Trước khi rút lui tại Việt Nam, ông lớn đứng sau Baemin làm ăn thế nào?
Đứng sau hãng giao đồ ăn Baemin là một tập đoàn công nghệ giao hàng nổi tiếng thế giới.
Thị trường giao đồ ăn ở Việt Nam được coi là mảnh đất màu mỡ, nhưng cũng đang trong một cuộc chiến khốc liệt khi có những doanh nghiệp ngày càng "thăng hạng", cũng có những doanh nghiệp rục rịch rút khỏi thị trường.
Baemin Việt Nam thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự
Thông tin mới đây, Baemin Việt Nam, liên doanh giữa Delivery Hero và Woowa Brothers, đã bắt đầu thu hẹp quy mô hoạt động và cắt giảm nhân viên.
Cùng với đó câu nói ẩn ý của bà Cao Thị Ngọc Loan, Giám đốc điều hành tạm thời của Baemin "Quyết định rút lui khỏi hoạt động của chúng tôi tại Việt Nam không phải là một quyết định được xem nhẹ” đã làm dậy sóng lên tin đồn Baemin sẽ rút lui hoàn toàn khỏi thị trường Việt Nam.
Baemin chính thức ‘chào sân’ thị trường Việt Nam từ tháng 5/2019, sau khi thâu tóm nền tảng giao dịch đồ ăn trực tuyến Vietnammm.com.
Hãng giao đồ ăn đến từ Hàn Quốc ban đầu hoạt động tại thị trường Tp. HCM, sau đó mở rộng ra các đô thị lớn khác tại Việt Nam. Đây là thời điểm thị trường giao đồ ăn gần như chỉ còn là 'cuộc chơi' của Grab và Now (Shopee Food hiện nay).
Theo một báo cáo gần đây từ nhà xây dựng liên doanh Momentum Works, Baemin đã gia tăng thị phần nhanh chóng tại Việt Nam từ 3% trong năm 2021 lên 12% trong năm 2022, Grab chiếm ngôi vương thị trường Việt Nam với 45% và 41% của ShopeeFood, còn lại 2% là của Gojek.
Đứng sau hãng giao đồ ăn này là Delivery Hero Group (Delivery Hero) – tập đoàn công nghệ giao hàng nổi tiếng thế giới, một trong 13 thành viên liên doanh vận hành ứng dụng giao đồ ăn Baemin.
Delivery Hero là nền tảng giao đồ ăn trực tuyến có trụ sở tại Berlin, Đức, hoạt động tại 40 quốc gia trên thế giới với giá trị giao dịch lên tới 6 tỷ USD với 519 triệu đơn hàng trong 6 tháng đầu năm nay.
Công ty tiến vào thị trường châu Á bằng đơn vị trực thuộc Foodpanda. Năm 2019, Doanh nghiệp mua lại Baemin – nền tảng giao đồ ăn tại Hàn Quốc, từng bước đưa ứng dụng này trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam.
Nhưng thời gian gần đây, Baemin Việt Nam thông báo dự định thu hẹp quy mô hoạt động và sa thải nhân viên tại đất nước hình chữ S. Tin tức này xuất hiện chỉ một ngày sau khi Foodpanda, một thương hiệu khác thuộc Delivery Hero, công bố quyết định giảm số lượng nhân viên trên khắp các thị trường châu Á - Thái Bình Dương.
Delivery Hero đã xác nhận rằng họ đang đàm phán để bán Foodpanda. Việc thu hẹp quy mô Baemin Việt Nam được hiểu là một bước hướng tới việc rút lui hoàn toàn khỏi thị trường này.
Ông Niklas Östberg, đồng sáng lập kiêm CEO của Delivery Hero hồi tháng 8 cũng đánh giá triển vọng tích cực đối với thị trường châu Á, nhưng ngoại trừ Việt Nam bởi cho rằng hoạt động kinh doanh này “không bao giờ có lãi” tại đây.
Delivery Hero đang làm ăn ra sao?
Theo công bố báo cáo tài chính, Delivery Hero kết thúc nửa đầu năm nay với doanh thu hơn 4,8 tỷ euro, tăng trưởng 26,8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn lỗ sau thuế hơn 832 triệu euro, cùng kỳ lỗ gần 1,5 tỷ euro.
Xét riêng thị trường châu Á, nửa đầu năm 2023 ghi nhận doanh thu 1,8 tỷ euro, giảm 1,8% so với cùng kỳ.
Tập đoàn giao hàng cho biết, mức tăng doanh thu là tăng trưởng “nội tại” (organic growth), đạt được thông qua việc mở rộng các dịch vụ giao hàng, tập trung cải thiện sự đa dạng chủng loại của sản phẩm trong các đơn vị “liên kết chiều dọc” (vertical intergration - chiến lược doanh nghiệp sở hữu hoặc kiểm soát các nhà cung cấp, nhà phân phối hoặc địa điểm bán lẻ của mình để kiểm soát chuỗi giá trị và cung ứng).
Ngoài ra, sự tăng trưởng đến từ đóng góp của Glovo – đơn vị gia nhập Delivery Hero từ năm 2022. Nếu không có thương vụ mua lại Glovo, mức tăng doanh thu có thể giảm đi đáng kể, chỉ còn khoảng 11,6%.
Đóng góp phần lớn vào cơ cấu doanh thu là hoa hồng từ voucher, đạt 1,6 tỷ euro trong nửa đầu năm 2023, tăng trưởng 29% và chiếm 33,3% tổng doanh thu Tập đoàn. Doanh thu từ các đơn vị ngành dọc chiếm 21,1%, đạt hơn 1 tỷ euro, tương ứng tăng trưởng hơn 32% nhờ mức cầu gia tăng từ khách hàng và liên kết tốt hơn giữa các đơn vị và chủng loại hàng cung cấp.
Chỉ số EBITDA điều chỉnh (adjusted EBITDA – thu nhập trước lãi, thuế, khấu hao hữu hình và vô hình) có sự cải thiện mạnh so với mức âm cùng kỳ, đạt 9,2 triệu euro (cùng kỳ âm 323 triệu euro). Đáng chú ý, chỉ số này tại châu Á chuyển từ âm thành dương, đạt 173,7 triệu euro (cùng kỳ âm 80,5 triệu euro).
Đây là điều được ông Niklas Östberg – CEO kiêm nhà sáng lập của Delivery Hero cảm thấy tự hào.
“Chúng tôi đã có một quý bùng nổ, tăng trưởng mạnh về khách hàng và đối tác giao hàng. Chúng tôi đạt được điều này trong bối cảnh đạt EBITDA điều chỉnh dương ở cấp độ Tập đoàn”, trích lời ông Östberg hồi tháng 08/2023. EBITDA dương cho thấy hiệu suất hoạt động của Doanh nghiệp đã cải thiện rất nhiều.
Delivery Hero cho biết bất chấp phải đối mặt với giai đoạn nhiều thách thức – bao gồm ảnh hưởng từ các nước châu Á tái mở cửa hậu COVID-19 trong nửa đầu năm 2023 – việc tiếp tục cải thiện đã tải khẳng định tiến trình hướng tới lợi nhuận của Tập đoàn. Nền tảng được tối ưu đã làm giảm được chi phí khách hàng, trong khi quy mô giỏ hàng và giá trị đơn hàng tối thiểu được cải thiện đã đóng góp nhiều hơn vào tỷ suất lợi nhuận.
Điểm tích cực nhất trong báo cáo bán niên của Delivery Hero là chỉ số GMV (gross merchandise value – chỉ số đo lường tổng giá trị hàng hóa bán ra trong khoảng thời gian nhất định, một dạng chỉ số đo hiệu suất trong ngành thương mại điện tử) tăng trưởng 11%, lên hơn 22,3 tỷ euro. Trong đó, thị trường châu Á giảm 5,9%, đạt hơn 12,6 tỷ euro.
Đóng góp lớn cho sự tăng trưởng này vẫn là Glovo, bởi đơn vị này chưa gia nhập Tập đoàn vào cùng kỳ 2022.
Rút lui khỏi thị trường Việt Nam, Gojek và Baemin để lại nhiều bài học cho các hãng giao đồ ăn
Baemin rút khỏi thị trường, doanh nghiệp Việt tăng tốc chiếm thị phần