Thay vì uranium, nhà máy điện hạt nhân này sử dụng thorium làm nhiên liệu. Đây là một ưu thế lớn của Trung Quốc.
Trong thời điểm quan trọng đối với sự phát triển năng lượng hạt nhân, Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân muối nóng chảy đầu tiên trên thế giới tại Sa mạc Gobi. Đây là tham vọng lớn của Trung Quốc nhằm định hình lại năng lượng toàn cầu bằng công nghệ cao và triển vọng về một ngành công nghiệp điện hạt nhân an toàn hơn và xanh hơn.
Thay vì uranium, nhà máy này sử dụng thorium làm nhiên liệu. Đây là một ưu thế lớn của Trung Quốc.
Uranium là nhiên liệu thường được dùng trong các lò phản ứng hạt nhân, nhưng tình trạng cạn kiệt uranium có thể xảy ra. Trong khi đó, Trung Quốc có nhiều thorium hơn uranium. Theo ước tính, Trung Quốc có đủ trữ lượng thorium để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong 20.000 năm.
Không giống như lò phản ứng dựa trên uranium, lò phản ứng thorium có những lợi ích như tính năng an toàn được cải thiện và ít chất thải hạt nhân dài hạn hơn.
Thiết kế của lò phản ứng muối được chế tạo riêng để sử dụng thorium làm tăng thêm các lợi thế bằng cách đảm bảo truyền nhiệt và hoạt động ổn định. Lò phản ứng không cần nước để làm mát do sử dụng muối lỏng hoặc carbon dioxide để truyền nhiệt và tạo ra điện.
Ngoài ra, lò phản ứng thorium tạo ra chất thải phóng xạ ít độc hại và tồn tại trong thời gian ngắn hơn so với các lò phản ứng chạy bằng uranium, do đó dễ dàng xử lý lâu dài.
Lò phản ứng thử nghiệm quy mô nhỏ hiện mới sản xuất được 2 MW nhiệt điện và chưa tạo ra điện.
Lò phản ứng này dự kiến sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động vào năm 2029, tạo ra nhiệt năng với công suất tối đa là 60 MW. Một phần nhiệt năng sẽ được dùng để điều khiển đơn vị năng lượng điện 10MW và phần còn lại sẽ tạo ra hydro bằng cách tách các phân tử nước ở nhiệt độ cao.
Dự án này phù hợp với tham vọng trung hòa carbon của Trung Quốc và thể hiện vai trò của nước này trong các sáng kiến toàn cầu về biến đổi khí hậu.
Việc ra mắt và vận hành một nhà máy như vậy ở Trung Quốc chắc chắn sẽ thiết lập chuẩn mực cho tất cả các quốc gia khác có mong muốn về năng lượng hạt nhân thay thế.
(Theo SCMP/Interesting Engineering)