Cuộc chiến thuế quan leo thang: Ông Trump áp thuế 25% lên thép – nhôm, Trung Quốc vội ‘trả đũa’, Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao?
Mỹ áp thuế 25% lên thép, nhôm, Trung Quốc lập tức đáp trả, làm dấy lên lo ngại về cuộc chiến thuế quan mới và tác động lớn đến kinh tế Việt Nam.
Thuế quan mới: Đòn đáp trả từ Mỹ
Vào ngày 10/2 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố kế hoạch áp thuế 25% lên tất cả các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Động thái này được coi là một bước leo thang mới trong chính sách thương mại của ông Trump, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp nội địa và đối phó với các đối tác thương mại lớn, đặc biệt là Trung Quốc.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, mức thuế mới sẽ được áp dụng ngoài các mức thuế hiện hành đối với thép và nhôm. Điều này đồng nghĩa với việc các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu thêm gánh nặng thuế quan đáng kể.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã áp dụng mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, nhưng đã cấp hạn ngạch miễn thuế cho một số đối tác như Canada, Mexico, và Brazil. Cựu Tổng thống Joe Biden sau đó đã mở rộng hạn ngạch này cho Anh, Nhật Bản, và Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, công suất sử dụng nhà máy thép của Mỹ vẫn tiếp tục giảm trong những năm gần đây, thúc đẩy động thái mới từ chính quyền Trump.
Ông Trump cũng tuyên bố sẽ công bố mức thuế quan "có đi có lại" vào ngày 11/2 hoặc 12/2, có hiệu lực gần như ngay lập tức. Đây được coi là một phần trong chiến lược nhằm đảm bảo Mỹ được đối xử công bằng trong các giao dịch thương mại quốc tế.
![]() |
Tổng thống Donald Trump trên Không lực Một, ngày 9/2/2025. Ảnh Reuters |
>> Việt Nam xuất khẩu thép sang Mỹ đạt 1,2 tỷ USD, đối diện thách thức lớn khi ông Trump áp thuế 25%
Trung Quốc phản ứng: Đòn trả đũa 14 tỷ USD
Ngay sau động thái của Mỹ, Trung Quốc đã công bố các biện pháp trả đũa, áp thuế 15% lên than và khí đốt tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu từ Mỹ, cùng với mức thuế 10% đối với thiết bị nông nghiệp và dầu thô. Tổng giá trị hàng hóa Mỹ bị ảnh hưởng ước tính lên tới 14 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, phản ứng của Trung Quốc lần này tương đối hạn chế và mang tính chiến lược, nhằm tạo không gian cho đàm phán trước khi thuế quan có hiệu lực. Ông Shen Dingli, một học giả về quan hệ quốc tế tại Thượng Hải, nhận định: "Trung Quốc đã kiềm chế trong các biện pháp đối phó của mình. Họ chỉ nhắm vào một số sản phẩm năng lượng nhất định thay vì thực hiện một biện pháp trả đũa toàn diện".
Ngoài thuế quan, Trung Quốc còn sử dụng các biện pháp khác như hạn chế xuất khẩu khoáng sản, điều tra chống độc quyền đối với Google, và đưa các công ty Mỹ như PVH (sở hữu thương hiệu Tommy Hilfiger và Calvin Klein) vào danh sách đen.
Tác động đến doanh nghiệp Việt Nam
Việt Nam, với tư cách là một trong những nhà xuất khẩu thép và nhôm lớn vào Mỹ, sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ động thái này. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam với 1,11 triệu tấn, tăng 89% so với cùng kỳ năm trước.
TS. Bùi Lê Minh, giảng viên Khoa Tài chính tại Đại học FPT, nhận định: "Việc Mỹ tăng thuế nhằm bảo hộ ngành thép nội địa, buộc các nước xuất khẩu lớn phải ngồi lại đàm phán. Việt Nam, cùng với Canada, Brazil, Mexico, và Hàn Quốc, sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp."
Các doanh nghiệp thép lớn của Việt Nam như Hòa Phát (HPG), Hoa Sen (HSG), và Nam Kim (NKG) cũng sẽ đối mặt với thách thức. Theo đánh giá của Chứng khoán ACB (ACBS), Hòa Phát chịu ảnh hưởng trực tiếp khá thấp do tỷ trọng xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 30% doanh thu, trong đó thị trường Mỹ đóng góp 5-10% doanh thu xuất khẩu.
Tuy nhiên, Nam Kim và Hoa Sen có thể gặp khó khăn hơn. Xuất khẩu chiếm 40-60% doanh thu của Nam Kim, với Mỹ là thị trường lớn thứ ba. Trong khi đó, Hoa Sen có 40-50% doanh thu từ xuất khẩu, với thị trường Mỹ đóng góp 15-20%.
Thủ tướng yêu cầu kịch bản ứng phó chiến tranh thương mại
Tại phiên họp Chính phủ ngày 5/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảnh báo nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hẹp thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Ông yêu cầu các bộ, ngành đánh giá sát tình hình, xây dựng kịch bản ứng phó nhằm duy trì đà tăng trưởng.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận định căng thẳng thương mại gia tăng khi Mỹ áp thuế nhập khẩu mới, trong khi kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, các nền kinh tế lớn tiếp tục giảm lãi suất. Tháng 1/2025, Việt Nam xuất siêu 1,23 tỷ USD, nhưng xuất khẩu đối mặt thách thức từ hàng rào thuế quan và cạnh tranh gia tăng.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm nay. Để đạt được, Thủ tướng đề xuất làm mới động lực truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) song song với thúc đẩy kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo và mở rộng thị trường.
Đầu tư công tiếp tục là động lực chính, với giải ngân tháng 1 đạt 35.400 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Chính phủ sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, trong đó có 3.000 km cao tốc vào năm 2025, khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất từ 30/4, hoàn thành giai đoạn 1 sân bay Long Thành trong năm nay.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2025 để bổ sung vốn cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đồng thời nghiên cứu chính sách xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) nhằm đảm bảo an ninh năng lượng.
Shein tăng tốc chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam để đối phó thuế quan Mỹ
Dự báo mới về lãi suất, giá vàng từ áp lực thuế quan của ông Trump