Chứng khoán VNDirect dự báo, GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng 7,5% dựa trên 4 động lực chính. Đây cũng là những động lực mở ra cơ hội cho nhiều nhóm ngành trên thị trường chứng khoán.
Lạc quan mục tiêu tăng trưởng GDP 2022
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, GDP quý IV/2021 tăng trưởng dương 5,22%, trong khi quý III âm 6,17%, kéo theo GDP cả năm tăng 2,58% so với năm 2020. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD - tăng 22,6% so với năm trước, đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất siêu 6 năm liên tiếp và lọt Top 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại quốc tế. Riêng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2021 ước đạt 336,25 tỷ USD - tăng 19% so với năm trước.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số CPI bình quân cả năm 2021 tăng 1,84% so với năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát và tỷ giá trong giới hạn kiểm soát. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (tính đến ngày 20/12/2021) đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, trong đó vốn đăng ký cấp mới đạt 15,25 tỷ USD - tăng 4,1% so với năm trước, thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với triển vọng kinh tế Việt Nam.
Hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 2022 - 2023 đang được Chính phủ xây dựng, hoàn thiện để đưa ra trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường thứ nhất Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 4/1/2022. Chương trình có quy mô dự kiến 800.000 tỷ đồng, tác động vào cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế trên 5 lĩnh vực: chống dịch, kết cấu hạ tầng, tài khóa, hỗ trợ doanh nghiệp và an sinh xã hội.
Theo ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% năm 2022 của Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được nếu đáp ứng 2 điều kiện: Kiểm soát tốt đại dịch và cải thiện cán cân cung - cầu.
Cụ thể, Chính phủ cần triển khai các biện pháp kích cầu trong bối cảnh vẫn còn dư địa về tài khóa và nợ công.
Các dự phóng tăng trưởng của VN-Index
Mục tiêu của Chứng khoán Yuanta Việt Nam đặt ra cho VN-Index vào cuối năm 2022 là 1.898 điểm, tương ứng với mức tỷ suất sinh lời trong 12 tháng là 29%.
"Con số này khá cao so với các bên, nhưng chúng tôi cho rằng đây là mức hợp lý khi xem xét đến những giả định tích cực về điều kiện thị trường tức là mức tăng trưởng lợi nhuận, thanh khoản và tâm lý thị trường", báo cáo của Yuanta viết.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn - nhất là với các nhà đầu tư cá nhân. Dòng vốn từ các nhà đầu tư nội vẫn có sự tăng trưởng nhất định trong năm 2022 nhưng phần nào đó sẽ bớt hào hứng hơn so với năm 2021 bởi mặt bằng giá cổ phiếu ở giai đoạn hiện tại nhìn chung đã được đẩy lên mức cao hơn khá nhiều so với thời điểm đầu năm 2021 và sự phục hồi chung của nền kinh tế cũng mở ra thêm những lựa chọn đầu tư khác cho nguồn vốn nhàn rỗi.
VCBS dự báo, mức cao nhất trong năm 2022 của chỉ số VN Index có thể tiến lên đến vùng điểm số 1.580 – 1.600 điểm - tương đương mức tăng khoảng 6 - 8% so với mức đỉnh của năm 2021.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Rồng Việt - VDSC dự báo VN-Index dao động trong khoảng 1.340 – 1.730 điểm, dựa trên kịch bản tăng trưởng EPS 17% năm 2022 và mức PE dự phóng 2022 là 16,4 lần.
Năm 2022, với ước tính bình quân mỗi tháng sẽ có thêm khoảng 150.000 tài khoản mở mới. Thanh khoản khớp lệnh bình quân toàn thị trường có thể dao động ở mức 30.000 - 35.000 tỷ đồng/phiên. Dù vậy thì theo VDSC, thị trường có thể sẽ "nhạy cảm" hơn và biến động mạnh trước thông tin tiêu cực, đặc biệt khi mà định giá cổ phiếu đã lên mặt bằng cao hơn rất nhiều so với giai đoạn trước khi xuất hiện COVID-19 lần đầu tiên.
Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, kỳ vọng tăng trưởng EPS cao là động lực chính thúc đẩy sự tăng giá của thị trường chứng khoán. Dựa trên dữ liệu thống kê mức P/E quá khứ, MAS nhận thấy mức P/E phù hợp với thị trường dao động trong khoảng 15 đến 17 lần.
Với mức dự phóng EPS tăng trưởng kép giai đoạn 2020 - 2022 khoảng 29%/năm và mức P/E khoảng 16 lần, MAS dự phóng VN-Index năm 2022 khoảng 1.700 điểm trong kịch bản cơ sở.
4 nhóm cổ phiếu mục tiêu
Trong báo cáo Chiến lược đầu tư 2022 với thông điệp “Dần khởi động cỗ máy tăng trưởng”, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo GDP năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng 7,5%. Đà tăng trưởng này, theo VNDirect dựa trên bốn động lực chính: Hoạt động sản xuất lấy lại đà tăng trưởng; xuất khẩu và FDI vẫn là điểm sáng trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh; cầu nội địa phục hồi nhờ các gói hỗ trợ tài khóa sắp triển khai; nền tảng vĩ mô tiếp tục được gia cố vững chắc, thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối ở mức cao.
Từ đó, công ty chứng khoán này đưa ra 4 chủ điểm đầu tư nổi bật trong năm 2022, dựa trên 4 nhóm ngành: Nhóm dầu khí và hóa chất (là nguyên liệu đầu vào cho mọi quá trình tái sản xuất, khôi phục kinh tế); nhóm năng lượng, bất động sản và bất động sản khu công nghiệp (do hưởng lợi từ đầu tư công); nhóm doanh nghiệp liên quan đến kinh tế số (lĩnh vực được đẩy mạnh trong và sau đại dịch); nhóm ngành bán lẻ, F&B và du lịch (hưởng lợi do cầu nội địa phục hồi).
Nhận định thị trường trong năm tới sẽ có nhiều triển vọng tốt, song ông Nguyễn Hoàng Giang, Chủ tịch Công ty Chứng khoán DNSE cho rằng, nhóm ngành được hưởng lợi sẽ có sự phân hóa...
Giới chuyên gia cũng nhận định, ngành tài chính, chứng khoán, dịch vụ liên quan đến bán lẻ sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc. Ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng khoảng 20 - 25% còn các cổ phiếu ngành hàng không còn phụ thuộc nhiều vào chính sách.
Nguồn cung xe máy mới dồi dào trong tháng cận Tết
Vợ chồng thu nhập cao 30 triệu đồng/tháng vẫn khó mua chung cư Hà Nội