâng cao hiệu quả quản trị mà còn phải nắm bắt thời cơ để đẩy nhanh tốc độ phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh này, khát vọng phát triển trở thành động lực thúc đẩy toàn xã hội, nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao, xã hội thịnh vượng và sánh vai với các cường quốc năm châu.
"Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định dấu mốc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để thực hiện khát vọng này, hệ thống quản trị quốc gia phải phát huy tối đa vai trò kiến tạo và thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực, đồng thời duy trì sự ổn định và đồng thuận trong xã hội”, PGS.TS. Lê Hải Bình nói.
Khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc
Phát biểu kết luận hội thảo, theo ông Lại Xuân Môn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban tuyên giáo Trung ương, “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” là kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc. Trong kỷ nguyên mới, mọi người dân Việt Nam đều được phát triển toàn diện, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, văn minh.
Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội 14 của Đảng, thời điểm hoàn thành công cuộc đổi mới sau 40 năm lao động, sáng tạo bền bỉ và đạt được những thành tựu vĩ đại.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban tuyên giáo Trung ương cho biết, các ý kiến tham luận tại hội thảo nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; Về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Về cán bộ và công tác cán bộ; Về chống lãng phí…
Trong đó, về công tác cán bộ cần triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, tạo chuyển biến căn bản về xây dựng đội ngũ cán bộ trong giai đoạn mới. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người.
Bên cạnh đó, cần chú trọng rà soát, bồi dưỡng, thử thách, sàng lọc đối với nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, nhất là nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 14 theo hướng tinh gọn, thực đức, thực tài, đủ sức lãnh đạo sự nghiệp kiến tạo “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Theo ông Lại Xuân Môn, các tham luận thống nhất cao với nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm: Thực tế hiện nay lãng phí diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển.
Do vậy, các tham luận thống nhất quan điểm đẩy mạnh phòng, chống lãng phí là một trọng tâm trong chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, được xếp ngang với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án gây thất thoát, lãng phí lớn.
>>Làm thế nào để xây dựng được bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả?