Trồng nho dưới pin mặt trời, sản xuất ra những chai vang có vị ngon bất ngờ
Những cây nho trồng dưới tấm pin mặt trời chín chậm và chất lượng tốt hơn, từ đó sản xuất ra những chai rượu vang thơm ngon.
Tại thị trấn Laterza, tỉnh Taranto (Ý), nhà máy rượu La Svolta đã triển khai hệ thống năng lượng mặt trời trên cánh đồng trồng nho để vừa sản xuất ra những chai vang chất lượng cao, lại có năng lượng sạch. Đây là một bước chuyển biến đánh dấu mốc quan trọng cho nền nông nghiệp bền vững.
Các tấm pin quang điện được lắp đặt trên cánh đồng nho, nhờ đó quá trình chín của nho chậm lại, kéo dài thời gian thu hoạch thêm 4 tuần so với các vườn không lắp pin năng lượng mặt trời. Chất lượng của rượu vang không bị giảm mà còn ngon hơn. Nhờ các tấm pin quang điện che nắng, giúp điều hòa nhiệt độ quanh cây nho, bảo vệ chúng khỏi thời tiết khắc nghiệt. Đây là giải pháp rất quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
La Svolta trồng hai giống nho chính là Primitivo, một giống nho đỏ đặc trưng của miền Nam nước Ý và Goldtraminer, một giống nho trắng thơm thường được trồng ở vùng núi cao mát mẻ Trentino.
Giống nho Goldtraminer không thích hợp với khí hậu ấm. Các tấm pin quang điện giúp cho khí hậu bên dưới giữ ở mức thấp hơn, cây nho được bảo vệ tránh ánh nắng trực tiếp, từ đó thời gian chín kéo dài và kiểm soát chất lượng tốt hơn.
Một lợi thế của quá trình chín kéo dài là hàm lượng đường trong nho tăng dần. Đối với cả 2 giống nho Primitivo và Goldtraminer, hàm lượng đường đều vượt quá mong đợi, hứa hẹn những loại rượu vang có hương vị đậm đà và phức hợp hơn.
La Svolta dự đoán, vụ nho năm nay đặc biệt chất lượng, trong đó giống nho Goldtraminer thích nghi ấn tượng với khí hậu ấm hơn nhờ trồng dưới các tấm pin quang điện.
Không chỉ kéo dài thời gian thu hoạch, tấm pin mặt trời còn giúp cây nho tránh được nắng nóng mùa hè. Nghiên cứu từ Đại học Verona và Bari cho thấy, hệ thống nông nghiệp và quang điện có thể giảm căng thẳng do thiếu nước trên cây trồng tới 20%, tối ưu hóa việc sử dụng nước, một yếu tố ngày càng quan trọng khi hạn hán trở nên thường xuyên hơn.
Ngoài ra, cây nho được trồng dưới các tấm pin này có khả năng sinh trưởng khỏe mạnh hơn so với những cây tiếp xúc hoàn toàn với ánh nắng mặt trời. Việc che nắng một phần giúp điều chỉnh nhiệt độ và tốc độ gió, góp phần tăng năng suất và chất lượng quả tốt hơn.
Thực tế hiệu quả của nông nghiệp và quang điện đã được chứng minh. Tại Puglia, các vườn nho của La Svolta đã thu hoạch sớm hơn bình thường do nhiệt độ mùa hè khắc nghiệt. Trong khi đó, hệ thống quang điện tại Vigna Agrivoltaica giúp cây nho phát triển chậm hơn, làm chậm quá trình thu hoạch và cho phép độ axit và lượng đường cân bằng hơn.
Đến cuối tháng 8, nho Primitivo dưới tấm pin mặt trời đo được 21 độ đường, hàm lượng đường lý tưởng để làm rượu vang, trong khi nho trong các vườn tiếp xúc hoàn toàn với ánh nắng mặt trời đã vượt quá 25 độ đường, chín quá mức để lên men rượu.
Ngoài giống nho Primitivo và Goldtraminer, kết hợp quang điện và trồng nho cũng mang lại kết quả khả quan với giống Falanghina, một loại nho trắng nổi tiếng với độ axit tự nhiên cao, lý tưởng để sản xuất rượu vang sủi bọt.
Falanghina được trồng dưới các tấm pin mặt trời đặc biệt thuận lợi cho việc phát triển rượu vang sủi bọt theo phương pháp truyền thống, nhờ vào điều kiện mát mẻ, chín chậm do các tấm pin tạo ra.
Hệ thống quang điện công nghệ màng mỏng được lắp đặt trên 3ha đất. Các tấm pin được lắp nghiêng để tối ưu hoá khả năng thu năng lượng mặt trời, chịu được gió của khu vực, công suất 970 kWp.
Theo La Svolta, mô hình kép năng lượng mặt trời và sản xuất rượu nho mang lại hiệu quả về mặt sinh thái và kinh tế, tạo ra năng lượng sạch, giảm khí thải carbon, góp phần phát triển bền vững môi trường. Hệ thống này còn tăng sản lượng nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng nhờ vào nâng cao chất lượng và năng suất nho.
(Theo Vinetur)