Từ bây giờ, 2 trường hợp sau bắt buộc phải xác thực tài khoản mạng xã hội bằng Căn cước công dân
Người dùng cần nắm rõ các quy định để tuân thủ đúng pháp luật khi sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/2024 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet cùng thông tin trên mạng. Nghị định này thay thế Nghị định 72/2013 và Nghị định 27/2018, đã chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024.
Theo quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều 23 của Nghị định 147, các tài khoản mạng xã hội bắt buộc phải được xác thực bằng số điện thoại di động mới có thể đăng tải nội dung, bình luận, livestream hoặc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Đặc biệt, các tổ chức, doanh nghiệp, và cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ một số yêu cầu nghiêm ngặt nếu:
- Sử dụng dịch vụ cho thuê lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.
- Có tổng lượt truy cập từ Việt Nam trong 1 tháng đạt từ 100.000 lượt trở lên (dựa trên số liệu trung bình trong 6 tháng liên tiếp).
Những đơn vị này phải chịu trách nhiệm xác thực tài khoản của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam bằng số điện thoại di động.
Trường hợp phải xác thực bằng Căn cước công dân (CCCD)
Bên cạnh yêu cầu xác thực tài khoản bằng số điện thoại, Nghị định 147 cũng quy định hai trường hợp người dùng phải xác thực tài khoản mạng xã hội bằng CCCD hoặc thẻ căn cước:
- Người dùng không có số điện thoại di động tại Việt Nam.
- Người dùng sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại; Các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội có trách nhiệm thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Nghị định cũng yêu cầu các nền tảng như Facebook, TikTok phải hoàn tất việc xác thực các tài khoản đang hoạt động của người dùng trong 90 ngày kể từ ngày 25/12/2024. Những tài khoản không thực hiện xác thực theo quy định sẽ bị hạn chế quyền sử dụng, bao gồm:
- Không thể viết bài.
- Không được bình luận.
-Không sử dụng được tính năng livestream.
- Không chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Facebook và TikTok được quyền đưa ra kế hoạch xác thực phù hợp với điều kiện của mình. Việc này có thể bắt đầu từ ngày 25/12/2024 hoặc triển khai sau thời điểm này nhưng phải đảm bảo hoàn thành trước ngày 25/3/2025.
Quy định này sẽ đảm bảo tính minh bạch, nâng cao trách nhiệm của người dùng mạng xã hội và hỗ trợ quản lý thông tin hiệu quả trên không gian mạng. Người dùng cần chú ý tuân thủ để tránh bị hạn chế các quyền sử dụng tài khoản.
Nghị định 147 không chỉ nhằm nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm trên không gian mạng mà còn đảm bảo an ninh thông tin, ngăn chặn các hành vi vi phạm và lạm dụng mạng xã hội. Người dùng cần nắm rõ các quy định để tuân thủ đúng pháp luật khi sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.
>> Kiểm soát chặt chẽ hàng Tết ở sàn giao dịch giá rẻ xuyên biên giới, Facebook, Zalo, TikTok