Nhịp sống

Trung bình người Việt ngoài 27 tuổi mới kết hôn lần đầu, mức sinh giảm thấp nhất trong lịch sử

Vĩ Hạ 29/08/2024 - 09:37

Tại TP. HCM, độ tuổi kết hôn lần đầu là 30,4, cao nhất Việt Nam, góp phần tạo nên mức sinh thấp và đẩy nhanh già hóa dân số.

Sáng 28/8, Hội thảo quốc tế tham vấn chính sách, giải pháp ngăn chặn xu hướng mức sinh thấp được Cục Dân số (Bộ Y tế) đã được tổ chức tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số cho biết: "Tuổi kết hôn trung bình lần đầu thay đổi theo hướng muộn hơn". Ông Hoàng dẫn chứng, năm 1999 lứa tuổi kết hôn là 24,1 và 10 năm sau lên 25,2 tuổi. Năm 2023, tuổi trung bình kết hôn là 27,2.

Xu hướng kết hôn muộn và việc nhiều người chọn sống độc thân, không kết hôn được xem là những nguyên nhân chính dẫn đến mức sinh giảm. Chẳng hạn, tại TP. HCM, độ tuổi kết hôn lần đầu là 30,4, cao nhất cả nước, góp phần vào mức sinh thấp và gia tăng tốc độ già hóa dân số. Những lý do dẫn đến kết hôn muộn hoặc không kết hôn bao gồm công việc bận rộn, khó khăn tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp hoặc chưa tìm được người phù hợp...

Một đám cưới tập thể được tổ chức năm 2022. Ảnh: Sưu tầm

Một đám cưới tập thể được tổ chức năm 2022. Ảnh: Sưu tầm

Mức sinh của Việt Nam đang ở "mức đáng lo ngại" với xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế. Tổng tỷ suất sinh năm 2023 trên cả nước là 1,96 con/phụ nữ, thấp nhất từ trước đến nay và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tới. Hiện có 2/6 vùng kinh tế - xã hội có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế, gồm Đông Nam BộĐồng bằng sông Cửu Long, trong đó, phụ nữ vùng Đông Nam Bộ có số con trung bình là 1,47 - thấp nhất cả nước.

Theo số liệu từ các tỉnh, thành phố, đã có 21/63 địa phương có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước; phần lớn nằm ở các vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, nơi đô thị hóa cao và tăng trưởng kinh tế nhanh.

Mức sinh tại khu vực thành thị luôn thấp hơn 2 con/phụ nữ và hầu như không thay đổi đáng kể trong gần hai thập kỷ qua (xoay quanh mức 1,7-1,8 con/phụ nữ). Mức sinh tại khu vực nông thôn giảm khá nhanh từ 2,57 con/phụ nữ (năm 1999) xuống còn 2,2 con/phụ nữ (năm 2019) và tiếp tục giảm xuống còn 2,07 con/phụ nữ vào năm 2023.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy nếu mức sinh tiếp tục giảm với tốc độ hiện nay mà không có các giải pháp kịp thời, đến giai đoạn 2054-2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm và giảm ngày càng nhanh. Theo tính toán, năm 2024, với mức sinh thấp, tỷ lệ tăng dân số bình quân sẽ là 0,9% và giảm còn 0,68% vào năm 2029, tiếp tục giảm xuống 0,06% vào năm 2054 và từ năm 2059, dân số bắt đầu tăng trưởng âm.

Các chuyên gia cảnh báo, nếu Việt Nam không có các chính sách kinh tế - xã hội và dân số đột phá, mức sinh sẽ tiếp tục giảm sâu, "đi theo con đường" của Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản hiện nay. Nếu có chính sách phát triển bền vững, tạo điều kiện cho thanh niên lập gia đình, sinh con, nuôi con thuận lợi thì mức sinh sẽ tăng.

Một số gợi ý được đưa ra như chuyển từ quy định lương tối thiểu sang quy định lương đủ sống tối thiểu cho gia đình 4 người; hỗ trợ vợ chồng sinh đủ hai con được mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em...

>> Việt Nam vào top các quốc gia già hóa dân số nhanh nhất thế giới, Bộ Y tế đề xuất giải pháp ứng phó

Đông Nam Á đối mặt với 'bom hẹn giờ' già hóa dân số, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia có tỷ lệ người già cao nhất khu vực

Việt Nam trồng được 'kho báu' sản lượng lớn thứ 3 thế giới: 'Cứu tinh' của gần một nửa dân số toàn cầu, tự tin mang về 5 tỷ USD trong năm nay

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/trung-binh-nguoi-viet-ngoai-27-tuoi-moi-ket-hon-lan-dau-muc-sinh-giam-thap-nhat-trong-lich-su-d131725.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Trung bình người Việt ngoài 27 tuổi mới kết hôn lần đầu, mức sinh giảm thấp nhất trong lịch sử
POWERED BY ONECMS & INTECH