Vĩ mô

TS. Nguyễn Quốc Việt: 'Việt Nam vẫn là điểm sáng của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024'

Khúc Văn 22/01/2024 - 15:49

Chuyên gia cho rằng, trước những bất lợi khi các quốc gia áp thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam vẫn tiếp tục là “điểm sáng” của các nhà đầu tư nước ngoài.

Năm 2023 đi qua trong sự khó khăn và nhiều bất lợi khiến nền kinh tế chưa thể bứt phá như mong muốn. Tuy vậy, hoạt động thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn thu được một số thành quả đáng ghi nhận và quan trọng, Việt Nam vẫn tiếp tục là “điểm sáng” của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024.

TS. Nguyễn Quốc Việt: 'Việt Nam vẫn là điểm sáng của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024'
Việt Nam vẫn tiếp tục là “điểm sáng” của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024

Sự chuyển hướng đáng mừng của dòng vốn FDI

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), khi nhìn sâu vào những con số thống kê, có thể thấy, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có sự chuyển hướng rõ nét. Nếu trước đây, lĩnh vực bất động sản thường đứng thứ hai chỉ sau lĩnh vực chế biến, chế tạo về tổng vốn đăng ký cấp mới, thì vài năm gần đây, đã “nhường chỗ” cho lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước và điều hòa.

>>Hiệp hội BĐS Việt Nam: Vẫn còn nhiều vấn đề cần bàn bạc và thống nhất trong Luật Đất đai sửa đổi

Dẫn chứng năm 2023, số lượng dự án FDI cấp mới và tổng vốn rót vốn vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt kỷ lục với hơn 1.000 dự án và trên 21,5 tỷ USD; vốn rót vào sản xuất, phân phối điện, khí, nước và điều hòa cũng rất cao, đạt hơn 2,37 tỷ USD…

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam năm 2023 đạt hơn 23,18 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 82,3%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí chiếm gần 6%; cao hơn 220 triệu USD so với lĩnh vực bất động sản.

Sắp tới, tỷ trọng vốn FDI thực hiện trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa sẽ càng tăng, do vốn đăng ký mới và tăng thêm của 2 ngành này tăng rất mạnh trong những năm vừa qua.

“Vốn FDI chảy vào ngành nào, lĩnh vực nào, khu vực nào cũng tốt, nhưng chúng ta đang trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nên mong muốn nguồn vốn này vào những ngành cần khuyến khích, những ngành mà doanh nghiệp nội địa chưa thể làm chủ được công nghệ cao. Vì vậy, sự chuyển hướng đầu tư của khu vực FDI là điều rất đáng mừng”, ông Việt nhận xét.

Bên cạnh đó, ông Việt cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đã bước đầu thực hiện một số công đoạn sản xuất, lắp ráp ở các nhà máy tại Việt Nam đối với một số sản phẩm công nghệ cao, công nghiệp chế tạo. Tiêu biểu là Samsung đã và đang giúp Việt Nam mở rộng hoạt động xuất khẩu từ chế biến sang công nghệ cao để tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Việc các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Intel, Samsung... đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam, theo chuyên gia là nhân tố góp phần thúc đẩy doanh nghiệp trong nước cải thiện năng suất, đổi mới công nghệ, áp dụng các mô hình sản xuất mới để phát triển và thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa. Đây là minh chứng cho thấy, doanh nghiệp trong nước đang từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, lan tỏa giá trị từ dòng vốn FDI tới nền kinh tế.

Hơn nữa, năm 2023, Việt Nam không chỉ thu hút được lượng FDI kỷ lục, mà còn đón hàng loạt tập đoàn công nghệ cao, đặc biệt là những “ông lớn” sản xuất chip bán dẫn của Hoa Kỳ như Marvell, Boeing, Qualcom, Ampere, ARM, Boeing, Nvidia, Intel, Synopsys, Google, Amkor... sang tìm hiểu để đầu tư vào Việt Nam sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược toàn diện.

Cùng thời điểm năm ngoái, Nhật Bản cũng đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện thứ sáu của Việt Nam, nên chắc chắn, những doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản cũng không muốn đứng ngoài “cuộc chơi lớn” này.

>>Nghệ An có thêm 5 dự án FDI với mức đầu tư lên tới 311 triệu USD

Việt Nam phải khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh động

Ở một góc độ khác, theo TS. Nguyễn Quốc Việt, kể từ năm nay khi các nước thực hiện quy định về thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến lợi thế so sánh về thuế suất hấp dẫn của Việt Nam không còn nữa. Vì vậy, để tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI, cần phát huy 2 lợi thế so sánh, đó là lợi thế so sánh tĩnh và so sánh động.

TS. Nguyễn Quốc Việt: 'Việt Nam vẫn là điểm sáng của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024'
Tập đoàn công nghệ toàn cầu như Intel, Samsung... đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực sản xuất công nghệ tại Việt Nam.

Về lợi thế so sánh tĩnh, chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, cần cù, chịu khó, sáng tạo; có nguồn tài nguyên khá lớn phục vụ ngành công nghiệp công nghệ cao; tham gia 16 hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới; chính trị, an ninh ổn định.

Tuy nhiên, lợi thế so sánh tĩnh này không gia tăng mạnh được, nên phải dựa nhiều hơn vào lợi thế so sánh động, gồm cơ chế, chính sách; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động; giảm chi phí đầu tư, kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để doanh nghiệp Việt Nam liên kết sâu hơn, rộng hơn với doanh nghiệp FDI...

“Chỉ có như vậy, Việt Nam mới duy trì được dòng vốn FDI, đặc biệt là thu hút tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao thay vì chỉ tập trung thu hút những ngành thâm dụng lao động phổ thông, gia công sản xuất, giá trị gia tăng thấp” ông Việt nhấn mạnh.

Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Trần Hoàng Ngân, mặc dù việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm mất đi lợi thế ưu đãi thuế của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư FDI, tuy nhiên cũng mang đến những lợi ích cho Việt Nam.

Lợi ích đầu tiên khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu là đảm bảo được quyền cũng như lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ thu được một khoản thuế bổ sung từ thuế tối thiểu toàn cầu. Mặt khác, việc áp dụng chính sách sẽ đảm bảo được sự công bằng và bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Do đó, để có thể giữ chân các nhà đầu tư công nghệ cao, ông Ngân cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa cho hạ tầng về giao thông để có thể góp phần giảm chi phí logistics, chi phí sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp bên cạnh việc đầu tư nâng cao hệ thống kết cấu hạ tầng - xã hội quốc gia. Không những thế, cần hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế xanh.

>>Vì sao Việt Nam là điểm sáng trong bức tranh ảm đạm kinh tế toàn cầu?

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc xuống đáy gần 5 năm, nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt bán tháo

VNDirect: ‘Dòng vốn FDI bền vững cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam’

EVN sắp tiếp nhận hai nhà máy điện khí BOT do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ts-nguyen-quoc-viet-viet-nam-van-la-diem-sang-cua-cac-nha-dau-tu-nuoc-ngoai-trong-nam-2024-220756.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
TS. Nguyễn Quốc Việt: 'Việt Nam vẫn là điểm sáng của các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2024'
POWERED BY ONECMS & INTECH