Vĩ mô

TS Hoàng Dương Tùng: Hà Nội cần hành động quyết liệt để cứu bầu không khí nội đô

Minh Anh 16/07/2025 11:06

Chất lượng không khí tại Hà Nội đang suy giảm nghiêm trọng, TS Hoàng Dương Tùng cảnh báo: “Chúng ta không còn đường lùi” và nhấn mạnh cần hành động quyết liệt như Bắc Kinh từng làm để cứu lấy bầu không khí nội đô.

Chiều 15/7, tại tọa đàm “Quyết liệt bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân Thủ đô” do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức, TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, cho biết, chất lượng môi trường không khí tại Hà Nội đã và đang xuống cấp nghiêm trọng qua nhiều năm, đặc biệt rõ nét trong mùa đông, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Dẫn số liệu quan trắc nhiều năm qua, ông cho rằng không khí trong nội đô Hà Nội thường xuyên ở mức cảnh báo cao, với chỉ số AQI chuyển sang đỏ, tím, thậm chí nâu – mức nguy hại cho sức khỏe cộng đồng.

“Điều đáng lo ngại là xu thế này không những không giảm, mà còn có dấu hiệu gia tăng. Chúng ta thấy rằng ô nhiễm không khí đã trở thành một trong những vấn đề nóng nhất của Hà Nội,” ông Tùng nhấn mạnh.

TS Hoàng Dương Tùng: Hà Nội cần hành động quyết liệt để cứu bầu không khí nội đô
Cần sớm công bố các chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, hạ tầng sạc, phương án phát triển giao thông công cộng... một cách minh bạch, rõ ràng và dễ tiếp cận.

>>>Giải bài toán tư nhân hóa đường sắt: Mở cửa, nhưng làm sao vẫn giữ quyền kiểm soát?

TS Hoàng Dương Tùng dẫn ra một loạt các bài học quốc tế, đặc biệt nhấn mạnh trường hợp Bắc Kinh – nơi từng là một trong những thành phố ô nhiễm không khí nặng nề nhất thế giới hơn một thập kỷ trước, nhưng nay đã có những cải thiện rõ rệt nhờ các giải pháp mạnh tay, toàn diện và đồng bộ.

“Bắc Kinh đã từng là thành phố đứng đầu thế giới về mức độ ô nhiễm, nhưng chỉ trong vòng hơn 10 năm, nhờ nỗ lực rất lớn từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân, chất lượng không khí ở đây đã cải thiện rõ rệt,” ông nói.

Một trong những giải pháp đáng chú ý mà Bắc Kinh đã triển khai là chuyển đổi toàn bộ hệ thống xe buýt sang xe điện chỉ trong vòng 1–2 năm. Họ bắt đầu từ vùng lõi thành phố, sau đó mở rộng dần ra các khu vực khác, với sự hỗ trợ chính sách và đầu tư công rất mạnh mẽ.

Cũng theo TS Tùng, tại châu Âu hiện có hơn 300 vùng phát thải thấp đã được thiết lập, nơi chỉ cho phép các phương tiện “xanh” hoạt động, đồng thời cấm hoàn toàn các loại xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Mô hình này đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong việc giảm phát thải và cải thiện chất lượng không khí đô thị.

Ở khu vực Đông Nam Á, Bangkok (Thái Lan) và Indonesia cũng đang theo đuổi các kịch bản chuyển đổi tương tự. Đặc biệt, Indonesia sau một thời gian chỉ hỗ trợ tài chính cho việc chuyển đổi, đã rút ra bài học là “hỗ trợ không là chưa đủ”, và buộc phải kết hợp thêm biện pháp cấm các loại xe máy xăng, đồng thời tăng cường giao thông công cộng và xây dựng hạ tầng sạc. Người ta thấy rằng đấy là kịch bản hiệu quả nhất.

Đề cập đến tranh cãi quanh việc xe máy có phải là nguồn gây ô nhiễm chính hay không, TS Hoàng Dương Tùng khẳng định: “Không nên băn khoăn nữa. Các nghiên cứu khoa học và số liệu đều cho thấy, các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là xe máy – phát thải rất lớn. Nếu chuyển sang xe điện, lượng CO₂ giảm tới 70%.”

TS Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh, vấn đề ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM là điều đã được dự báo từ lâu, nhưng nếu không có hành động mạnh mẽ, nhanh chóng và quyết liệt, hậu quả sẽ ngày càng nặng nề và chi phí khắc phục sẽ đội lên rất cao.

“Chúng ta gần như không còn đường lùi. Càng đi chậm thì càng thiệt hại, càng tốn kém và các giải pháp càng trở nên phức tạp hơn,” ông cảnh báo.

TS Tùng cho biết người dân Hà Nội phần lớn ủng hộ các biện pháp bảo vệ môi trường, bởi điều đó gắn liền trực tiếp với sức khỏe của từng gia đình. Tuy nhiên, ông lưu ý chính quyền cần sớm công bố các chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, hạ tầng sạc, phương án phát triển giao thông công cộng... một cách minh bạch, rõ ràng và dễ tiếp cận.

“Chúng ta có thể học kinh nghiệm của các nước, họ công khai các chính sách chuyển đổi trên web, app để người dân dễ nắm bắt, dễ tham gia. Chính sách tốt phải dễ hiểu, dễ thực hiện,” ông nhấn mạnh.

>>>Tổng Giám đốc G-Home: Chỉ sau một đêm, hàng chục nghìn người không còn đủ điều kiện mua nhà ở xã hội

Chiều nay, Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí

Bầu trời Hà Nội mù đặc, chất lượng không khí kém nghiêm trọng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ts-hoang-duong-tung-ha-noi-can-hanh-dong-quyet-liet-de-cuu-bau-khong-khi-noi-do-296555.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    TS Hoàng Dương Tùng: Hà Nội cần hành động quyết liệt để cứu bầu không khí nội đô
    POWERED BY ONECMS & INTECH