Trung Quốc ghi nhận tín hiệu phục hồi trong xuất khẩu
Tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 đã tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, trái ngược với mức giảm 7,5% được ghi nhận vào tháng trước.
Dữ liệu trên được công bố bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong ngày 9/5.
Theo đó, kết quả tích cực đến từ xu hướng gia tăng xuất khẩu của một số sản phẩm cơ khí và công nghệ cao, bao gồm cả ô tô. Tuy nhiên, xu hướng trái ngược lại diễn ra đối với thép và lĩnh vực may mặc, khi nhu cầu của người dùng với hai sản phẩm này suy giảm đáng kể.
Đáng chú ý, Trung Quốc đang tăng cường xuất khẩu đến các thị trường như Brazil và khu vực Đông Nam Á, trong khi chứng kiến mức sụt giảm tại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Báo cáo cũng chỉ ra hoạt động sản xuất của Trung Quốc tiếp tục tăng trong tháng 4, tháng thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, do nhu cầu trong nước không cao, nhiều doanh nghiệp tại đất nước tỷ dân đang bán tháo ra thị trường nước ngoài với mức giá chiết khấu. Điều này tuy góp phần vào sự phục hồi của ngành xuất khẩu, nhưng lại làm gia tăng nguy cơ bất ổn thương mại toàn cầu do nguy cơ hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thế giới.
Mỹ và châu Âu cho rằng Trung Quốc đang bán trên thị trường toàn cầu các sản phẩm giá rẻ để đối phó với tình trạng dư thừa công suất. Đây cũng là trọng tâm trong chuyến thăm gần đây của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Trung Quốc.
Nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua mức tăng dự đoán 4,8% trong cuộc thăm dò ý kiến của Reuters và phục hồi trở lại sau mức giảm 1,9% vào tháng 3.
Ngành nhập khẩu cũng chứng kiến mức tăng ấn tượng, phần lớn đến từ sự gia tăng của việc nhập khẩu mặt hàng công nghệ cao và dầu thô. Các lô hàng nhập khẩu từ Nga và Mỹ tăng lần lượt 19,1% và 9,3% trong tháng 4.
Trong bốn tháng đầu tiên của năm 2024, hàng xuất khẩu từ Trung Quốc ra nước ngoài tăng nhẹ 1,5%, trong khi kim ngạch đầu vào tăng 3,2%.
Ông Zichun Huang - một nhà kinh tế tại công ty nghiên cứu Capital Economics của Anh dự đoán: “Chúng tôi cho rằng khối lượng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ giảm trong những tháng tới do mức tiêu dùng tại các nền kinh tế phát triển giảm và việc giảm giá xuất khẩu không còn tạo ra nhiều ảnh hưởng”.
IMF cảnh báo căng thẳng Mỹ - Trung Quốc có nguy cơ 'đảo ngược' nền kinh tế toàn cầu