Trump 2.0 và cơn bão thuế quan: Thị trường ngoại hối toàn cầu sắp chao đảo?
Trump 2.0 kích hoạt cơn bão thuế quan, thị trường ngoại hối toàn cầu chao đảo. USD tăng vọt, vàng bứt phá, trái phiếu Chính phủ Mỹ biến động mạnh, đồng nội tệ các nước lao đao.
Ngay sau khi nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1/2025, Tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng thực hiện lại chính sách bảo hộ thương mại cứng rắn bằng cách áp thuế 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và đe dọa tăng thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Canada và Mexico. Theo Ngân hàng UOB (Singapore), “sự leo thang thuế quan lần này có thể trở thành trạng thái bình thường mới của nền kinh tế toàn cầu”. Không chậm trễ, Trung Quốc ngay lập tức phản công bằng cách áp thuế cao hơn lên than, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), dầu thô và hàng hóa nông sản từ Mỹ, đồng thời hạn chế xuất khẩu kim loại hiếm – một nguyên liệu thiết yếu trong ngành công nghệ và sản xuất công nghiệp.
Tác động của các chính sách này không chỉ dừng lại ở thương mại song phương mà còn gây ra hiệu ứng lan tỏa toàn cầu. Theo UOB, nếu Mỹ áp thuế từ 10%-20% lên tất cả hàng nhập khẩu, GDP toàn cầu có thể giảm ít nhất 1,5% trong năm 2025. Hệ quả là dòng vốn đầu tư toàn cầu sẽ bị xáo trộn, chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng và niềm tin thị trường lao dốc.
Sự tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu
Cuộc chiến thương mại lần này không chỉ nhắm vào Trung Quốc như giai đoạn 2018-2019, mà còn mở rộng ra các đối tác thương mại quan trọng khác như Mexico, Canada và có thể là cả Liên minh châu Âu (EU). Nếu Mỹ chính thức áp thuế 25% lên hàng hóa từ Mexico và Canada, theo UOB, nền kinh tế của hai nước này có thể rơi vào suy thoái.
![]() |
Canada, Mexico, Trung Quốc và EU: Bốn đối tác thương mại chủ chốt chiếm 60% tổng nhập khẩu vào Mỹ. Nguồn: Bloomberg, UOB Global Economics & Markets Research. |
Hiện tại, Canada và Mexico chiếm 41% tổng nhập khẩu của Mỹ, trong đó cung cấp 75% lượng dầu thô nhập khẩu vào nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu thuế suất 25% được áp dụng đối với năng lượng nhập khẩu từ hai nước này, giá dầu có thể nhảy vọt lên mức 90-100 USD/thùng, gây áp lực lớn lên lạm phát và làm tăng chi phí sản xuất, tiêu dùng tại Mỹ. Theo UOB, nếu giá dầu tiếp tục tăng mạnh, lạm phát Mỹ có thể vọt lên 3,1% vào cuối năm 2025.
![]() |
2/3 lượng dầu thô nhập khẩu vào Mỹ đến từ Canada và Mexico. Nguồn: Bloomberg, UOB Global Economics & Markets Research. |
Không chỉ dừng lại ở năng lượng, Trung Quốc đã chọn cách trả đũa bằng cách hạn chế xuất khẩu kim loại hiếm – nguyên liệu quan trọng trong sản xuất chip bán dẫn, xe điện và các sản phẩm công nghệ cao. Điều này có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào tình trạng gián đoạn nghiêm trọng. Theo UOB, “việc hạn chế xuất khẩu kim loại hiếm sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chip bán dẫn, kéo theo giá cả các sản phẩm công nghệ gia tăng”. Nếu tình hình không được kiểm soát, giá của các thiết bị công nghệ như iPhone, laptop, xe điện có thể tăng thêm từ 10%-15% trong năm nay.
Ngoài ra, căng thẳng thuế quan có thể làm dịch chuyển dòng vốn quốc tế, khiến đồng tiền của các nước mới nổi chịu áp lực mất giá. Theo dự báo của UOB, USD/CNY có thể tăng lên 7,65 vào quý 3/2025, trong khi USD/VND có thể đạt mức 26.000 VND/USD.
![]() |
Tỷ giá CNY duy trì ổn định ở mức 7,17 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, giảm áp lực mất giá RMB. Nguồn: Bloomberg, UOB Global Economics & Markets Research. |
Thị trường ngoại hối toàn cầu rung chuyển trước cơn bão thuế quan
Giữa cơn bão thuế quan, đồng USD trở thành tài sản trú ẩn an toàn, giúp đồng tiền này tăng giá mạnh. Theo UOB, Chỉ số US Dollar Index (DXY) dự báo sẽ đạt 112.6 vào quý 2/2025, tăng mạnh so với mức 100 vào cuối năm 2024. Cùng với đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 4,4%, phản ánh lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát. Theo UOB, “việc thuế quan làm tăng chi phí nhập khẩu sẽ gây áp lực lên lạm phát, khiến Fed khó có thể cắt giảm lãi suất mạnh như kỳ vọng trước đó”.
![]() |
Chỉ số US Dollar Index (DXY) và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đồng loạt tăng mạnh từ tháng 9 năm ngoái. Nguồn: Bloomberg, UOB Global Economics & Markets Research. |
Trên thị trường ngoại hối, các đồng tiền châu Á chịu áp lực mất giá. Sự mất giá của đồng CNY có thể kéo theo đà suy yếu của các đồng tiền khu vực như SGD, MYR, IDR và THB, khiến chi phí nhập khẩu tăng cao và ảnh hưởng đến cán cân thương mại của nhiều nền kinh tế.
Vàng lập đỉnh mới: Liệu có thể chạm 3.000 USD/oz?
Bên cạnh đà tăng của USD, giá vàng cũng đang lập những kỷ lục mới khi nhu cầu trú ẩn an toàn gia tăng. Giá vàng giao ngay đã tăng từ 2.650 USD/oz vào đầu tháng 1/2025 lên 2.820 USD/oz. Theo UOB, “nhu cầu mua vàng vật chất từ các ngân hàng trung ương và nhà đầu tư tổ chức đang tăng mạnh, phản ánh lo ngại về cuộc chiến thương mại và bất ổn kinh tế toàn cầu”. Ngân hàng này dự báo giá vàng có thể đạt 3.000 USD/oz vào cuối năm 2025 nếu tình hình căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang.
![]() |
Dự trữ vàng COMEX tăng mạnh cùng với sự gia tăng trong giao hàng. Nguồn: Bloomberg, UOB Global Economics & Markets Research. |
Theo UOB, có ba kịch bản chính có thể xảy ra đối với kinh tế toàn cầu trong năm 2025. Trong kịch bản cơ sở với xác suất 55%, Mỹ áp thuế 25% lên Trung Quốc, Canada và Mexico, khiến GDP Mỹ giảm xuống 1,8%, lạm phát tăng 2,5% và vàng đạt 3.000 USD/oz. Trong kịch bản bi quan với xác suất 40%, Mỹ áp thuế toàn diện từ 10%-20%, khiến GDP Mỹ chỉ tăng 1%, lạm phát vọt lên 3,1%, đồng USD mạnh lên mức 115 và giá vàng tiếp tục leo thang. Trong khi đó, kịch bản lạc quan với xác suất 5% sẽ xảy ra nếu các cuộc đàm phán thương mại thành công, giúp thị trường ngoại hối toàn cầu ổn định trở lại.
Dù ở kịch bản nào, sự leo thang thuế quan cũng khiến nền kinh tế toàn cầu đối diện với những rủi ro lớn chưa từng có. Nhà đầu tư cần có chiến lược linh hoạt để thích nghi với môi trường mới, nơi mà “Mức phí bảo hiểm rủi ro thuế quan” có thể trở thành yếu tố then chốt định hình xu hướng thị trường trong thời gian tới.
>> Lạm phát Mỹ hạ nhiệt nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu 2%: Fed sẽ làm gì tiếp theo?